Báo Đồng Nai điện tử
En

Bình đẳng giới trong gia đình

10:09, 30/09/2014

Luật Bình đẳng giới được thực thi đã khiến vai trò và địa vị của phụ nữ ngoài xã hội và trong gia đình ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn một số phụ nữ đang phải làm nhiều việc hơn nam giới, phải chịu bạo lực về thể xác và tinh thần…

 

Luật Bình đẳng giới được thực thi đã khiến vai trò và địa vị của phụ nữ ngoài xã hội và trong gia đình ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn một số phụ nữ đang phải làm nhiều việc hơn nam giới, phải chịu bạo lực về thể xác và tinh thần…

Một gia đình tham gia phần thi văn nghệ tại Ngày hội văn hóa gia đình tỉnh năm 2014. Ảnh minh họa
Một gia đình tham gia phần thi văn nghệ tại Ngày hội văn hóa gia đình tỉnh năm 2014. Ảnh minh họa

Để đảm bảo bình đẳng giới trong gia đình, một trong những biện pháp được đề cập đến, đó là vợ, chồng và các thành viên trong gia đình cùng hợp tác, chia sẻ  công việc trong gia đình, qua đó thấu hiểu và tiến tới loại bỏ các hành vi mang tính bạo lực.

* Chuyển biến trong hành vi

Trước đây, do không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, cuộc sống gia đình khó khăn nên giữa vợ chồng ông Nguyễn Quang Khải và bà Nguyễn Thị Hiền (huyện Trảng Bom) thường xảy ra bất hòa. “Thậm chí, trong khoảng thời gian đó, vợ chồng tôi đã 2-3 lần làm đơn ly dị nhưng không thành” - ông Khải nói. Được mọi người góp ý, vợ chồng ông Khải đã quyết định mở một quán tạp hóa nhỏ để làm ăn. Sau một thời gian buôn bán và tích cóp, cửa hàng tạp hóa của ông bà ngày một lớn, hàng hóa phong phú hơn. Ngoài kiếm lời từ các mặt hàng tạp hóa có sẵn, ông bà còn tranh thủ muối dưa, cà bán kiếm thêm thu nhập. Bà Nguyễn Thị Hiền cho hay, kinh tế gia đình dần ổn định, vợ chồng ông bà ít cự cãi hẳn, có chăng chỉ là tranh luận cho vui cửa vui nhà. Từ ngày vợ chồng sát cánh cùng chăm lo cho cửa hàng tạp hóa, bà cảm thấy thoải mái không còn trong tâm thế một mình lo gạo ăn từng bữa, sợ chồng mắng chửi như trước nữa…

Không dừng lại ở việc chia sẻ gánh nặng kinh tế, bình đẳng trong gia đình còn được thể hiện ở sự chia sẻ công việc nhà, tôn trọng ý kiến của nhau trong mọi quyết định.  Cả hai vợ chồng đều là giáo viên nên gia đình anh Võ Xuân Trị và chị Hồ Thị Tường Vy (TX.Long Khánh) phối hợp khá ăn ý trong việc giải quyết công việc gia đình. Là giáo viên tiểu học, thời gian lên lớp của anh Võ Xuân Trị ổn định hơn vợ nên anh thường đảm nhận việc đưa đón con và nấu ăn. Anh Trị bộc bạch, lâu nay người ta cho rằng nấu ăn là công việc của phụ nữ, nhưng theo anh điều này không còn phù hợp nữa. Phụ nữ ngày nay phải tham gia công việc bên ngoài nên rất cần sự chia sẻ từ người thân trong gia đình, nhất là người chồng. “Điều này vừa giúp phụ nữ làm tròn “2 vai” mà vừa giúp giữ gìn hạnh phúc gia đình” - anh Trị cho hay.

Với gia đình ông Châu Ngọc Hạnh và bà Nguyễn Thị Kim Phượng (huyện Long Thành), sự bình đẳng luôn được thể hiện trước những vấn đề lớn của gia đình. Ông Châu Ngọc Hạnh cho biết, khi cần giải quyết một vấn đề lớn của gia đình ông không phải là người đưa ra quyết định mà quyết định chỉ được đưa ra sau khi có sự bàn bạc thống nhất của cả hai vợ chồng.

* Gia đình và xã hội chung tay

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, - thể thao và du lịch, từ năm 2010 đến 2012, toàn tỉnh xảy ra trên 1.700 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, đa số nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình là nữ có độ tuổi từ 16-59 tuổi.

Bà Lưu Thị Phượng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch nhận định nguyên nhân của các vụ bạo lực chủ yếu xuất phát từ người chồng (vợ) nghiện rượu, ma túy, cờ bạc; kinh tế gia đình khó khăn. Song song đó là tư tưởng trọng nam khinh nữ, thói gia trưởng, tự cho mình là trụ cột gia đình có quyền định đoạt mọi việc của nam giới… dẫn đến bạo lực, hạnh phúc gia đình đổ vỡ.

Do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đến mọi thành viên trong xã hội là giải pháp đầu tiên cần thực hiện nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của từng cá nhân,  cộng đồng về bình đẳng giới trong gia đình. Từ đó, loại bỏ các hành vi mang tính bạo lực gia đình. Muốn làm được điều này, bà Lưu Thị Phượng cho rằng trong gia đình, vợ và chồng phải cùng hợp tác, chia sẻ mọi công việc của gia đình; thấu hiểu các nguyên tắc sống hài hòa; bảo đảm các mối quan hệ luôn rõ ràng, hợp lý nhằm giảm mâu thuẫn.

Và cũng theo bà Lưu Thị Phượng, việc ngăn chặn bạo lực gia đình từ phía gia đình là chưa đủ mà rất cần sự đồng lòng, chung tay của xã hội. Không chỉ người dân mà các cơ quan chức năng, các ban, ngành cũng phải vào cuộc với các biện pháp quyết liệt đối với các hành vi bạo lực. Có như vậy mới mong xóa bỏ triệt để tình trạng bạo lực gia đình, và từ đó xây dựng gia đình hạnh phúc làm nền tảng cho bình đẳng giới thực chất.

Nga Sơn

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích