Hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử Đồng Nai, ông Phạm Lơ liên tục mở các lớp học ca, đàn, dạy niêm luật, dạy hát đờn ca tài tử cho học trò với tâm nguyện giữ gìn dòng chảy của môn nghệ thuật dân tộc này.
Hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử Đồng Nai, ông Phạm Lơ liên tục mở các lớp học ca, đàn, dạy niêm luật, dạy hát đờn ca tài tử cho học trò với tâm nguyện giữ gìn dòng chảy của môn nghệ thuật dân tộc này. Băn khoăn lớn nhất của người tài tử này là làm sao để đờn ca tài tử có sức sống vững bền hơn thông qua những người trẻ, như đã từng dẫn dắt ông qua những thăng trầm cuộc sống.
* Nhắc đến đờn ca tài tử Đồng Nai là nhắc đến tên Phạm Lơ - người có công gầy dựng nên phong trào đờn ca tài tử ở Đồng Nai. Vậy trong suy nghĩ của ông, điều gì đã khiến ông gắn bó với nghệ thuật đờn ca lâu bền đến thế?
- Trước hết, bởi đờn ca tài tử là tiếng lòng của người dân phương Nam. Đờn ca tài tử đã theo chân thi tướng Huỳnh Văn Nghệ đi mở cõi đất phương Nam, rồi lan tỏa trong cộng đồng dân cư, sống bền bỉ mãi đến giờ. Tôi sinh ra và lớn lên trong những giai điệu của giọng ca, tiếng đờn, nên yêu nó cũng là một lẽ tự nhiên. Sau này có điều kiện tập hợp anh em mở lớp dạy đờn ca thì phải làm. Ở những giai đoạn đất nước khó khăn nhất, đời sống người dân vất vả nhất, đờn ca tài tử vẫn có mặt trong đời sống. Mỗi ngày lao động mệt mỏi về, anh em chúng tôi vẫn tụ tập nay nhà này, mai nhà khác đờn ca với nhau cho quên bớt nhọc nhằn. Đờn ca đã dẫn dắt chúng tôi đi qua những thăng trầm cuộc sống. Vậy nên chỉ cần có điều kiện, tôi muốn hết lòng gầy dựng phong trào.
* Với những người yêu quý đờn ca tài tử, việc bộ môn nghệ thuật này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào tháng 12 - 2013 có ý nghĩa ra sao?
- Đêm 5-12-2013 là một đêm không quên với những người yêu đờn ca tài tử. Tôi còn nhớ, khi đó báo chí trong nước chưa đưa tin chính thức, nhưng một người bạn chơi đờn trong nhóm hiện định cư ở Mỹ đã gọi về báo đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh. Anh em có một buổi tiệc nhỏ chúc mừng sự kiện này. Chúng tôi không ngủ được vì vui mừng khôn tả. Vui vì được vinh danh là một nhẽ, càng vui hơn với hy vọng bộ môn nghệ thuật này sau khi được công nhận sẽ được chăm chút, gìn giữ nhiều hơn.
* Cái hồn của đờn ca tài tử nằm ở đâu trong cảm nhận của ông?
- Trong đời sống của người lao động Nam bộ, đờn ca tài tử là món ăn tinh thần gần như duy nhất trong suốt trăm năm. Với nhiều người, cơm thì có thể bỏ vài bữa, nhưng ca đờn thì không, hôm nào cũng phải nghe, phải hát. Người bình dân Nam bộ làm lụng mệt mỏi, đôi khi chỉ cần nghe một câu vọng cổ là mệt nhọc vơi đi nhiều lắm, không vật chất nào bằng. Với những người biết chơi nhạc tài tử, thì một nhóm ngồi lại với nhau, chúng tôi gọi là “tâm tấu”, tức là hát bằng cái tâm. Dù vẫn có khuôn khổ nhạc lý, có niêm luật, nhưng đờn ca rất lạ, nếu muốn hay, muốn đi vào lòng người thì phải chơi một cách “rút ruột rút gan” ra mới “thấm”. Đó chính là cái hồn của nghệ thuật đờn ca tài tử trong suy nghĩ của tôi.
* Ông là người chứng kiến những vinh dự, thăng trầm của đờn ca tài tử. Nhưng thực tế là dù đã được UNESCO vinh danh, nhưng cũng như nhiều môn nghệ thuật dân tộc khác, có vẻ vẫn chìm lấp giữa một thị trường âm nhạc phong phú hiện nay. Ông nghĩ gì về điều này?
- Đúng là xuyên suốt hàng chục năm, đờn ca tài tử đã qua nhiều thời kỳ, có vinh dự, có thăng trầm. Chúng tôi chấp nhận một thực tế là đờn ca tài tử không thể chơi ào ào, chơi đại trà để kiếm tiền như nhiều thể loại khác. Hồn vía của bộ môn này đi từ tri âm, tri kỷ đi lên, nên chúng tôi gọi là “chơi” chứ không gọi là “biểu diễn”. Có lẽ vì không thể gia nhập vào thị trường một cách đại trà như nhiều môn nghệ thuật khác, nên bắt buộc những người có tâm huyết phải có ý thức và đam mê rất cao mới có thể gìn giữ lâu dài. Giữ cho được cái hồn của đờn ca tài tử là điều anh em chúng tôi luôn trăn trở. Sự vinh danh và trân trọng của xã hội là điều đáng quý, nhưng cũng đặt những người đam mê nghề vào sự chọn lựa, làm sao để không đánh mất mình, không sa đà quá vào việc kiếm tiền từ ngón đờn, giọng ca mà làm biến tướng nghệ thuật đờn ca.
* Nhưng một môn nghệ thuật dù đã được công nhận, vinh danh thì vẫn cần có một “thị trường” nhất định để tồn tại, trong đó làm sao để thúc đẩy khán giả bỏ tiền đi nghe hát là điều cần thiết. Quan điểm của ông?
- Tôi không phủ nhận điều này. Nói về “xã hội hóa” thì đờn ca tài tử từ lâu đã được “xã hội hóa”, vì anh em đi đờn ca trong các buổi lễ, ngày hội vẫn được bồi dưỡng hợp lý, xuất phát từ tấm lòng mến mộ của người nghe. Nhưng làm sao để nghệ thuật này không biến tướng, giữ lại được cái hồn của nó thì cần phải suy nghĩ. Tôi cho rằng, với việc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, Việt Nam đã phải cam kết sẽ gìn giữ và phát triển nó. Vậy nên cần xác định, nhà nước sẽ làm gì cụ thể, nghệ sĩ làm gì, cộng đồng làm gì… Bởi bây giờ, đờn ca tài tử không còn là tài sản riêng của người mến mộ, đó là tài sản chung của cả quốc gia, của nhân loại.
* Ông mở lớp dạy đờn ca tài tử từ 7 năm nay, có phải vì mong muốn truyền được chút lửa nghề cho lớp trẻ? Và ông thấy ra sao khi lớp trẻ đa số đều dễ say mê với hào quang showbiz mà không nhiều người chú tâm đến việc theo đuổi, giữ gìn các môn nghệ thuật dân tộc?
- Chúng tôi mượn một gian phòng nhỏ trong Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cũ để dạy học trò, luân phiên người dạy đàn, người dạy ca. Học trò lớn nhất đã gần 60, nhỏ thì 17-18. Tôi ý thức rằng, lớp trẻ thờ ơ với đờn ca tài tử, lỗi một phần nằm ở thế hệ chúng tôi. Chúng ta thiếu đầu tư, chưa quan tâm đến việc truyền thụ tâm huyết, tay nghề, thiếu sân chơi… Cũng còn may là đờn ca tài tử vẫn sống qua cả trăm năm giữa lòng dân tộc cho đến ngày được vinh danh. May mắn là chúng tôi cũng được tỉnh tạo điều kiện, lãnh đạo có người tâm huyết, chẳng hạn
Ông Phạm Lơ sinh năm 1947 tại Bến Cát, Bình Dương và lớn lên bên cạnh người cha đam mê chơi nhạc tài tử, nên từ năm 13 tuổi, ông đã rành rẽ các ngón đàn, điệu hát. Năm 16 tuổi, ông tham gia kháng chiến, rồi sau đó cũng bằng lời ca tiếng đàn, ông về Đoàn văn công Đông Nam bộ đến tận ngày giải phóng đất nước (1975). Trở thành giảng viên bộ môn Cải lương ở Trường Văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai suốt những năm sau giải phóng, rồi sau đó về làm Phó đoàn Cải lương Đồng Nai, chưa một khoảng thời gian nào ông “bỏ rơi” đờn ca tài tử. Ít thì một nhóm bạn nhỏ ngồi “tâm tấu” với nhau lúc trà dư tửu hậu, nhiều thì tập hợp cả một dàn nhạc tài tử với đầy đủ ban bệ. |
TS. Huỳnh Văn Tới sắm cho câu lạc bộ từng cây đờn, thường xuyên quan tâm đời sống anh em nghệ sĩ, tạo sân chơi cho lớp học… Không có hoạt động nào của anh em mà anh Huỳnh Văn Tới không có mặt, hỗ trợ tài chính cho anh em. Nhiều người có tâm cùng góp sức, tôi nghĩ rằng ngọn lửa đờn ca sẽ cháy mãi. Cũng như lúc này, chúng tôi hết sức vui mừng vì trong các khóa học, đã xuất hiện nhiều em có năng khiếu và sự say mê.
* Đờn ca tài tử đã được vinh danh, ghi nhận, và xã hội cũng đã có sự trân trọng nhất định. Ông còn gì băn khoăn không?
- Băn khoăn lớn nhất vẫn là sau vinh danh là gì? Chúng ta phải làm sao để đờn ca tài tử sống bền bỉ mạnh mẽ giữa lòng dân tộc. Với tôi, mọi chuyện phải bắt đầu từ đào tạo. Cần định dạng và thống nhất lại một cách bài bản hơn về cách chơi, niêm luật, sự đa dạng phong phú vùng miền… của nghệ thuật đờn ca tài tử. Trước nay, trong nghề chúng tôi chỉ quen “truyền miệng, truyền ngón, truyền nghề”, thì nay vẫn thế, nhưng phải bài bản hóa nó. Còn những việc làm quy mô hơn, rộng lớn hơn về quảng bá, tạo sân chơi, tạo cơ chế… để nghệ thuật đờn ca tài tử phát triển chuyên nghiệp hơn, có lẽ vẫn phải dựa vào những người làm chính sách.
Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)