Thời gian qua, việc xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở Đồng Nai đã có chuyển biến tích cực theo hướng việc cưới được tổ chức đơn giản; việc tang không gây phiền hà cho gia chủ lẫn cộng đồng; lễ hội bỏ dần những nghi thức lạc hậu mê tín.
Thời gian qua, việc xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở Đồng Nai đã có chuyển biến tích cực theo hướng việc cưới được tổ chức đơn giản; việc tang không gây phiền hà cho gia chủ lẫn cộng đồng; lễ hội bỏ dần những nghi thức lạc hậu mê tín.
Cô dâu, chú rể viếng nghĩa trang liệt sĩ trước đám cưới ở TX. Long Khánh |
Tuy nhiên, ở không ít khu dân cư vẫn còn nhiều trường hợp chưa thật sự tuân thủ những quy chế trong thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội.
* Chuyển biến tích cực
Bà Lưu Thị Phượng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, cho hay hiện ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, việc cưới đã được thực hiện đúng quy định về đăng ký, cấp giấy kết hôn tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn. Tiệc cưới được tổ chức chỉ trong một buổi, quy mô từ 20-30 bàn; việc tang được cử hành không quá 48 tiếng; lễ hội từng bước tinh giản, gọn nhẹ hơn, những hình thức, tập tục mê tín dị đoan dần bị loại bỏ.
Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII vừa qua, nhiều đại biểu đã dành sự quan tâm đặc biệt cho việc thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đại biểu Giang Mạnh Hà (TP.Biên Hòa) cho rằng, ở Đồng Nai, tình trạng tổ chức đám ma kéo dài quá thời gian quy định vẫn diễn ra, có khi đến 9 ngày. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân xung quanh khu vực có đám ma. Ông Trần Văn Tư, Chủ tịch HDND tỉnh đề nghị: Cần phải chấn chỉnh việc tang, nhất là tục rải vàng mã bởi ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Ông cũng đề nghị ngành văn hóa - thể thao và du lịch cần nghiên cứu để đưa ra những quy định phù hợp nhằm sớm chấn chỉnh hoạt động này. Minh Ngọc |
Có mặt trong một đám cưới tại xã Xuân Lập, TX.Long Khánh, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tại lễ cưới, cô dâu chú rể vận trang phục truyền thống là áo dài khăn đóng cúi lạy bàn thờ tổ tiên, thân sinh sau đó di chuyển ra Nghĩa trang liệt sĩ của thị xã để dâng hương, đặt vòng hoa và kính viếng anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Tiệc cưới với thực đơn chỉ là một vài món ăn nhẹ, bao gồm: bánh ngọt, trái cây, nước suối. Chú rể của ngày vui - anh Trần Công Nghị chia sẻ: “Tôi quyết định tổ chức đám cưới đơn giản để vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp khách đến dự không quá bận tâm về số tiền phải mừng cho tiệc cưới”.
Trước năm 2005, khi quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội chưa được ban hành thì nhiều hủ tục lạc hậu, rườm rà diễn ra thường xuyên. Cụ thể, như nhà có đám tang để quan tài có quàn thi hài trong nhà từ 3-7 ngày, tình trạng lăn đường, thuê dàn nhạc, thầy cúng thực hành lễ nghi suốt đêm, hay tụ tập để đánh bạc dẫn đến gây phiền nhiễu và mất an ninh trật tự trong khu dân cư. Tình trạng lợi dụng lễ hội để tổ chức cờ bạc, bói toán, buôn bán văn hóa phẩm không được phép lưu hành vẫn còn tồn tại. Bà Trịnh Thị Ngọc Mai, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), cho hay hiện tình trạng này đã được cải thiện bởi người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện nếp sống văn minh”.
* Cần chấn chỉnh
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, phổ biến nhất vẫn là tình trạng lợi dụng lễ hội để tổ chức cờ bạc, bói toán, buôn bán văn hóa phẩm không được phép lưu hành tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Bày bán sách bói toán, tử vi tại lễ hội chùa Ông năm 2013. |
Bà Lưu Thị Phượng cho biết thêm: “Không ít gia đình cán bộ, công chức vẫn tổ chức cưới mời đông khách, nhiều bàn tiệc gây tốn kém và lãng phí. Việc phúng viếng trong các đám tang hiện nay còn nhiều thủ tục rườm rà, phiền phức với quá nhiều vòng hoa, bức trướng gây tốn kém, lãng phí, tục rắc tiền, vàng mã trên đường còn phổ biến”.
Trong năm 2013, toàn tỉnh có 21.485 đám cưới, trong đó, 20.988 đám cưới thực hiện tốt, 444 đám cưới chưa thực hiện tốt; 9.716 việc tang, trong số này có 8.966 việc tang thực hiện văn minh và 729 việc tang thực hiện chưa văn minh. Trong năm cũng có 1.765 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo có tổ chức lễ hội. |
Do đó, để hạn chế tình trạng vi phạm, góp phần đưa những sinh hoạt cộng đồng vào nề nếp, ngoài việc phổ biến quy chế trong thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội thì công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cần được đẩy mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp vi phạm quy định thực hiện nếp sống văn minh cũng cần được quan tâm, xử lý kịp thời.
Ông Trần Văn Nhơn, Phó chủ tịch UBND xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom: Xã có 73% dân số là người dân tộc thiểu số, do vậy nhiều phong tục tập quán của người dân vẫn còn được lưu giữ và tồn tại. Để người dân hiểu và thực hiện tốt quy chế văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xã đã chủ động phối hợp cùng người có uy tín trong cộng đồng tổ chức nhiều buổi sinh hoạt để phổ biến cho bà con những lợi ích của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Ông Phạm Văn Huynh, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Long Thành, huyện Long Thành: Việc cưới, việc tang và lễ hội là những việc nhạy cảm, có yếu tố tâm linh nên rất khó xử phạt. Do vậy, để hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm quy chế thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, thị trấn thường xuyên tổ chức nhiều buổi sinh hoạt để phổ biến quy chế không chỉ đối với cán bộ Đảng viên, công nhân viên chức mà còn tới người dân ở từng khu phố, tổ, hộ gia đình. Chính vì làm tốt công tác này mà trong năm 2013, thị trấn không có trường hợp cưới, tang và lễ hội nào vi phạm quy chế văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Văn hóa - thông tin, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao TX.Long Khánh: Từ năm 2005, khi quy chế thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được ban hành, cả hệ thống chính trị - xã hội của thị xã đã chung tay đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến những quy định và lợi ích mà cuộc vận động thực hiện nếp sống văn hóa mang lại đối với người dân. Đến nay, đời sống văn hóa của người dân thị xã đã đạt được nhiều chuyển biến rõ nét: việc cưới, việc tang được thực hiện gọn gàng và đơn giản, tránh phô trương gây lãng phí, phiền nhiễu cộng đồng; lễ hội được tổ chức đúng với phong tục tập quán vốn có và từng bước loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu. Sông Thao (ghi) |
Văn Truyên