Không đi tìm những nội dung mang tầm vóc thời đại như các đồng nghiệp nam giới, người phụ nữ "miệt vườn" ấy đi vào thế giới văn chương, và trở thành bậc thầy chỉ bằng sự khám phá những vẻ đẹp còn ẩn giấu trong đời sống hàng ngày.
Nữ văn sĩ Alice Munro. Ảnh: Canopyplanet.org |
Không đi tìm những nội dung mang tầm vóc thời đại như các đồng nghiệp nam giới, người phụ nữ “miệt vườn” ấy đi vào thế giới văn chương, và trở thành bậc thầy chỉ bằng sự khám phá những vẻ đẹp còn ẩn giấu trong đời sống hàng ngày.
Không gì chính xác hơn khi ví von Alice Munro là người phụ nữ “miệt vườn”. Cả đời bà ít khi rời xa khỏi vùng ngũ hồ Huron, trừ vài năm ngắn ngủi làm việc thiện nguyện ở nước ngoài và theo chồng đến sống ở thành phố Victoria, thuộc bang British Columbia (đều thuộc Canada). Bà nhớ lịch sử từng căn nhà của Wingham, thị trấn quê nhà, với những mặt người đã quá đỗi thân quen và “chuyện gì rồi sớm muộn ai cũng biết”.
Viết từ tỉnh lẻ
Những truyện ngắn bà viết cũng hiếm khi đi xa hơn bối cảnh thôn quê tỉnh lẻ nơi bà sống. Nhưng điều đó không có nghĩa sẽ giới hạn những khả năng và cơ hội cho bà, và cho niềm đam mê văn chương được bà ấp ủ nuôi dưỡng, ngay từ khi còn là cô bé 10 tuổi muốn viết để kể lại những câu chuyện nhỏ bé quanh mình. Lại càng không thể ngăn cản được bà đến với giải Nobel văn chương 2013, sau khi đã đoạt hàng loạt giải thưởng khác, trở thành người phụ nữ thứ 13 đoạt giải này nhưng là tác giả truyện ngắn, nhà văn Canada đầu tiên đoạt giải.
Alice Munro, tên thật Anne Clarke Laidlaw, sinh ngày 10-7-1931, trong một gia đình có cha là nông dân nuôi cáo lấy lông, và mẹ là cô giáo. Trải nghiệm những năm tháng trưởng thành trong một gia đình phải lao động khó nhọc mới đủ cái ăn, được bà chuyển tải trong tập truyện ngắn đầu tay Dance of the happy shades (Điệu vũ những chiếc bóng hạnh phúc, xuất bản năm bà 37 tuổi) và xuyên suốt trong 12 tập truyện ngắn sau đó, từ Who do you think you are (Bạn nghĩ bạn là ai, 1986), The moons of jupiter (Những mặt trăng sao mộc, 1982), The progress of love (Tiến trình yêu đương, 1986), Open secrets (Những bí mật rộng mở, 1994)…
Sự thật là dù được Nobel tôn vinh như “bậc thầy truyện ngắn đương đại”, nhưng vào lúc khởi sự viết văn, bà chỉ muốn sử dụng truyện ngắn như bước đầu thử sức để tiến tới một thể loại lớn hơn về dung lượng. Đó là tiểu thuyết. “Tôi bắt đầu với ý tưởng là viết tiểu thuyết và sau đó tôi đã viết truyện ngắn. Bởi đó là cách duy nhất tôi có thể làm bất cứ lúc nào. Những câu chuyện của tôi khá bất thường, nó quá dài. Tôi lại rất thích viết như thế”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn. Truyện ngắn hóa ra lại là một hình thức phù hợp với một nữ văn sĩ kiêm bà nội trợ, hàng ngày vừa viết văn vừa một tay chăm sóc 3 đứa con nhỏ. Tiểu thuyết duy nhất của bà cho đến nay Lives of girls and women (Cuộc đời những cô gái và đàn bà, 1971), thực tế là tuyển tập gồm những truyện ngắn được kết nối với nhau.
Một Chekhov nữ tính
Người ta cũng không hề sai khi ví von bà như một “Chekhov của Canada”, bởi những biệt tài của họ trong việc đưa cốt truyện về hàng thứ yếu, rất ít tình tiết dẫn câu chuyện đi qua những khúc quanh hấp dẫn. Nhưng giống như Chekhov, những truyện ngắn của bà sau khi bắt đầu bằng những chi tiết ngắn gọn, tinh tế và giản dị như đời sống vốn là, ở lưng chừng, bỗng hiện lên một khoảnh khắc mặc khải về ý nghĩa sâu thẳm của những gì đang xảy ra. Không khí tỉnh lẻ êm đềm với những con người tưởng chừng rất buồn chán, đơn điệu vì lẽ đó luôn ngầm chứa sự hấp dẫn của những bí mật sâu thẳm của đời sống.
Khi được Nobel văn chương gọi tên, Alice Munro đang sống ở Clinton, một thị trấn thôn quê hẻo lánh cách thị trấn quê nhà của bà chừng 20 phút chạy xe, cũng thuộc vùng Ontario. Căn nhà bà đang ở có sân sau trồng những loài hoa kỳ dị, nơi người chồng thứ hai của bà đã trải qua thời thơ ấu và sống với bà đến trọn đời tại đây trước khi qua đời hồi tháng 4 năm ngoái. Bà không tiếp bất cứ cuộc viếng thăm giao dịch tiền bạc nào để giữ căn nhà như một thế giới hoàn toàn riêng tư, nơi bà có một góc bàn nhỏ đặt chiếc máy đánh chữ bằng tay để làm việc. Năm nay đã 82 tuổi, dù công việc viết lách đã giảm bớt nhịp độ và thời gian, người phụ nữ “miệt vườn” ấy vẫn không ngừng mang lại điều kỳ diệu cho thế giới rộng lớn này, từ góc nhỏ riêng tư nơi xứ tuyết ấy. |
Truyện của bà dù chỉ đi loanh quanh những chủ đề tình yêu và công việc, đàn ông và đàn bà, sự sống và cái chết, thơ ấu và trưởng thành, cảm giác bất lực của con người khi đứng trước thời gian…, vẫn đủ để tạo thành một thế giới quyến rũ bạn đọc suốt 4 thập niên qua. Chẳng hạn như trong Runaway, truyện ngắn chủ đề của tập Runaway (xuất bản tại Việt Nam năm 2012 với tựa Trốn chạy) là câu chuyện của một người phụ nữ khó khăn để quyết định có tiếp tục cuộc hôn nhân hay không. Cô tìm lời khuyên của một người phụ nữ hơn tuổi và đã quyết định. Dù đã nhận ra có rất nhiều lý do để bỏ đi, nhưng cuối cùng cô đã không làm được. Còn Dear life (Cuộc đời yêu dấu) là ý tưởng thay đổi ngôi nhà trong việc kết nối với những kỷ niệm, nhưng rồi bạn chợt nhận ra tính không chắc chắn và bất định của ký ức lớn như thế nào và ngay cả như vậy, bạn vẫn thấy điều này thật tuyệt vời. Những truyện ngắn của bà chỉ gói gọn trong chừng 15-20 trang, nhưng nhiều đánh giá cho rằng chúng hàm chứa những tầng nghĩa không thua kém gì tiểu thuyết. Tất cả được bố cục rất chặt (bà luôn giữ thói quen viết đi viết lại nhiều lần), đến mức như lời một biên tập viên tờ The New Yorker - nơi thường xuyên đăng truyện của bà là: “Bạn cắt bỏ một câu trong đoạn đầu nhưng đến đoạn cuối bạn sẽ thấy chúng liên hệ mật thiết thế nào”.
Đăng Khôi (tổng hợp)