Tại Đồng Nai, người dân tộc Chơro là một trong những cư dân bản địa sinh sống chủ yếu ở TX. Long Khánh, các huyện Xuân Lộc, Định Quán, Vĩnh Cửu và Long Thành.
Tại Đồng Nai, người dân tộc Chơro là một trong những cư dân bản địa sinh sống chủ yếu ở TX. Long Khánh, các huyện Xuân Lộc, Định Quán, Vĩnh Cửu và Long Thành. Văn hóa của người Chơro với những nét độc đáo đã và đang được quan tâm bảo tồn, gìn giữ.
Lễ hội Sayangva (mừng lúa mới) là một trong những lễ hội lớn có vai trò quan trọng đối với đời sống tâm linh của người Chơro đã được quan tâm phục dựng.
* Tưng bừng lễ hội
Ông Trần Quang Toại, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, cho biết từ năm 2003 Đồng Nai đã tổ chức tuần lễ văn hóa - thể thao các dân tộc tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Trong tuần lễ này, lễ Sayangva đã được phục dựng với nghi thức cúng Thần Lúa, lễ hội cồng chiêng... Từ đó, lễ hội này được thường xuyên tổ chức ở các địa phương tập trung nhiều đồng bào Chơro sinh sống, tạo nên không khí vui tươi, tinh thần phấn khởi cho bà con. Đây còn là dịp để bà con Chơro giao lưu với bà con các dân tộc khác nhằm trao đổi, học tập những kinh nghiệm hay trong đời sống.
Đồng bào Chơro tại TX. Long Khánh biểu diễn cồng chiêng tại lễ hội Sayangva vào tháng 3-2013. |
Già làng Năm Nổi ở xã Phú Lý cho hay, lễ hội Sayangva được tổ chức trong khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng hai âm lịch hằng năm (sau thời điểm bà con dân tộc Chơro thu hoạch xong mùa màng). Đây là dịp để đồng bào tạ ơn thần linh đã cho một vụ mùa bội thu và cầu xin mưa thuận gió hòa để mùa vụ năm sau nhà nhà được no đủ.
Già làng Thổ Đực, xã Bàu Trâm, TX. Long Khánh hồ hởi cho biết: “Để chuẩn bị cho lễ hội, làng Chơro thật rộn ràng niềm vui và rất náo nhiệt. Đàn ông trong làng xúm nhau dựng bàn thờ Thần lúa dưới Nhà dài - nơi sinh hoạt của làng. Bồ lúa, cây nêu, ché rượu cần và những lễ vật khác được bày biện theo hướng dẫn của các vị có kinh nghiệm trong làng. Trẻ em thì háo hức chờ ngày hội lớn... tất cả đã tạo nên một không khí tưng bừng”.
Trong lễ hội, ngoài lễ vật dâng cúng Thần lúa, đồng bào dân tộc Chơro còn tổ chức sinh hoạt cồng chiêng, múa hát cùng các trò chơi dân gian, như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ và chế biến món ăn dâng lên thần linh. Vào ngày hội, người Chơro có dịp được thể hiện tài năng đồng thời giới thiệu với bà con các dân tộc khác nét văn hóa riêng của mình.
* Giúp dân bảo tồn
Già làng Thổ Đực nhớ lại: Đã có một thời gian dài, lễ hội Sayangva bị quên lãng do những người lớn tuổi có hiểu biết, kinh nghiệm về nghi thức, lễ nghi trong cộng đồng thì ngày càng ít dần. Trong khi đó, lớp thanh niên nam nữ, do được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác cũng đã nảy sinh tâm lý mặc cảm, cho rằng văn hóa dân tộc mình lạc hậu, lỗi thời nên không muốn tiếp thu, học tập. Thêm vào đó, nhiều loại nhạc cụ sử dụng trong lễ hội không còn, lại thiếu kinh phí tổ chức nên vô hình trung đã làm phai nhạt dần văn hóa truyền thống ngay chính trong cộng đồng dân tộc Chơro.
Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, Đồng Nai đã rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để bà con tổ chức lễ, sinh hoạt văn hóa. Đối với những địa phương tập trung đông đồng bào Chơro sinh sống, như: Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), Bảo Quang, Bảo Vinh, Hàng Gòn và Bàu Trâm (TX. Long Khánh), Phước Thái (huyện Long Thành), Túc Trưng (huyện Định Quán), Xuân Trường (huyện Xuân Lộc), chính quyền đã quan tâm, hỗ trợ về kinh phí để sinh hoạt văn hóa, tinh thần và tâm linh của bà con được diễn ra thuận lợi.
Già làng Năm Nổi cho hay, không chỉ giúp người dân Chơro mua sắm thêm nhạc cụ biểu diễn, tỉnh còn tổ các lớp tập huấn về cồng chiêng, dựng cây nêu, dệt... do chính già làng, người có kinh nghiệm cùng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trực tiếp giảng dạy cho thanh niên trong cộng đồng. Nhờ vậy mà thế hệ trẻ người Chơro hôm nay đã biết giữ gìn và tự hào hơn về truyền thống của dân tộc mình.
Ông Trần Quang Toại, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch: “Thời gian qua, bên cạnh việc hỗ trợ người Chơro phục dựng các lễ hội, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức khảo cứu về văn hóa Chơro. Các chuyến khảo cứu nhằm ghi chép lại những câu chuyện, ca dao tục ngữ, phương pháp tổ chức lễ hội, trang phục…Sayangva để biên soạn, in ấn làm tài liệu hướng dẫn và giảng dạy lại cho chính đồng bào cũng như người yêu thích văn hóa truyền thống Chơro”. Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai: Nhằm giúp đồng bào Chơro có nhận thức đúng về giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình, từ đầu tháng 11 đến nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã triển khai dự án khôi phục, truyền dạy về lễ hội Sayangva của người dân tộc Chơro tại xã Phú Lý. Việc làm này tạo điều kiện để chính những nghệ nhân trong cộng đồng khôi phục và phát huy các giá trị di sản. Đây được xem là một bước tiến tiếp theo để văn hóa truyền thống của đồng bào Chơro thành sản phẩm du lịch độc đáo. Ông Đặng Thanh Hiếu, Trưởng phòng Dân tộc TX. Long Khánh: Thời gian qua, địa phương đã mua sắm thêm một số bộ cồng chiêng, đồng thời tổ chức lớp dạy văn hóa cồng chiêng để hướng dẫn cho thanh niên 4 xã: Bảo Quang, Bảo Vinh, Hàng Gòn và Bàu Trâm. Đến nay đã có trên 40 thanh niên được truyền thụ, hướng dẫn về cách sử dụng cồng chiêng, các bài khấn, làm cây nêu cùng một số vật phẩm cần thiết khác dùng trong lễ hội Sayangva. Già làng Nguyễn Văn Long, xã Hàng Gòn, TX. Long Khánh: Ngoài lễ hội Sayangva đặc trưng thì văn nghệ dân gian của người Chơro rất phong phú, với nhiều thể loại, như: chuyện kể, thơ ca trữ tình, múa, hát đối đáp... Tất cả được đúc kết từ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, về thiên nhiên và cuộc sống xã hội. Nhưng ngày nay, số người biết những thể loại này chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì vậy, điều mong mỏi của bà con là sớm có được những lớp học để truyền thụ những kinh nghiệm này cho lớp trẻ. Võ Tuyên (ghi) |
Văn Truyên