Không phải lần đầu tiên thị trường có một cuốn sách được thai nghén và xuất bản từ những bài viết trên mạng xã hội. Nhiều cuốn sách đã ra đời theo công thức: tác giả viết trên mạng - độc giả yêu thích - xuất bản thành sách giấy.
Bìa sách Cà phê cùng Tony. Ảnh: D.Y. |
Không phải lần đầu tiên thị trường có một cuốn sách được thai nghén và xuất bản từ những bài viết trên mạng xã hội. Nhiều cuốn sách đã ra đời theo công thức: tác giả viết trên mạng - độc giả yêu thích - xuất bản thành sách giấy.
Nhưng Cà phê cùng Tony là một câu chuyện khác hẳn. Cuốn sách ra đời trong một “hoàn cảnh” đặc biệt: từ những hoang mang của một bộ phận giới trẻ Việt Nam trong việc định nghĩa chính mình giữa thời đại của vật chất, sự đảo lộn của nhiều giá trị chung quanh. Và họ - những người trẻ luôn luôn đau đáu việc phải chọn cho mình hệ giá trị nào để sống, để vươn lên, để tìm ra đáp án cho câu hỏi: Mình phải làm gì với một Việt Nam hiện tại trên con đường vượt qua nghèo khó, lạc hậu?
* Sống thế nào? Và sống ra sao?
Không một độc giả nào thực sự biết Tony là ai, tên tuổi, hoàn cảnh, công việc cụ thể ra sao. Cách viết trào lộng, Tony tự miêu tả mình có “gương mặt thanh tú”, “ngoại hình bắt mắt”… đầy hoài bão nhưng nghèo khó. Đi học không thích quay cóp, không lừa thầy dối bạn, nhà nghèo nên thời sinh viên phải làm đủ thứ việc để có tiền sinh sống, không ngừng học tập và vươn lên. Tốt nghiệp ngành kinh tế, đi du học và về Việt Nam kinh doanh trong ngành nông nghiệp. Tất cả chỉ có thế.
Những bài viết trong Cà phê cùng Tony thường sử dụng những từ “trại” theo tiếng địa phương, như: “hổng thành hẻm”, “học thành hạc”… được giải thích, là để bài viết nhẹ nhàng hài hước, đúng “gu” giới trẻ. Tác giả xưng “dượng” với các độc giả trẻ theo lối miền Nam, “dượng” là chồng của “dì”, tuy không ruột thịt nhưng đầy tình nghĩa. |
Điều khiến Tony Buổi Sáng chạm được đến trái tim những người trẻ có chút tri thức nhưng đang băn khoăn là đã giúp họ định nghĩa lại được những giá trị sống và định nghĩa được thành công, ít nhất thành công theo ý nghĩa yêu lao động và đóng góp sức lực, trí tuệ cho bản thân và cộng đồng.
“Tôi là ai? Tôi có năng lực gì? Liệu tôi có thể thành công và sống đẹp giữa một xã hội mà nhiều giá trị đang bị đảo lộn không? Làm sao có thể thành công nếu đi học không copy bài bạn, đi làm không “ăn cắp” giờ của chủ? Có thể có cuộc sống sung túc không nếu đi bán hàng không ma lanh, không “phết phẩy”? Tony, bằng những câu chuyện và trải nghiệm cá nhân, những tri thức có được trong suốt chặng đường học hành, du học, làm việc, khởi nghiệp… và bằng cả những lỗi lầm, tật xấu của bản thân, đã cố gắng chứng minh rằng: người trẻ có thể hoàn toàn thành công và thanh thản với những thành công đó trong thời đại và xã hội hiện tại, mà không cần “khôn lanh”, “ma mãnh”, “cơ hội”… mà vẫn giữ được sự trung thực, hướng thiện, thật thà, chăm chỉ.
* Hãy thôi sống hoài, sống phí…
Thực ra, giới trẻ ở bất kỳ thời đại nào, khi lớn lên đều va vấp những hoang mang. Khó có thể so sánh được một thanh niên 18-20 tuổi của năm 2014, giữa lúc Việt Nam và cả thế giới đang chuyển biến mạnh mẽ bằng những rung động tinh tế nhất trên mọi lĩnh vực, từ khoa học - kỹ thuật đến kinh tế, giáo dục, văn chương… thì có nhiều nỗi hoang mang hơn một thanh niên tầm tuổi ấy ở những năm đất nước còn đầy bom đạn chiến tranh hay không.
Hãy làm đi. Đừng chờ đợi nữa. Đi học thì chăm chỉ tích cóp kiến thức, học ngoại ngữ. Ra trường thì tìm việc mà làm. Thành phố tìm không ra việc thì về quê sản xuất. Xem quê hương mình có gì có thể sản xuất, bán hàng được. Cắt tóc cao lên, tập luyện thể thao. Sống trung thực và không vụ lợi. Đi bán hàng thì đừng ăn chặn đầu nọ đầu kia. Làm công chức thì lo phục vụ dân, đừng chăm chăm trốn việc. Tránh xa các thói xấu rượu chè, thói ích kỷ, dối trá, ỷ lại, cơ hội, tránh xa sự ranh mãnh chỉ biết lợi ích bản thân. Đừng phán xét, ném đá người khác, hãy thông cảm với họ. Đọc sách và đọc sách, cảm thụ văn chương, tích lũy tri thức, bớt thời gian lên mạng “chém gió” hay lên Facebook soi mói người khác. Chia sẻ và nhận lại, cho đi không toan tính, lan truyền những cách sống đẹp, hỗ trợ bạn bè đồng nghiệp, ủng hộ hàng Việt, giúp đỡ doanh nghiệp trong nước, khuyến khích học hành và rèn luyện đạo đức… Những thông điệp mà Tony Buổi Sáng truyền đi không có gì mới lạ, chỉ là, bằng sự gần gũi và dí dỏm, có vẻ như những bài viết này đã “rà” đúng “hệ”, tránh được lối viết giáo điều cũ kỹ. Nhờ thế, mà hàng chục ngàn bạn trẻ Việt Nam hàng ngày đã đọc, đã chia sẻ, đã chép lại, rỉ tai nhau đọc… và nhiều bạn đã ngừng hoang mang lo lắng, để lao vào học tập và làm việc.
Hiện tại, ở nhiều tỉnh, thành cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Nghệ An, Đà Nẵng… và một tại Nhật Bản đã thành lập các “Câu lạc bộ Con dượng Tony buổi sáng” với mục đích hỗ trợ nhau sản xuất, học tập, có người điều hành riêng (admin) trên mạng và ngoài đời. Các CLB được kiểm soát bởi tác giả và đội ngũ admin chính. Một đội bán hàng cũng mới được thành lập để hỗ trợ các dự án sản xuất nhỏ của những thành viên trong CLB. |
Điều thú vị khác nữa là toàn bộ tiền bán sách và nhuận bút sẽ được tác giả cho vào “Quỹ hành bổng” - cách gọi hài hước vì tác giả cho biết muốn trợ giúp những bạn trẻ “hành” thay vì “học” - cho các bạn trẻ Việt Nam có ý tưởng và mong muốn khởi nghiệp sản xuất, đặc biệt là kế hoạch đó liên quan đến giải quyết nông sản cho địa phương.
Những tâm huyết và thông điệp, nếu truyền đi một cách vô tư và bất vụ lợi, sẽ có những giá trị thích đáng và sự đón nhận nhiệt thành. Cà phê cùng Tony là một thông điệp vô tư, bất vụ lợi từ một tác giả vô danh không cần sự tung hô, nổi tiếng của đám đông.
Dã Yên