Sau một thời gian hoạt động nghệ thuật, nhiều diễn viên múa của Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai đang phải đối mặt với nỗi lo cho tương lai, bởi dù có yêu và mong muốn gắn bó lâu dài với nghề, nhưng thời gian không cho phép những diễn viên này kéo dài giai đoạn biểu diễn trên sân khấu.
Sau một thời gian hoạt động nghệ thuật, nhiều diễn viên múa của Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai đang phải đối mặt với nỗi lo cho tương lai, bởi dù có yêu và mong muốn gắn bó lâu dài với nghề, nhưng thời gian không cho phép những diễn viên này kéo dài giai đoạn biểu diễn trên sân khấu.
* Lo khi hết tuổi biểu diễn
Được sống, cống hiến và thể hiện niềm đam mê biểu diễn trên sân khấu là điều vui nhất đối với cuộc đời của những diễn viên múa. Vậy nên, mặc dù mỗi người phải trải qua từ 4-7 năm học tập bài bản và khổ luyện tại trường, sau đó tiếp tục rèn luyện trong môi trường biểu diễn chuyên nghiệp tại đơn vị công tác mới có thể biểu diễn thành thục nhưng ai cũng vui và tự hào.
Hầu hết diễn viên múa của Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai đã quá tuổi nghề. |
Diễn viên múa Trịnh Thị Liên, người có 16 năm gắn bó với Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai, cho hay diễn viên múa vào đoàn khi tuổi vừa đôi mươi, miệt mài tập luyện, biểu diễn hết mình trên sân khấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao và phục vụ khán giả. Tuy nhiên, với đặc điểm và đòi hỏi có phần khắc nghiệt của môi trường nghệ thuật, nên chỉ khoảng 30 tuổi diễn viên múa được coi đã hết tuổi. “Rời sân khấu trong khi tuổi đời còn rất trẻ, diễn viên sẽ được bố trí công việc khác hay phải rời đoàn để tự tìm kiếm một công việc khác để mưu sinh? Đây là điều khiến cho các diễn viên múa không khỏi lo lắng” - diễn viên Trịnh Thị Liên bày tỏ.
Đội trưởng Đội múa của Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai Nguyễn Việt Bắc cho biết, phải rời sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp khi tuổi đời còn trẻ và tương lai nghề nghiệp của mỗi người sẽ ra sao... thì không ai biết trước được.
* Đầu ra cho diễn viên hết tuổi nghề
Việc sắp xếp công việc cho những nghệ sĩ lớn tuổi này đang là bài toán khó đối với Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phương châm trẻ hóa đội ngũ diễn viên, bởi nếu không bố trí được công việc cho số diễn viên lớn tuổi này thì không có biên chế thu hút các diễn viên trẻ về công tác.
“Hiện đoàn có gần 20 diễn viên múa, phần đông là đã quá tuổi nghề nhưng do chưa bố trí được công việc khác, không có người trẻ về nên vẫn phải để cho những diễn viên này biểu diễn trên sân khấu” - ông Phạm Điền Linh, Phó trưởng đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai, cho hay.
Trong buổi tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí cho rằng để giải quyết vị trí việc làm đối với các diễn viên hết tuổi nghề, UBND tỉnh và các cơ quản chủ quản nơi diễn viên công tác luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để những diễn viên này đăng ký theo học các khóa đào tạo chuyên ngành về văn hóa, như: biên đạo múa, quản lý văn hóa... Sau khi việc học hoàn tất, cơ quan chủ quản sẽ bố trí vị trí công tác mới.
Vậy nên, trong thời gian tới bên cạnh nhiệm vụ luyện tập và biểu diễn, mỗi diễn viên múa cần tự mình nỗ lực, phấn đấu tham gia vào các chương trình đào tạo để chuẩn bị tốt cho nghề nghiệp tương lai của bản thân khi phải rời sân khấu.
Văn Truyên