Một tin vui đến với người dân làng bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) là ngay trong những ngày rộn ràng chuẩn bị cho vụ thu hoạch bưởi phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, đình Cẩm Vinh (nay thuộc ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình) đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, lễ đón bằng công nhận sẽ diễn ra vào sáng 10-1.
Một tin vui đến với người dân làng bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) là ngay trong những ngày rộn ràng chuẩn bị cho vụ thu hoạch bưởi phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, đình Cẩm Vinh (nay thuộc ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình) đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, lễ đón bằng công nhận sẽ diễn ra vào sáng 10-1. Đây là cơ hội mở ra triển vọng gắn kết du lịch sinh thái - văn hóa ở xứ bưởi Tân Triều.
Toàn cảnh đình Cẩm Vinh. |
Đình Cẩm Vinh gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng cư dân bản địa ở vùng đất Tân Triều thuở khai hoang lập làng và phát triển thành xã Tân Bình ngày nay với lịch sử gần 200 năm. Từ đó đến nay, đình là nơi thờ Thành hoàng làng và là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, văn hóa của làng Cẩm Vinh, được nhân dân địa phương duy trì và bảo tồn.
Nơi lưu dấu quá trình dựng làng - giữ nước
Vào năm 1945, trong phong trào “kháng Nhật cứu nước”, Đội Thanh niên tiền phong xã Tân Triều do Trần Văn Xã thành lập, gồm: Ngô Văn Thưởng, Nguyễn Văn Trề, Nguyễn Văn Lịch, Nguyễn Văn Long… đã hội họp, ngày đêm luyện tập quân sự ở đình Cẩm Vinh. Với vũ khí thô sơ, lực lượng này phối hợp với nhân dân và lực lượng thanh niên tiền phong các xã khác trong huyện Vĩnh Cửu nổi dậy đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, chặn đánh bọn Nhật tại dốc Bà Bành (Bình Ý); lùng bắt, răn đe những tên ác ôn Sờn, Mạo thường ức hiếp bà con.
Sắc thần đình Cẩm Vinh. |
Đặc biệt, khi thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm Sài Gòn và mở rộng ra các tỉnh Nam kỳ, tình hình ở xã Tân Triều ngày càng căng thẳng do địch ra sức khủng bố, lùng bắt, tàn sát cán bộ cách mạng. Với âm mưu kiểm soát dân làng, cắt đứt con đường tiếp tế và giao liên của ta từ Chiến khu Đ vào thị xã Biên Hòa; chúng đã cho xây dựng hệ thống đồn bót kiểm soát, trong đó có bót Cẩm Vinh - cách đình Cẩm Vinh 20m, có lính đóng giữ. Nắm được âm mưu của địch, Huyện đội Vĩnh Cửu chủ trương đánh bót Cẩm Vinh để hỗ trợ đường tiếp tế cho Chiến khu Đ. Vào đầu tháng 12-1953, quân ta bí mật tập kết tại đình Cẩm Vinh. Khi đêm xuống, các mũi của ta đồng loạt nổ súng tấn công bót Cẩm Vinh. Bị tấn công bất ngờ, quân địch ở đây không kịp trở tay. Trận này, ta tiêu diệt một trung đội của địch, thu toàn bộ vũ khí. Đánh bót Cẩm Vinh thắng lợi đã gây tiếng vang lớn trong huyện và tỉnh, nhân dân vùng tạm chiếm phấn khởi; bọn tề ngụy vùng sâu co lại, thế kiềm được mở ra cho cách mạng, các lực lượng chính trị - vũ trang của ta có điều kiện thuận lợi để phát triển lực lượng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, địch xây dựng một bót ngay sát đình Cẩm Vinh nên đình không còn là địa điểm hoạt động cách mạng.
Triển vọng du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử
Ngôi đình gần 200 năm tuổi Đình Cẩm Vinh tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, rộng khoảng 0,5 hécta. Trong khuôn viên có nhiều cây cổ thụ và cây ăn trái tỏa bóng mát quanh năm, tạo cho ngôi đình thêm thâm nghiêm, cổ kính. Mặt tiền đình nhìn ra sông Đồng Nai trong xanh, bên phải giáp hương lộ 9 - con đường chính nối liền tỉnh lộ 768 vào làng bưởi Tân Triều. Nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, hoa văn trang trí theo mô típ truyền thống, sơn son thếp vàng tạo ra cái đẹp và nét thiêng cho ngôi đình. Tất cả đều được bảo tồn cho tới ngày nay và đây là những tài liệu quý giúp cho việc nghiên cứu kiến trúc nghệ thuật đình Cẩm Vinh nói riêng và hệ thống đình làng Nam bộ nói chung. Ngoài ra, đình Cẩm Vinh còn có các giá trị văn hóa phi vật thể, như: nội dung Sắc thần của vua Tự Đức sắc phong vào năm 1852, hoành phi, liễn đối… |
Dưới tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội, đình Cẩm Vinh đã xuống cấp nên phải nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Ban Quý tế và toàn thể nhân dân xã Tân Bình luôn ý thức bảo tồn di tích có giá trị tinh thần vô giá này, nên đã góp công góp của trùng tu, xây dựng cổng đình, làm hàng rào. Hiện đình vẫn bảo tồn được các yếu tố nguyên gốc, diện mạo kiến trúc truyền thống của ngôi đình làng Nam bộ. Hàng năm, vào các dịp tế lễ ở đình, Ban Quý tế tổ chức long trọng theo nghi thức truyền thống và quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội.
Đình Cẩm Vinh được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, đây là cơ hội cho chính quyền và nhân dân địa phương phát huy giá trị di tích gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là triển vọng gắn kết du lịch sinh thái - văn hóa. Đáng chú ý hơn khi tiềm năng du lịch này được đặt trong bối cảnh có vị trí giao thông hết sức thuận lợi từ đường bộ lẫn đường thủy, lại nằm trong vùng du lịch sinh thái làng bưởi Tân Triều và kế cận Khu danh thắng Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên, các đình làng đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, như: đình Phú Trạch (xã Thạnh Phú), đình Long Chiến (xã Bình Lợi)…
Lễ rước Sắc Thần từ chùa Vĩnh Hưng về đền Cẩm Vinh |
Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Phạm Minh Phước cho biết: “Sau lễ đón nhận, UBND huyện sẽ chỉ đạo thành lập Ban Quản lý di tích đình Cẩm Vinh do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban; xây dựng quy chế hoạt động, phân công thành viên ban quản lý và tổ chức hoạt động di tích. Ngoài việc trùng tu, nâng cấp để xứng đáng là di tích cấp tỉnh, đây cũng sẽ là nơi giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên, học sinh kết nối với các di tích xung quanh. Đình có thể trở thành điểm đến trong tour du lịch sinh thái của vùng đất Tân Triều”.
Lê Minh