Nếu nơi biểu diễn của các nghệ sĩ là trên sân khấu và được giáp mặt trực tiếp cùng khán giả thì chốn làm nghề của những nhạc công thuộc Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai là ở hai bên cánh gà sân khấu.
Nếu nơi biểu diễn của các nghệ sĩ là trên sân khấu và được giáp mặt trực tiếp cùng khán giả thì chốn làm nghề của những nhạc công thuộc Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai là ở hai bên cánh gà sân khấu.
Chỗ của nhạc công là góc khuất của sân khấu, nơi khán giả nghe tiếng nhạc phát ra nhưng không thấy mặt người chơi nhạc.
* Ngồi nơi góc khuất
Vừa ngồi phía bên trong cánh gà sân khấu so dây cây đàn guitar để chuẩn bị cho một buổi biểu diễn trích đoạn sân khấu của Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai, nhạc công Lê Đức Cương (54 tuổi), người gắn bó với công việc này gần 30 năm, vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: “Từ khi mới vào đoàn cho đến nay, nơi biểu diễn của tôi và anh em nhạc công trong đoàn vẫn là ở hai bên cánh gà sân khấu”.
Các nhạc công Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai cùng nhau biểu diễn trong một trích đoạn của đoàn. |
Tuy ngồi nơi góc khuất, không đối diện trực tiếp với khán giả nhưng áp lực trong công việc đối với người nhạc không hề nhỏ, bởi vai trò của người nhạc công là đệm đàn để nâng giọng, hòa quyện nhịp nhàng cùng lời ca và truyền cảm hứng cho diễn viên thăng hoa trong diễn xuất. Vậy nên, nghề này cần độ chính xác rất cao, chỉ cần đàn lỗi nhịp thì giữa tiếng đàn và giọng ca sẽ thiếu đồng bộ gây ảnh hưởng lớn đến sự thành công của vở diễn.
Bên cạnh đó, nghề nhạc công cũng có sự phân chia vai trò, nhịp nhàng tung hứng với nhau chẳng kém gì diễn viên. “Đặc biệt, đối với cổ nhạc thì trong từng vở diễn người nhạc công phải tự dựa trên những làn điệu có sẵn để sáng tạo, mày mò nhằm tạo nên những giai điệu riêng sao cho phù hợp với vở diễn, tâm trạng nhân vật, tính kịch của vở diễn…” - nhạc công Nguyễn Thanh Triều (39 tuổi), có cha từng là nhạc công và nay đến lượt anh cũng trở thành nhạc công của Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai, nói.
* Niềm vui cống hiến
Chỉ ngồi nơi góc khuất để biểu diễn và ít ai biết đến, nhưng không vì thế mà những người nhạc công thuộc Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai cảm thấy buồn. Ngược lại, với họ được hòa quyện tiếng đàn cho giọng ca của các diễn viên để cùng nhau cống hiến cho khán giả một vở diễn chất lượng là niềm vui. “Vui nhất là khi vở diễn, trích đoạn sân khấu của đoàn biểu diễn thành công và được khán giả ngợi khen. Có người sau khi tặng hoa chúc mừng diễn viên, đạo diễn cũng dành những cái bắt tay, lời chúc mừng đối với anh em chúng tôi, điều này đủ khiến mọi người cảm thấy tự hào với công việc của mình” - nhạc công Phạm Văn Nhã (34 tuổi) gắn bó với đoàn 11 năm, nói.
Bên cạnh niềm vui được cống hiến, được sống với niềm yêu thích của bản thân, mỗi nhạc công thuộc Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai cũng mang trong mình nhiều tâm sự với nghề. Nhạc công Lê Đức Cương cho biết: “Trong một hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc có thể có nhiều huy chương các loại và những giải thưởng phụ dành cho diễn viên, đạo diễn nhưng lại chỉ có duy nhất 1 giải dành cho ban nhạc. Đó là điều làm anh em nhạc công chúng tôi cảm thấy buồn và luyến tiếc”. Thêm vào đó, ngoài việc đệm đàn, làm nhạc trong các vở diễn của đoàn để phục vụ công chúng hay tham gia vào các hội thi, hội diễn, có rất ít những cuộc thi dành cho dàn nhạc để nhạc công của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp có dịp thi thố, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
“Đó là một thiếu sót của các cơ quan chức năng trong việc công nhận những đóng góp âm thầm nhưng không kém phần quan trọng của nhạc công. Hy vọng trong thời gian tới, những thiếu sót này sẽ được điều chỉnh một cách phù hợp hơn để khuyến khích người làm nghệ thuật ngày càng có nhiều sáng tạo, cống hiến và gắn bó với nghề” - Nghệ sĩ ưu tú Quế Anh, Phó trưởng đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai, nói.
Văn Truyên