Trước thực trạng nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa khu di tích, đình chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã ban hành Công văn số 2662 yêu cầu cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật này.
Trước thực trạng nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa khu di tích, đình chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã ban hành Công văn số 2662 yêu cầu cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật này.
Cặp sư tử đá được đưa vào đình Long Chiến (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu). |
Tại Đồng Nai, khuyến cáo này đã nhận được sự đồng tình của cơ quan quản lý nhà nước, ban quản lý, ban quý tế các di tích, đình miếu và người dân.
* Ở đâu cũng có
Qua khảo sát tại nhiều di tích trong tỉnh, cho thấy hiện có không ít nơi đang sử dụng các loại biểu tượng, sản phẩm, linh vật trái với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam.
Cụ thể, tại di tích quốc gia Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), bên cạnh tượng Nguyễn Hữu Cảnh là sự hiện diện của 2 con sư tử đá có kiểu dáng rất lạ với bờm xòe rộng, miệng há to đang nhe răng nanh thị uy dữ tợn. Ngoài ra, có thể kể đến một số di tích khác, như: di tích lịch sử cấp tỉnh đình Long Chiến (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) và một di tích lịch sử cấp tỉnh ở ấp 5, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch đều đang trưng bày 2 con sư tử bằng đá trắng với kích thước khá lớn.
Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch: “Sở sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ trong việc tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt; đồng thời tổ chức tập huấn để nhận biết đâu là biểu tượng, vật phẩm, linh vật theo tạo hình, hình thức phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, loại nào không phù hợp để tránh gây lúng túng trong khâu kiểm tra, xử lý”. |
Ông Lê Hữu Thạnh, Trưởng ấp 2, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu và là thành viên của Ban quý tế đình Long Chiến, cho biết năm 2009, đình Long Chiến được trùng tu, tôn tạo và Ban quý tế đình đã mua một cặp kỳ lân có kích thước nhỏ (cao gần 1 m) về đặt 2 bên cửa chính điện. Tuy nhiên, do kích thước của cặp kỳ lân không tương xứng với diện tích chính điện nên Ban quý tế đã nhận 1 cặp sư tử đá có chiều cao gần 2m do một người dân cung tiến. “Giờ ngẫm lại mới thấy, cặp sư tử đá này tuy trông oai vệ cho cửa đình, nhưng không hợp với văn hóa truyền thống của đình” - ông Thạch nói.
Điều này cho thấy một thực trạng là tại các di tích đang sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, xuất phát từ ý nghĩ đơn giản và thiếu chọn lọc, không hiểu hết giá trị văn hóa truyền thống đối với từng loại biểu tượng, vật phẩm, linh vật.
* Nâng cao nhận thức
Bên cạnh các di tích hiện đang trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, vẫn có không ít di tích cương quyết không nhận những đồ cung tiến không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.
Ông Bùi Văn Ái, Trưởng ban Quý tế đình Tân Phú (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa), cho biết: “Trước đây, ở cổng đình có một cặp kỳ lân đá nhưng đã bị kẻ gian lấy trộm. Từ đó đến nay, đã có một số nhà hảo tâm trong tỉnh đến xin tặng và đặt tại đình một cặp sư tử đá có kích thước lớn, nhưng Ban Quý tế đình kiên quyết không nhận. Hiện Ban Quý tế đình đang tìm kiếm lại mẫu tượng kỳ lân tại một số đình, miếu lâu năm để sao chép lại nguyên mẫu, chứ không theo mẫu ngoại lai”.
Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, cho rằng nhận thức trong việc trưng bày sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật của người dân hiện còn nhiều hạn chế, bởi không phải ai cũng hiểu về giá trị của biểu tượng, linh vật. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng linh vật càng có kích thước lớn, dáng vẻ dữ tợn thì càng phát huy tác dụng trong việc “canh cửa”. Do đó, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch sẽ sớm tổ chức tuyên truyền đến ban quý tế, ban quản lý các khu di tích lịch sử văn hóa, cơ sở sản xuất địa phương và kiểm tra về việc trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật. Việc tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức và sự tự giác cho người dân để họ tự tháo dỡ, di dời những biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp này ra khỏi nơi công cộng, di tích. Trước mắt là để tự giác, chưa áp dụng các hình thức cưỡng chế hay xử phạt.
Sông Thao