Năm nay, Mẹ tôi tròn chín mươi tuổi. Tôi cũng đã bước qua tuổi năm mươi được một vài năm, nghĩa là không còn trẻ nữa. Người xưa dạy, ở tuổi này "tri thiên mệnh", tức biết được lẽ Đời, lẽ Trời và đạo Đất.
Năm nay, Mẹ tôi tròn chín mươi tuổi. Tôi cũng đã bước qua tuổi năm mươi được một vài năm, nghĩa là không còn trẻ nữa. Người xưa dạy, ở tuổi này “tri thiên mệnh”, tức biết được lẽ Đời, lẽ Trời và đạo Đất.
Đã trải qua tuổi ấu thơ, tôi biết một đứa trẻ nhớ Mẹ như thế nào. Khi Mẹ đi chợ, đứa trẻ ấy mong Mẹ về để được quà. Mẹ đi thật lâu, đứa trẻ như mất đi chỗ dựa vững chãi, thiếu sự bảo bọc, chở che. Thế là, đứa trẻ ấy khóc…
Tôi nhớ, hồi nhỏ, hình như ở tuổi mười một, mười hai thì phải, Mẹ tôi vào Nam, thăm các anh chị ở Sài Gòn. Ở nhà, không những khóc mà tối nào tôi cũng thắp hương khắp ngoài sân. Làm như vậy, tôi nghĩ Mẹ sẽ về sớm hơn. Mà Mẹ tôi nào phải đi lâu, chỉ độ mươi ngày. Bây giờ, nhớ lại, thấy ngồ ngộ, thậm chí buồn cười nữa. Rõ là trẻ con. Nhưng hồi ấy, nhớ Mẹ, mong Mẹ về, tôi chỉ biết làm như thế.
Lớn lên, xa nhà, không ở bên Mẹ mỗi ngày, trong lòng tôi sống lại đứa trẻ “ngồ ngộ” ngày xưa. Tôi nhớ Mẹ mỗi ngày, nhưng không được ở bên Mẹ. Đành vậy thôi! Có mấy người con trai được ở bên Mẹ của mình mãi mãi đâu. Và dĩ nhiên, dù thương nhớ và cả lo sợ khi phải xa con, song người Mẹ nào cũng muốn đứa con mình đi ra với đời. Ra với đời là con mình đã lớn… Mẹ tôi cũng vậy. Khi Người gần chín mươi, bị lẫn nhiều, mỗi khi con trai về chớp nhoáng, Mẹ mừng rỡ và níu chặt. Rồi tới lúc con đi, Mẹ mếu máo, dòng nước mắt ứa ra trên đôi mắt mờ đục của người già. Thế mà, khi chị tôi nói: “Mẹ để cậu đi làm, chứ không người ta la (rầy/phê bình)” là Mẹ liền bảo: “Con đi đi…”. Tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần câu nói đó của chị tôi. Chao ôi, chỉ có Mẹ tôi luôn tin đó là lý do chính đáng. Nhiều lần bước ra khỏi nhà, tôi không dám ngoái lại, dù biết Mẹ vẫn đứng đó, bên cánh cổng cũ kỹ Mẹ từng đứng bao ngày, cho tới khi không nhìn thấy bóng con nữa. Tôi còn biết, rồi cả ngày hôm đó, Mẹ sẽ khóc.
Mẹ tôi quá già, người mỗi ngày một nhẹ đi, giờ chỉ còn hai mươi bảy ký lô, không có mong muốn gì hơn là con trai của mình luôn ở nhà. Vậy mà tôi không làm được điều nhỏ nhoi đó. Hóa ra, sự bất lực của người đời nào ở chuyện dời non lấp bể. Sự bất lực của người đời khi những điều bé nhỏ không bao giờ thực hiện được. Nỗi bất lực ấy để lại trong trái tim yếu ớt của con người còn nặng nề hơn một hòn đá tảng.
Đứa trẻ mười tuổi đốt nhang mong Mẹ về.
Người đàn ông năm mươi biết làm gì khi nhớ Mẹ?
17-10-2014
Dương Nhật Huy