Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguyễn Quang Sáng - Một người thầy truyện ngắn của tôi

09:02, 15/02/2014

Chiều 13-2-2014, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả truyện ngắn Chiếc lược ngà nổi tiếng đã qua đời tại TP. Hồ Chí Minh. Ông sinh năm 1932, vào đầu năm. Ông mất cũng vào đầu năm, thọ 82 tuổi.

Chiều 13-2-2014, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả truyện ngắn Chiếc lược ngà nổi tiếng đã qua đời tại TP. Hồ Chí Minh. Ông sinh năm 1932, vào đầu năm. Ông mất cũng vào đầu năm, thọ 82 tuổi.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, con ông, viết trên trang cá nhân của mình:

“Ba tôi nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã chia tay gia đình tôi.

Ba đến nơi gặp những bạn bè thân, chú Trịnh Công Sơn, chú Bảo Phúc...

Chúc ba vui vẻ nơi ấy!

Má và các con yêu ba!

Cám ơn thượng đế cho con được là con của ba”.

Ba câu cuối của anh vừa lạ vừa thật xúc động!

* Nhớ... nhậu thịt vịt

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã về “nơi ấy”. Tôi đọc tin buồn, đọc lời “chúc” của anh Dũng “Chúc ba vui vẻ nơi ấy!” mà bồi hồi nhớ lại những lần gặp cây đại thụ văn học người tỉnh An Giang của vùng Nam bộ này. Lần cuối tôi gặp ông là ở Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010. Còn lần đầu tiên tôi biết ông là ở lớp bồi dưỡng viết văn trẻ tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh năm 1982 mà tôi chỉ là một học viên dự thính của đoàn Đồng Nai.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng không xa lạ gì với anh em viết văn Đồng Nai. Vào những năm 1980 đến ngoài 1990, thời nhà văn Lý Văn Sâm và Hoàng Văn Bổn còn làm việc, ông thường đến Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai để dự các buổi hội thảo văn học, trao đổi kinh nghiệm sáng tác tại các lớp bồi dưỡng viết văn... Không chỉ tôi mà nhiều cây bút khác ở Đồng Nai đã được tiếp xúc với ông, đều nhận xét rằng không chỉ trong văn chương mà cả trong cách ứng xử ngoài đời, ông rất chân tình và thẳng thắn đúng chất Nam bộ.

Giữa hai lần gặp đầu - cuối ấy là nhiều lần gặp khác mà tôi nhớ mãi là lần theo ông đi nhậu thịt vịt ở hè phố Hà Nội cũng trong một dịp đại hội nhà văn. Chiều, sau khi cơm nước xong, ông rao với anh em hội viên trẻ phía Nam: “Ai khoái nhậu thịt vịt gánh lề đường thì tập trung ở đây lúc 8 giờ tối”. Tối ở Hà Nội, trời lành lạnh, ăn thịt vịt mềm, ngọt, nhấp ly rượu, trò chuyện văn chương... thật tuyệt. Khi về lại nơi ở thì đã 12 giờ đêm. Cổng ra vào đóng và khóa. Gọi hoài không thấy ai ra mở dù phòng bảo vệ vẫn để sáng đèn. Nguyễn Quang Sáng nói với chúng tôi: “Leo cổng vô đi anh em!”. Ông nói lớn quá mức cần thiết. Trong lúc chúng tôi còn chần chừ thì ông thúc giục lần thứ nhì “Leo cổng vô!” cũng vẫn lớn tiếng. Lập tức từ trong phòng bảo vệ có người đi ra cổng: “Các bác đi đâu mà về trễ vậy?”. Khi chúng tôi vào hẳn trong khuôn viên nơi nghỉ rồi, nhà văn thuộc lớp hàng đầu Nam bộ mới cười khà khà: “Thấy chưa! Hù leo cổng là có người ra mở liền! Chớ dám chắc không ai trong tụi mình dám leo cổng. Đúng không?”.

* Một người thầy của tôi

Ỏ lớp bồi dưỡng viết văn trẻ năm 1982, tôi được nhìn thấy tác giả Chiếc lược ngà bằng xương bằng thịt với nhiều ấn tượng. Nguyễn Quang Sáng người thấp, dáng hơi nghênh ngang (mà tôi hay nói là tướng cao bồi), nói ngắn, gọn, sắc. Năm ấy ông đã năm mươi tuổi và đang giữ cương vị lãnh đạo của Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh. Ông trao đổi với chúng tôi về truyện ngắn. Dĩ nhiên là bài nói chuyện được chuẩn bị đủ lớp lang, nhưng không phải là bài soạn sẵn trên giấy, mà là ông nói vo. Trong những đặc tính của truyện ngắn, ông kể bài bản, như: cốt truyện, không gian và thời gian, nhân vật và tính cách, ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật, yếu tố bất ngờ, chủ đề tư tưởng... nhưng nhấn mạnh ở hai phần “không khí” và chi tiết truyện. “Viết cái truyện mà không có không khí thì “giục” đi cho rồi. Còn cái truyện mà không có chi tiết nào đặc biệt thì người ta sẽ không nhớ lâu đâu!”. Sau lớp bồi dưỡng, tác phẩm “ra trường” của lớp bồi dưỡng chúng tôi được gửi tham dự cuộc thi sáng tác Truyện & Ký năm 1983 của Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh. Lần ấy, truyện ngắn Đồng đội của tôi được trao giải nhì cùng truyện của nhà văn Lý Lan (không có giải nhất). Hôm đi nhận giải, gặp Nguyễn Quang Sáng, tôi hỏi ông nhận xét thế nào về truyện của mình thì ông nói: “Truyện của Khôi Vũ có đầy đủ cả những gì một truyện ngắn cần có, nhưng về chi tiết truyện thì lại không có chi tiết nào gây ấn tượng. Vì vậy chấm giải nhì là đúng rồi!”. Bài học viết truyện ngắn từ ông đã theo tôi suốt chặng đường viết văn sau đó, tính ra đến nay đã hơn ba mươi năm.

Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Nguyễn Quang Sáng còn nổi tiếng về viết kịch bản phim. Cái “lõi chi tiết” trong truyện ngắn được ông vận dụng thành công trong phim Cánh đồng hoang. Đó là cảnh người nữ du kích cho con nhỏ vào túi ny-lông có ống thở rồi nhấn xuống dưới nước khi quân địch quần thảo từ trên bầu trời. Chưa chắc ai cũng nhớ trọn vẹn nội dung của phim, nhưng hình ảnh trên thì không ai không nhớ!

Cuộc đời viết văn của tôi chịu ảnh hưởng của nhiều nhà văn Nam bộ. Những năm sau này, từ khi tôi chạm tuổi 50, là việc chịu ảnh hưởng từ nhà văn Trang Thế Hy khi ông tuyên bố “đi chỗ khác chơi” - từ bỏ TP.Hồ Chí Minh về ở ẩn tại quê hương Bến Tre của mình. Nguyễn Quang Sáng là một trường hợp “đi chỗ khác chơi”  khác: ông vẫn sống tại TP.Hồ Chí Minh nhưng “ở ẩn” trong sự hòa nhập với cánh viết văn, làm thơ trẻ.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã ra đi, trong lòng tôi vẫn còn mãi một người thầy truyện ngắn.

Khôi Vũ

 

 

 

Tin xem nhiều