Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng trong ngày đón bằng của UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, GS.TS Trần Văn Khê - cây đại thụ trong nghệ thuật đờn ca tài tử, vẫn cố gắng đến dự và chung vui với nhân dân cả nước.
Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng trong ngày đón bằng của UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, GS.TS Trần Văn Khê - cây đại thụ trong nghệ thuật đờn ca tài tử, vẫn cố gắng đến dự và chung vui với nhân dân cả nước.
Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Trần Văn Khê về công tác bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử.
* Giáo sư có thể cho biết cảm xúc của mình khi nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại?
- Tôi đã gắn bó cả đời mình với đờn ca tài tử. Ngay từ trong bụng mẹ, tôi đã được biết đến đờn ca tài tử qua tiếng sáo, tiếng đàn ca của hai bên gia đình nội ngoại. Lớn lên, khi tôi bôn ba theo học ở nước ngoài thì đờn ca tài tử cũng theo tôi và giúp tôi kiếm tiền nuôi sống bản thân trong suốt thời gian du học. Khi làm luận án tiến sĩ, tôi cũng chọn đờn ca tài tử làm đề tài nghiên cứu cho mình. Sau này, tôi lại vinh dự được Chính phủ Việt Nam mời từ Pháp về nước để đóng góp ý kiến cho việc hoàn tất các hồ sơ gửi UNESCO đối với nghệ thuật đờn ca tài tử. Vậy nên, khi được báo tin đờn ca tài tử được tổ chức UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tôi cũng như những người bạn, đồng nghiệp, học trò đều cảm thấy rất vui mừng và tự hào, nhưng không ngạc nhiên với kết quả này. Bởi đây là điều mà bản thân tôi nói riêng, tất cả những người yêu mến nghệ thuật đờn ca tài tử nói chung đều đã dự đoán từ lâu.
* Đây là một niềm vui rất lớn, nhưng nhiều nghệ sĩ, trong đó có những nghệ sĩ của Đồng Nai cho rằng để giữ được cái hồn tự nhiên, chân chất của nghệ thuật đờn ca tài tử không phải việc dễ dàng. Ý kiến của giáo sư như thế nào về vấn đề này?
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việc UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam bộ, của người Việt Nam mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới. Đồng thời là một minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa thế giới và đây cũng là điều kiện thuận lợi thêm để bạn bè quốc tế hiểu nhiều hơn, sâu rộng hơn về một vùng đất không chỉ anh dũng kiên cường trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà còn là một vùng quê hiền hòa, trù phú - một vùng sông nước mênh mang, lúa thơm trái ngọt và luôn đồng vọng tiếng đờn lời ca sâu nặng nghĩa tình”. |
- Trước kia, người ta chỉ nói chơi đờn ca tài tử chứ không bao giờ dùng từ biểu diễn đờn ca tài tử. Đây là môn nghệ thuật chơi không có sự tính toán, chuẩn bị trước, khi những người có chung sở thích và hứng thú thì họ ngồi lại với nhau và cùng đàn ca một cách ngẫu hứng. Điều này chính là lý do sinh ra cái hồn cho đờn ca và đó mới chính đặc điểm của đờn ca tài tử Nam bộ. Nhưng bây giờ, nghệ thuật đờn ca tài tử đã bị bó khung vào câu lạc bộ; cách ăn mặc thì chỉnh tề, có khi còn diện đồ tây; tiếng đờn phải sao cho thật chính xác, đúng nhịp, đúng hơi nên người nghệ sĩ chỉ dám biểu diễn những bản đàn mà mình đã thành thục, được tập luyện nhiều mà đánh mất cái ngẫu hứng - một thuộc tính quan trọng của đờn ca tài tử. Điều này làm cho cái hồn của nghệ thuật đờn ca tài tử bị đánh mất. Mà đánh mất cái linh hồn, cái ngẫu hứng, cái bình dị trong đờn ca tài tử là điều hết sức đáng lo, bởi khi thiếu những đặc điểm này thì nghệ thuật đờn ca tài tử khó lòng được truyền bá rộng rãi trong dân. Do đó, theo tôi hãy cứ trả nghệ thuật đờn ca tài tử về đúng nguyên gốc của nó, làm sống lại cái hồn vốn có trong đờn ca tài tử.
Hai nghệ sĩ Thạch Vũ và Yến Duyên của đoàn Đồng Nai biểu diễn tiết mục Mẹ và quê hương tại buổi lễ vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử tại TP.Hồ Chí Minh diễn ra tối 11-2. |
* Nhưng “đất sống” của đờn ca tài tử, mà nhất là nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật này hiện không ít khó khăn? Giáo sư có sợ điều này làm ảnh hưởng đến việc lưu truyền cho hậu thế?
- Nhiều năm trở lại đây, các cấp chính quyền đã có sự quan tâm và tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, những nghệ nhân, những người trực tiếp giữ gìn và truyền dạy môn nghệ thuật này đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Do đó, thiết nghĩ chính quyền cần có sự tôn vinh và tìm cách hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa để họ có thể sống được với niềm đam mê đờn ca tài tử bằng tiền lương của mình. Từ đó, các nghệ nhân sẽ phát huy cao hơn nữa tinh thần học hỏi, sáng tạo của nghệ nhân, góp phần giữ gìn loại hình nghệ thuật đặc sắc này cho dân tộc.
* Vậy theo giáo sư, những việc mà chúng ta cần làm hiện nay là gì để bảo tồn, phát huy giá trị của đờn ca tài tử trong cuộc sống hiện đại?
- Dù là bất kỳ một môn nghệ thuật nào thì yếu tố quan trọng nhất, đảm bảo cho môn nghệ thuật đó không bị mai một và biến mất chính là con người - lớp người kế cận.
Để làm được điều này thì không có phương pháp nào tốt hơn là đưa nghệ thuật đờn ca tài tử vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Điều này sẽ làm cho lớp trẻ hiểu, đồng thời tạo điều kiện cho họ tiếp cận với môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, để mỗi người đều góp phần vào việc giữ gìn, phát huy và biết trân trọng môn nghệ thuật này.
* Xin cảm ơn GS.TS Trần Văn Khê!
Văn Truyên (thực hiện)