Phát triển văn hóa - xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội là sự thể hiện rõ nhất tính ưu việt của chế độ ta nhằm xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước.
Phát triển văn hóa - xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội là sự thể hiện rõ nhất tính ưu việt của chế độ ta nhằm xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước. Nhìn lại sự phát triển trên lĩnh vực văn hóa - xã hội trong năm 2013, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí cho biết:
- Năm 2013, lĩnh vực văn hóa - xã hội của Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực đến tất cả các mặt: giáo dục và đào tạo; văn hóa - thể thao - du lịch và gia đình; bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và thực hiện tốt chính sách đối với các đối tượng chính sách, lao động xã hội.
Tất cả các chỉ tiêu trên lĩnh vực văn hóa - xã hội trong năm 2013 đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (12 chỉ tiêu đạt và 2 chỉ tiêu vượt). Điều này đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh ngày càng vững mạnh để đảm bảo đến năm 2015, Đồng Nai sẽ trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.
* Mặc dù các chỉ tiêu trên lĩnh vực văn hóa - xã hội đều đạt, nhưng ở từng lĩnh vực vẫn còn những chỉ tiêu quan trọng không đạt, như: tỷ lệ bác sĩ/vạn dân, thiết chế văn hóa ở cơ sở đạt thấp. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến cho những chỉ tiêu này còn chưa đạt như mong muốn?
- Xuất phát điểm của một số ngành thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh ở mức thấp, chẳng hạn như tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đã được nâng từ 5,1 bác sĩ/vạn dân năm 2010 lên 6,5 bác sĩ/vạn dân năm 2013, đạt chỉ tiêu nghị quyết, nhưng so với yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn còn nhiều bất cập. Mặc dù Đồng Nai đã sớm có chế độ thu hút nguồn nhân lực ngành y tế thông qua việc hỗ trợ về thu nhập, đời sống đối với bác sĩ về công tác cơ sở; mở rộng diện đào tạo bác sĩ theo địa chỉ, đào tạo liên kết… nhưng do thời gian đào tạo bác sĩ cần từ 6-7 năm, nên không thể đáp ứng kịp nhu cầu tăng tỷ lệ bác sĩ/vạn dân trong 1-2 năm trước mắt.
Ông có cảm thấy sốt ruột không, khi đến giờ này Đồng Nai vẫn chưa có một thiết chế văn hóa xứng tầm với sự phát triển của tỉnh? - Là người lãnh đạo, quản lý trực tiếp lĩnh vực văn hóa - xã hội, tôi rất nóng lòng khi cho đến nay, Đồng Nai mới hoàn thành được nhà hát cải lương của tỉnh, trong khi chúng ta đã quy hoạch rạp chiếu phim, trung tâm văn hóa và triển lãm quy mô lớn…Nguyên nhân của thực trạng này một phần là do liên tiếp mấy năm nay chúng ta chịu ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế và trong tỉnh phải thực hiện cắt giảm nhiều công trình, hạng mục công trình để đảm bảo cân đối ngân sách. Mặt khác, quy hoạch đô thị của TP.Biên Hòa cũng đang được rà soát, bổ sung cho hợp lý theo hướng đô thị công nghiệp - dịch vụ, nên các thiết chế trên chưa được triển khai đầu tư xây dựng. |
Đối với việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, tỉnh cũng đã ban hành chế độ hỗ trợ kinh phí cho cấp xã, nhưng phần lớn các xã không có quỹ đất dành cho việc xây dựng nên phải chờ đợi quá trình lập quy hoạch sử dụng đất, thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, có nơi xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở không gần với khu dân cư nên hiệu quả hoạt động thấp, gây lãng phí. Tỉnh đang tiến hành điều chỉnh các bất cập trên và tập trung chỉ đạo để việc xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở đi theo lộ trình khoa học, hợp lý và phát huy hiệu quả sử dụng tốt nhất.
* Văn hóa - xã hội là lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống an sinh người dân. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vấn đề bức xúc mà người dân mong muốn cần có thêm nhiều giải pháp hữu hiệu hơn nữa để thực hiện. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đúng là vấn đề văn hóa - xã hội là lĩnh vực rộng, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người dân. Để quản lý tốt công tác này cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, thậm chí là cả ý thức của người dân trong việc thực hiện các chính sách liên quan.
* Những bất cập trong khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; học ca ba, chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thiếu các chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn phục vụ công chúng… đã được nói nhiều. Vậy đâu là chuyển biến đậm nét của các lĩnh vực này trong năm 2013?
- Có thể thấy rằng, trong lĩnh vực khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT), ngành y tế đã thực hiện giải pháp mở rộng địa bàn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu đến trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, phòng khám đa khoa tư nhân, bệnh xá công an, quân đội, trường học, nhà máy…nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT khi đi khám bệnh; tổ chức khám bệnh ngày thứ 7, chủ nhật miễn phí cho người tham gia BHYT tại một số bệnh viện, nhất là những bệnh viện tại khu vực đông công nhân… Đến nay, toàn tỉnh đã có 208 cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho người có thẻ BHYT (184 cơ sở y tế nhà nước, 24 cơ sở y tế tư nhân). Tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 59,5% năm 2011 lên 63% vào tháng 9-2013.
Đồng Nai tổ chức chào mừng sự kiện đờn ca tài tử được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. |
Về những bất cập trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Tỉnh ủy đã có những chủ trương nhằm tăng cường công tác quản lý, tránh để xảy ra tình trạng tiêu cực. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh và UBND tỉnh tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lĩnh vực này theo đúng quy định. Đồng Nai là địa phương triển khai thực hiện tốt chương trình này, một vài hạn chế sai sót xảy ra ở cơ sở đã kịp thời chấn chỉnh.
Báo chí Đồng Nai đã thật sự góp phần tích cực vào quá trình phát triển của tỉnh vì đã tuyên truyền khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, báo chí Đồng Nai cũng cần tiếp tục cải tiến về nội dung và hình thức, tăng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự chuyên đề với thời lượng và thời gian tuyên truyền thích hợp để thu hút ngày càng nhiều hơn sự quan tâm của công chúng. |
Xác định giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, tỉnh rất quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống trường, lớp học các cấp trên địa bàn tỉnh với đủ loại hình: công lập, dân lập, tư thục. Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh phát triển công nghiệp và đang thực hiện đô thị hóa, do vậy nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp là rất lớn nên lực lượng lao động từ các tỉnh và vùng nông thôn về làm việc tại các doanh nghiệp tập trung khu vực TP.Biên Hòa hàng trăm ngàn người, kéo theo là nhu cầu ăn ở, đi lại, học hành, chữa bệnh của nhân dân tăng đột biến. Từ năm học 2012 - 2013 tình trạng học ca 3 ở TP.Biên Hòa tăng mạnh tại các phường: Trung Dũng, Tân Phong, Long Bình, Long Bình Tân (các phường tập trung công nhân khu công nghiệp). Lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo TP.Biên Hòa tăng cường đầu tư trường, lớp học từ nhiều nguồn lực và phấn đấu học kỳ II năm học 2013 – 2014 cơ bản xóa tình trạng học ca 3, song vẫn sẽ còn nhiều lớp học chưa đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định.
Với đặc điểm dân cư đặc thù của Đồng Nai, dân cư từ 63 tỉnh, thành với nhiều thành phần tôn giáo, dân tộc về làm ăn, sinh sống nên nhu cầu hưởng thụ văn hóa văn nghệ theo vùng miền có khác nhau. Vấn đề này đặt ra cho ngành văn hóa - thể thao và du lịch nói chung, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nói riêng sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong nghiên cứu, tìm hiểu về nhu cầu hưởng thụ văn hóa văn nghệ của người dân các vùng miền để xây dựng các chương trình, tiết mục đặc sắc phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân.
Xin cảm ơn ông!
N.Phượng - P. Liễu (thực hiện)