Nhiều năm nay, cứ đến ngày 11 và 12-8 âm lịch, giới làm nghề sân khấu (cải lương, đờn ca tài tử, kịch...) trong tỉnh lại cùng tề tựu về nhà hát cải lương của Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai để dự lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam.
Nhiều năm nay, cứ đến ngày 11 và 12-8 âm lịch, giới làm nghề sân khấu (cải lương, đờn ca tài tử, kịch...) trong tỉnh lại cùng tề tựu về nhà hát cải lương của Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai để dự lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam.
Giới nghệ sĩ sân khấu trong tỉnh tham gia lễ giỗ tổ nghiệp vào sáng ngày 5-9 tại Nhà hát cải lương Đồng Nai. |
Bên cạnh những giây phút thành tâm dâng hương lên tổ nghiệp để cầu mong cho nghệ thuật sân khấu luôn phát triển, con đường nghề nghiệp tốt đẹp, những người theo nghiệp sân khấu còn không ít trăn trở.
* Thành tâm hướng về tổ nghiệp
Đầu năm 2011, xuất phát từ đề nghị của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 12-8 (âm lịch) hàng năm làm Ngày Sân khấu Việt Nam. Năm nay, ngày lễ trọng đại có thêm ý nghĩa khi nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Với tấm lòng thành kính, nghệ sĩ trẻ Thành Vinh, Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai, chia sẻ: “Mỗi nghề đều có tổ riêng của mình và sân khấu cũng không ngoại lệ. Là một diễn viên sân khấu, tôi luôn cảm thấy tự hào và thành kính hướng về tổ nghiệp để cầu mong được theo đuổi ước mơ, được sống và cống hiến dưới ánh đèn sân khấu phục vụ khán giả những vở diễn hay và ấn tượng”.
Ngoài việc tưởng nhớ, tri ân đến tổ nghiệp, đây còn là dịp để những người làm nghề sân khấu trong tỉnh cùng nhau họp mặt, biểu diễn những trích đoạn sân khấu tiêu biểu, giao lưu những bản đàn, lời ca và chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề cùng nhau.
* Trăn trở với nghề
Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà, Trưởng đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai, cho hay hiện mức bồi dưỡng dành cho nghệ sĩ đã được nâng lên nhiều lần so với trước đây. Theo đó, đối với mỗi suất diễn, nghệ sĩ nhân dân được bồi dưỡng 350 ngàn đồng; nghệ sĩ ưu tú, đào chính, kép chính được nhận 300 ngàn đồng và mức thấp nhất dành cho hậu đài cũng được 180 ngàn đồng. Mức bồi dưỡng này đã tạo thêm động lực để anh em văn nghệ sĩ gắn bó hơn với nghề. Tuy nhiên, hiện tiền lương chi trả cho nghệ sĩ vẫn được xét theo mức lương cơ bản với bình quân chỉ trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng nên rất khó thu hút những ai có tiềm năng về với đoàn.
Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà, Trưởng đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai, cho biết thời gian qua đã trực tiếp tiếp xúc và mời các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp (cải lương, kịch) từ TP.Hồ Chí Minh về khảo sát địa điểm biểu diễn để phục vụ nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, qua khảo sát các đoàn đều từ chối biểu diễn vì không tìm ra địa điểm thích hợp. Riêng nhà hát cải lương của đoàn, mặc dù có hệ thống sân khấu, ánh sáng, trang thiết bị hiện đại nhưng các đoàn nghệ thuật “chê” không đạt yêu cầu vì vị trí của nhà hát không thuận tiện về giao thông, lại có sức chứa khiêm tốn. |
Nghệ sĩ trẻ Trần Phương Trang (nghệ danh Hoàng Việt Trang) của Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai, không giấu được trăn trở khi cho biết để sống được với đam mê nghề nghiệp, nhiều nghệ sĩ hiện phải làm những nghề “tay trái”. “Tranh thủ vừa làm ca sĩ, vừa dẫn chương trình ở bên ngoài, tháng nào đắt sô tôi có thêm mấy triệu đồng. Số tiền này được tôi dùng để mua sắm thêm trang phục biểu diễn, son phấn trang điểm chứ mức hỗ trợ thanh sắc như hiện nay mà tôi được nhận chỉ 200 ngàn đồng/tháng là không đủ” - Phương Trang cho biết.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay mà giới nghệ sĩ sân khấu Đồng Nai đang gặp phải chính là thiếu một sân khấu - một nhà hát chuyên nghiệp để biểu diễn. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở việc các đoàn khi công diễn vở diễn mới, chương trình mới không có địa điểm tổ chức đúng chức năng. Khán giả muốn xem chương trình của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đành chờ các đợt lưu diễn ở những sân khấu tạm bợ.
Nghệ sĩ ưu tú Phạm Điền Linh, Phó đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai, bày tỏ mong muốn tỉnh đầu tư xây dựng một thiết chế văn hóa chuyên nghiệp và hiện đại để những người làm nghề sân khấu có thể biểu diễn phục vụ khán giả trong tỉnh định kỳ hàng tuần, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đồng thời điều đó cũng thỏa mãn ước mơ được cháy hết mình trên ánh đèn sân khấu của mỗi nghệ sĩ, diễn viên.
Sông Thao