Ngồi trên "ghế nóng" của Bước nhảy hoàn vũ, biên đạo múa Trần Ly Ly thu hút khán giả không phải vì chị đẹp, mà vì những nhận xét đầy sắc sảo và ấn tượng, khiến người xem nhớ mãi.
Ngồi trên “ghế nóng” của Bước nhảy hoàn vũ, biên đạo múa Trần Ly Ly thu hút khán giả không phải vì chị đẹp, mà vì những nhận xét đầy sắc sảo và ấn tượng, khiến người xem nhớ mãi.
Chị có khi nào bị “bí” khi nhận xét không, nhất là khi bị MC hỏi bất chợt hoặc lại là người nhận xét cuối cùng? Khán giả thấy chị dùng được nhiều từ đắt. Một số từ, như từ “thấm” chẳng hạn, hoặc “mất trọng lực”... Nó miêu tả rất chính xác cái cách mà người nhảy cảm giác về cơ thể của mình khi chuyển động.
- Đến bây giờ thì tôi chưa bị bí tỉ. Mà điều đó có lẽ cũng là trời cho. Vì có những lúc đầu tôi “trắng trơn”, khi bắt đầu nói vẫn chưa xác định được mình sẽ tập trung vào cái gì. Trong khi MC thì không có chuyện báo trước.
Có lẽ cũng do tôi được học một số môn bổ trợ cho mình từ khi đi học. Tôi rất để ý các “từ chìa khóa”. Nó giúp đỡ tôi nhiều trong việc thể hiện bằng ngôn ngữ. Tôi cũng được học nhiều khi làm luận án thạc sĩ về văn hóa (năm 2004), được may mắn học các thầy Ngô Đức Thịnh, Trần Quốc Vượng, Trần Ngọc Thêm...
Văn hóa học đã bổ trợ cho tôi trong việc giảng dạy và biên đạo, truyền lửa cho các học trò trong từng điệu múa. Các em là những nghệ sĩ trong tương lai. Dạy nghệ sĩ khó lắm, không phải là dạy những cái máy múa, mà phải bồi bổ tâm hồn, văn học, sự nhân hậu, con người, hình ảnh, âm nhạc, hội họa...
* Ngoài việc là giám khảo của Bước nhảy hoàn vũ, chị còn là hiệu phó của Trường múa TP.Hồ Chí Minh. Chị có đánh giá gì về sự nhạy cảm, khả năng mở rộng tâm hồn trong những bài múa của nhóm nghệ sĩ thi Bước nhảy hoàn vũ năm nay?
- Khán giả đã thấy trong đêm thi đầu tiên rồi. Trong số thí sinh của kỳ này, tôi thấy có nhiều người có tố chất, khiến tôi tin tưởng. Sự nhạy cảm của họ khá lớn, đến 80% có độ nhạy cảm, chỉ trừ một hai người thôi. Tất nhiên xuất phát điểm của họ không phải là múa, nên sự tiếp xúc cũng hạn chế.
* Nhạy cảm, cụ thể bao gồm những yếu tố nào, thưa chị?
- Sự nhạy cảm thể hiện ở chỗ: cơ thể nhạy cảm, nhạc cảm có (có sự xúc động với âm nhạc, tính tiết tấu có, giai điệu tốt)... Dàn thí sinh năm nay điều khiển cơ thể tốt, học được tuyến động tác. Điều này không phải ai cũng làm được đâu. Có người không thể điều khiển được cơ thể mình theo nhịp, rất hay bị ngược nhịp hoặc chậm nhịp, nhầm chân, nhầm tay...
* Sự khác nhau và giống nhau giữa múa và nhảy như thế nào? Chị có thể chia sẻ sâu thêm một chút để khán giả có thể hiểu ở mức độ chuyên môn?
- Múa và nhảy giống nhau ở việc cùng sử dụng ngôn ngữ cơ thể để làm ngôn ngữ biểu đạt. Khác nhau thì có những quy định riêng của từng môn, giống như bạn viết tiểu thuyết khác với viết truyện ngắn, dù là cùng ngôn ngữ văn học.
Trong múa thì có ballet, múa đương đại, múa dân gian dân tộc, múa tính cách... Trong dancesport thì mỗi loại lại có một yêu cầu riêng. Standard khác với Latin; Samba khác với Rumba, Chachacha; Salsa lại khác nữa; Quickstep khác với Jive - mặc dù trông có vẻ giống.
Những yêu cầu thể hiện đúng thể loại là yêu cầu chuyên môn riêng. Như Jive chẳng hạn, sẽ yêu cầu về độ tiết tấu, nhanh nhảu, độ vui, độ băm, độ bật... bắt đầu từ phần nào đến phần nào (từ đầu gối đến cổ chân: đầu gối tốt và cổ chân cũng phải bật nhanh), độ nén phần trên như thế nào (cảm giác ở trên phải rất săn chắc nhưng di chuyển rất nhanh)... Quickstep tưởng là giống Jive nhưng không phải. Đó là sự kết hợp của đảo phách. Sự đối lập giữa độ nhanh, độ trượt, độ mềm luôn phải có. Không thể nói hết, nhưng ở đây chỉ gợi để mọi người có thể hình dung...
Còn những cái phông cứng như “trụ” chính là yêu cầu đầu tiên. Có nhiều thứ, nhưng cái cơ bản chính là trụ. Khi bắt đầu vào học trường múa, học sinh phải học các thế đứng cơ bản. Sau đó học sức bền, sự dẻo dai của từng phần. Phối hợp từng phần này với phần kia trên một trụ... Bạn không thể đứng bung biêng trên sàn, mà phải thấm và phải vững. Có cái gốc thì mới có ngọn. Như thế, dần dần đến độ dẻo dai, độ săn chắc... Giữa mềm mại với lỏng lẻo đã khác nhau rồi. Gốc vững thì ngọn mới đẹp.
Xin cảm ơn biên đạo múa Trần Ly Ly!
Hồ Hương Giang (thực hiện)