Cú "ngã ngựa" của những thể loại khác lạ trong năm qua đã khiến phim Việt dịp tết năm nay quay về "trú ẩn" ở thể loại quen thuộc và an toàn: hài nhảm.
Cú “ngã ngựa” của những thể loại khác lạ trong năm qua đã khiến phim Việt dịp tết năm nay quay về “trú ẩn” ở thể loại quen thuộc và an toàn: hài nhảm.
Trong 365 ngày của một năm, phim Việt đến nay mới chỉ đủ sức chiếm lĩnh được khoảng 30 ngày trước và sau tết tại hơn 100 rạp chiếu còn đang hoạt động trong khắp cả nước. Thế nên, câu chuyện phim tết cũng là vấn đề sống còn của phim Việt nếu không muốn bị thua trắng trên sân nhà.
“Công thức Phước Sang”
Như mọi năm, điện ảnh Việt tiếp tục tung vào rạp tổng cộng 4 phim, cạnh tranh trực tiếp với 5 phim ngoại có quy mô nhỏ khác. Lượng phim này được xem vừa đủ để chia sẻ chiếc bánh doanh thu phim tết, dự đoán sẽ vượt qua cột mốc 100 tỷ đồng trong năm nay. Tuy nhiên, được dự phần vào mùa phim lớn nhất mà cũng ngắn ngủi nhất trên rạp Việt, không có nghĩa phim sẽ cầm chắc phần thắng. Sự cạnh tranh lại càng khốc liệt hơn đối với phim Việt khi khán giả vẫn đang giữ thói quen chỉ chọn xem một trong số những phim nội ra mắt cùng dịp. Góp phần tạo ra thói quen nay lại cũng bởi phim Việt đang lao vào cuộc đua làm phim hài nhảm, vốn đang chứng tỏ như một thể loại được khán giả ưa chuộng nhất, đặc biệt vào những ngày đầu xuân vui vẻ.
Don Nguyễn trong Hai Lúa. |
Nhìn qua danh sách 4 phim Việt chiếu tết, có thể nhận diện ngay cặp đối thủ cạnh tranh trực tiếp bởi cách làm hài nhảm theo “công thức Phước Sang”, đó là Hai lúa và Năm sau con lại về. Cả hai phim đều có mảng miếng lôi kéo sự chú ý bằng cách thu gom các danh hài và nhân vật đình đám nhất trong năm. Nếu phim đầu có cặp “át chủ bài” Phương Mỹ Chi - Don Nguyễn, thì phim sau “độc quyền” Hoài Linh (như cách làm năm ngoái của phim Nhà có 5 nàng tiên). Nhìn chung, cả hai phim được làm dưới chuẩn mực của một tác phẩm điện ảnh, và khán giả cũng chỉ mong đợi như show tấu hài của diễn viên mà họ yêu thích. Hai lúa kể chuyện một anh chàng nông dân buộc phải dấn thân vào cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ cùng hai người bạn đồng hành kỳ quặc. Còn Năm sau con lại về kể chuyện đôi vợ chồng già muốn giữ thể diện cho con trai trước cô vợ Việt kiều, bèn bày ra màn kịch “trúng số độc đắc” để dàn dựng gia cảnh giàu có cho tới khi bị cô con dâu phát hiện.
Hai phép thử
Hai phim sau, gồm Cô dâu đại chiến 2 và Cuộc chiến với chằn tinh là hai phép thử mới của điện ảnh Việt, một là phim phần tiếp và một là phim thần thoại. Cả hai vẫn lấy hài làm hương vị chính nhưng pha thêm chút màu sắc riêng để tạo dấu ấn. Thừa thắng xông lên từ phần 1 rất ăn khách dịp Tết 2011, trong Cô dâu đại chiến 2, đạo diễn kiêm biên kịch Victor Vũ chỉ giữ lại nhân vật cô đầu bếp Quyên (Lê Khánh) và cô bác sĩ Mai Châu (Vân Trang). “Trong phim mới, tôi muốn các cô gái của tôi sẽ là những thợ săn tài tình chứ không chỉ đơn thuần là “con mồi ngoan hiền” như ở phần trước”, anh nói. Ngoài lối hài cường điệu vẫn giữ như phần đầu, sự cố gắng tạo tình tiết hấp dẫn có vẻ như đã đẩy phim càng về cuối càng theo hướng hành động, hình sự giật gân.
Riêng phép thử phim thần thoại Cuộc chiến với chằn tinh lại là ẩn số của mùa phim tết năm nay, nhất là sau sự ra đi đột ngột của đạo diễn bộ phim - nhạc sĩ Đỗ Quang Hải Âu hồi tháng 3-2013, khi phim còn đang dang dở trong phòng hậu kỳ. Dựng lại thần thoại về chàng tiều phu Thạch Sanh có sức khỏe hơn người đã chiến thắng chằn tinh đời Hùng Vương thứ 9, đồng nghĩa với việc phim phải đối diện với thách thức mô tả lại nước Việt cổ. Trong bối cảnh chưa có phim trường và những công nghệ hình ảnh tối tân, bộ phim với dàn kỹ thuật viên đồ họa người Việt cho thấy sự cố gắng của họ khi vẽ thêm những đại cảnh mang tầm vóc sử thi làm nền cho hình ảnh diễn xuất quay ngoài hiện trường. Nhưng hiệu quả có đạt được như phim bom tấn Hollywood hay không có lẽ cần thêm... sự rộng lượng của khán giả dành cho điện ảnh nước nhà.
Nam Vũ