Tháng mười một, trong mênh mang của tiết trời giao mùa, tâm hồn những ai đã một thời cắp sách đến trường lại bồi hồi, xốn xang nhớ về trường xưa, thầy cũ.
Tháng mười một, trong mênh mang của tiết trời giao mùa, tâm hồn những ai đã một thời cắp sách đến trường lại bồi hồi, xốn xang nhớ về trường xưa, thầy cũ.
Vẫn như bao ngày 20-11 đã qua, lòng cậu học trò của những năm tháng đã xa lại đổ về bao kỷ niệm một thời áo trắng hồn nhiên. Nhớ ngày đầu tiên rụt rè đến lớp, cô giáo vỡ lòng âu yếm cầm tay tôi viết những nét chữ đầu đời. Chữ o dù chưa tròn vành vạnh như trăng rằm, nhưng tình thầy thì đã tròn trịa trong tôi. Mười hai năm phổ thông và những năm đại học đèn sách bút nghiên, thầy cô đã cho tôi một hành trang kiến thức nặng đầy, dìu dắt, yêu thương, dạy cho tôi nhân cách, lòng bao dung, vị tha… Bài học vỡ lòng về đạo lý làm người “cho là nhận” đã theo tôi suốt trên bước đường đời nhiều lắm ghềnh thác, chông chênh. Bài học đầu đời ấy, thầy cô dạy đã bao năm rồi mà đến giờ tôi vẫn còn thuộc nằm lòng.
Ngày tháng cứ trôi nhanh, trên đường đời đầy tất bật lo toan, bị cuốn vào chuyện áo cơm, tôi dù đã lớn nên người nhưng nhiều lúc lại lãng quên bóng dáng thầy cô. Dù vậy, sao tôi quên cho được cái nghĩa, cái tình ở đời mà mình đã khắc cốt ghi tâm: “Cha mẹ cho ta hình hài, thầy cô cho ta tri thức”. Nếu không có đôi tay kéo ta lên sau những sai lầm, vấp ngã, sự tận tụy, tấm lòng thương yêu của người thầy thì ta giờ có lớn nổi thành người?
Thời gian đi qua, ta lớn khôn thành người, mê mải con đường công danh, ngược xuôi đây đó, còn người thầy vẫn thầm lặng ngày đêm mải miết với những chuyến đò, đưa bao lớp học trò đến bến bờ tương lai.
Hòa Hiệp