Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ thuật đờn ca tài tử ở Đồng Nai

10:12, 06/12/2013

Đồng Nai là một trong 11 tỉnh, thành khu vực phía Nam tích cực tham gia vào công tác bảo tồn, lập hồ sơ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đồng Nai là một trong 11 tỉnh, thành khu vực phía Nam tích cực tham gia vào công tác bảo tồn, lập hồ sơ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Một tiết mục tham gia liên hoan đờn ca tài tử vừa được tổ chức tại Đồng Nai.
Một tiết mục tham gia liên hoan đờn ca tài tử vừa được tổ chức tại Đồng Nai.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 33 câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử đăng ký hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều hội thi, liên hoan đờn ca tài tử cũng thường xuyên được tổ chức đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống này.   

* Bảo tồn di sản chung

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế, văn học dân gian và trở thành loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam bộ. Đây là loại hình diễn tấu, có ban nhạc gồm các loại đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt). Sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm (đàn bầu)bằng cây guitar phím lõm.

Ngày 5-12, tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại TP.Baku, nước Cộng hòa Azerbaijan, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tuy Đồng Nai không phải là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử, nhưng hiện nay cùng với sự chung tay bảo tồn và phát triển môn nghệ thuật này, số lượng các CLB, nhóm đờn ca tài tử trong tỉnh  được thành lập khá nhiều và ngày càng được mở rộng. Điều này đã giúp cho những ai yêu mến bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử có thể dễ dàng tìm được nơi để tham gia sinh hoạt, luyện tập.

Song song với việc tổ chức các buổi sinh hoạt, một số CLB trong tỉnh còn chú trọng bồi dưỡng thế hệ kế cận. Ông Phạm Lơ, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai, cho hay năm 1997, CLB đã quan tâm đến việc thu hút, bồi dưỡng cho những ai yêu mến bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử trong tỉnh. Trong đó, nhiều đối tượng có năng khiếu đã được phát hiện và khuyến khích tham gia sinh hoạt, trở thành lực lượng kế cận nòng cốt tại CLB.

* Để tiếp tục phát triển

Hiện nay, có một thực trạng là hầu hết các CLB, nhóm đờn ca tài tử đều phát triển theo kiểu tự họp nhau lại để hoạt động mà thiếu tính định hướng trong sinh hoạt, biểu diễn. Do vậy, việc nhiều CLB, nhóm đờn ca tài tử từng có thời gian đầu hoạt động tốt nhưng về sau phải giải tán, hoặc tồn tại theo kiểu cầm chừng cho có. Điều này đang đe dọa đến sự tồn tại cũng như phát triển của môn nghệ thuật đờn ca tài tử trong tỉnh.

Theo sách Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (Nhà sách Phương Nam và Nhà xuất bản Văn hóa - văn nghệ TP.Hồ Chí Minh) của hai nhà nghiên cứu người Úc gốc Việt Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp: “Đờn ca tài tử hình thành vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 ở Nam bộ. Các nhạc sĩ, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đã đem theo truyền thống ca Huế vào vùng Nam bộ. Trên đường đi, các nhạc sĩ dừng chân ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, từ đó tiếng đờn cùng với giọng ca xứ Huế mang thêm chút hương vị xứ Quảng. Khi vào đến miền Nam thì tiếng đờn miền Trung đã thay đổi. Một số bài, bản tuy cùng tên nhưng nét nhạc đã khác xa so với ban đầu. Bản chất phóng khoáng của con người và nếp sống tại miền Nam khiến cho các bài bản không y khuôn bản gốc. Người đàn, người ca cũng không muốn giữ nguyên như thầy đã dạy mà luôn có đôi nét thêm thắt, thay đổi, tô điểm, khiến những bài, bản đậm đà thấm thía hơn”.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Phạm Lơ, trước hết các CLB cần tự tìm lối đi cho hoạt động của  mình thông qua việc chủ động kết nối biểu diễn tại nhiều địa điểm, sự kiện để có thể nuôi sống CLB. Việc làm này cũng góp phần làm cho người dân, mà nhất là giới trẻ không cảm thấy xa lạ với môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. 

Còn bà Nguyễn Thị Phụng, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử Trung tâm văn hóa huyện Long Thành, cho rằng: “Cần có sự  quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành đến hoạt động của bộ môn nghệ thuật này ở địa phương”.

Văn Truyên   

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều