Ngày mai 11-2, tại TP.Hồ Chí Minh sẽ diễn ra lễ đón bằng công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngày mai 11-2, tại TP.Hồ Chí Minh sẽ diễn ra lễ đón bằng công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Dịp này, tỉnh Đồng Nai cùng với 20 tỉnh, thành khác của cả nước có đóng góp tích cực trong việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể sẽ được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch trao tặng bằng công nhận “Đờn ca tài tử Đồng Nai là di sản phi vật thể quốc gia”.
* Thú vui dân dã
Theo thống kê của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, toàn tỉnh hiện có 33 câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử đăng ký hoạt động cùng nhiều nhóm, đội đờn ca tài tử hoạt động tự phát. Rất dễ để người có nhu cầu thưởng thức tìm được một địa điểm sinh hoạt đờn ca tài tử thú vị tại Đồng Nai, bởi đờn ca tài tử có thể trình diễn ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào mà không câu nệ sân khấu, trang phục, địa điểm…
Một tiết mục biểu diễn trong chương trình chào mừng sự kiện nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại diễn ra tại Đồng Nai tháng 12-2013. |
Ông Lê Văn Có, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử huyện Vĩnh Cửu, cho biết: “Những người thích đờn ca tài tử mỗi khi rảnh rỗi thường hay cùng với bạn bè chung sở thích họp nhau lại tại nhà một người nào đó rồi cùng hòa đàn, cất tiếng ca để cho mọi người thưởng thức. Chương trình không sắp xếp sẵn mà những người đồng điệu gặp nhau, cao hứng muốn đàn bản gì là tất cả cùng đàn”. Bởi thế, có thể gặp đờn ca tài tử ở đình, miếu, đám cưới, đám hỏi, đám tang hay giỗ chạp, tiệc tùng…
Từ 19 giờ đến 20 giờ ngày 11-2, tại TP.Hồ Chí Minh sẽ diễn ra lễ đón bằng công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1. 20 giờ cùng ngày, tại Đồng Nai sẽ diễn ra chương trình đón nhận bằng công nhận “Đờn ca tài tử Đồng Nai là di sản phi vật thể quốc gia” của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch trao tặng. Trong chương trình có phần biểu diễn, giao lưu đờn ca tài tử giữa các câu lạc bộ đờn ca tài tử trong tỉnh. |
Cũng bởi yếu tố dân dã, không câu nệ nhiều vào những điều kiện ràng buộc mà bao năm qua, đờn ca tài tử vẫn tồn tại ở Đồng Nai như một nhu cầu không thể thiếu của người dân. Từ 20 bài bản tổ, nhiều bài bản đờn ca tài tử mới đã được người yêu mến bộ môn nghệ thuật này sáng tác và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Các bài ca này đều thể hiện tiếng lòng với cuộc sống, từ ngày đầu khai hoang lập ấp đến quá trình đấu tranh chống ngoại xâm và đổi thay của đất nước đang trên đường phát triển. “Đờn ca tài tử thể hiện sự phóng khoáng và thân thiện, chân thành và nghĩa khí của con người” - nhạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng khoa âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh, khẳng định.
* Niềm vui và nỗi lo
Đối với người yêu mến và có tâm huyết gìn giữ, phát huy, truyền thụ tinh hoa của nghệ thuật đờn ca tài tử rộng rãi đến với công chúng, như nghệ sĩ Phạm Lơ (Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai), soạn giả Nguyễn Tấn Tài (người từng đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2012 với bài vọng cổ “Bác ơi”), hay nghệ sĩ Linh Phụng (Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa huyện Long Thành)… thì việc đờn ca tài tử trở thành di sản văn hóa phi vật thể là một niềm vui lớn.
Biểu diễn đờn ca tài tử tại Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Đồng Nai lần IV-2013. |
Nghệ sĩ Phạm Lơ nói: “Khi hay tin nghệ thuật đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào chiều ngày 5-12-2013, anh em trong CLB rất vui mừng và tự hào. Bởi đây là mong mỏi từ rất lâu của những người yêu mến môn nghệ thuật này. Ngay cả bạn bè của tôi có chung niềm yêu mến với bộ môn nghệ thuật này hiện đang sinh sống ở nước ngoài cũng thông tin cho nhau với một tâm trạng phấn khởi và hạnh phúc”.
Tuy nhiên, cùng với niềm vui là nỗi lo đờn ca tài tử sẽ được lưu giữ như thế nào cho xứng đáng. Nghệ sĩ Linh Phụng, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa huyện Long Thành, cho hay: “Đã mấy chục năm theo đuổi bộ môn nghệ thuật này, có nhiều cơ hội tiếp xúc cũng như giao lưu với các CLB, nghệ sĩ của nhiều tỉnh, thành nên tôi nhận thấy hoạt động và phát triển của nghệ thuật đờn ca tài tử hiện nay còn yếu. Trong đó, tình cảnh thường thấy nhất hiện nay mà các CLB đang gặp phải là hạn chế về kinh phí hoạt động và thiếu sự kết nối trong tổ chức biểu diễn”.
* Nhạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng khoa âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh: Nét văn hóa riêng của người dân Nam bộ Nếu như với ca trù miền Bắc hay ca Huế miền Trung, lời ca được xem là quan trọng hơn tiếng đàn, thì đờn ca tài tử Nam bộ hoàn toàn ngược lại khi dàn nhạc - tiếng đàn được xem trọng hơn tiếng ca. Thường người nghe rất chú trọng vào cách đàn uyển chuyển, bay bướm, đa dạng. Do đó, nghệ thuật đờn ca tài tử đã trở thành một nét văn hóa rất riêng trong đời sống người dân Nam bộ nói chung, người dân Đồng Nai nói riêng. * TS. Mai Mỹ Duyên, Phó trưởng khoa sau đại học Trường đại học văn hóa TP.Hồ Chí Minh: Cần sớm đưa nghệ thuật đờn ca tài tử vào chương trình giáo dục trong nhà trường Hiện nay, số nghệ sĩ nắm giữ những bí quyết, kỹ thuật trong đờn ca tài tử đã lớn tuổi và còn lại không nhiều. Vì thế, việc sớm tận dụng thời gian hạn hẹp còn lại của các nghệ sĩ dân gian vào việc tổ chức các hoạt động trao truyền cho thế hệ trẻ là việc làm hết sức cần thiết. Để thực hiện được mong muốn đó thì phương thức hữu hiệu nhất chính là đưa nghệ thuật đờn ca tài tử vào chương trình giáo dục - đào tạo trong nhà trường. Nếu làm được điều này thì học sinh sẽ hiểu được giá trị, vẻ đẹp và chắc rằng sẽ thêm yêu mến, có ý thức giữ gìn, phát huy môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. * Ông Lê Văn Có, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử huyện Vĩnh Cửu: Đẩy mạnh khâu quảng bá Hiện nay, người biết và yêu mến bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử thực chất không nhiều, mà nguyên nhân không phải vì đây là một môn nghệ thuật kém hấp dẫn. Theo tôi, nguyên nhân là do chúng ta thiếu phương thức quảng bá, giới thiệu và đưa bộ môn nghệ thuật này đến với nhiều đối tượng trong xã hội. Sông Thao (ghi) |
Văn Truyên