Phương án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) do Phân viện Khoa học - công nghệ xây dựng miền Trung (thuộc Viện Khoa học - công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng) thực hiện vừa được các ngành chức năng của tỉnh thống nhất thông qua.
Phương án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) do Phân viện Khoa học - công nghệ xây dựng miền Trung (thuộc Viện Khoa học - công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng) thực hiện vừa được các ngành chức năng của tỉnh thống nhất thông qua.
Sau khi thống nhất phương án, việc lấy ý kiến người dân đã được tổ chức và đại đa số đều rất hoan nghênh dự án này.
* Ghi dấu ấn bậc tiền nhân
Theo ông Trần Quang Toại, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (còn gọi là đình Bình Kính) là di tích lịch sử cấp quốc gia đã được Nhà nước xếp hạng vào tháng 3-1990. Đền thờ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh, một danh nhân có nhiều công lao với đất nước trong việc mở mang, chấn chỉnh bờ cõi phía Nam Tổ quốc. Theo tư liệu đền thờ được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII và đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần.
Mặt bằng quy hoạch tổng thể đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. |
Hiện tại, kiến trúc nội thất của di tích còn được bảo lưu với những hàng cột lớn và nhiều hoành phi đại tự, đặc biệt tại đình còn lưu giữ bộ áo mão, tương truyền là của Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh lúc còn sống. Mặt đền thờ nhìn ra sông Đồng Nai theo hướng Tây Nam, mặt trước đền thờ có gắn đôi rồng chầu pháp lam bằng gốm men xanh, hai bên là cặp lân. Hàng cột mặt tiền đắp rồng cuốn mây có đôi liễn chữ nho khắc chìm vào tường. Năm 1998, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đã xây dựng nhà bia ghi lại lịch sử 300 năm của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trong khuôn viên của đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Vào các ngày 16-5 và 11-1 âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức tế lễ, cầu cho quốc thái dân an và tưởng nhớ công đức to lớn của bậc tiền nhân có công khẩn hoang, xác lập nền hành chính tại vùng đất phương Nam.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí: “Công tác mở rộng, trùng tu, tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh mang tính định hướng chiến lược và có tầm nhìn lâu dài của một tỉnh có bề dày lịch sử. Điều này sẽ góp phần đưa di sản văn hóa gắn liền với sự phát triển của ngành du lịch ở địa phương”. |
Tuy nhiên, theo các vị cao niên trong xã, do trải qua thời gian dài chịu tác động của thời tiết cùng sự xâm lấn của con người, nên hiện tại diện tích đền bị thu hẹp đáng kể so với trước kia.
* Giữ nguyên kiến trúc hiện hữu
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí cho biết, căn cứ vào phương án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh đã được thống nhất, công trình sẽ được mở rộng lên gần 8 ngàn m2 khi hoàn thành, thay vì chỉ hơn 4 ngàn m2 như hiện nay. Nhà chính điện sẽ được di dời đến vị trí trung tâm của khu đền. Bên cạnh đó, các hạng mục, như: nhà trưng bày, các công trình phụ phục vụ du khách đến tham quan; nâng cấp khuôn viên tổ chức lễ hội tại đền…sẽ được xây dựng nhưng vẫn đảm bảo đúng Luật Di sản văn hóa, không làm thay đổi kết cấu hiện hữu.
Một góc đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. |
Tuy việc mở rộng diện tích quần thể di tích đồng nghĩa với việc 28 hộ dân sống trong khu vực mở rộng sẽ bị giải tỏa, di dời, song đại đa số người dân đều đồng thuận cao với chủ trương của tỉnh.
Ông Nguyễn Hồng Phước (52 tuổi, ngụ ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa): Gia đình tôi có đến 5 người từng là thành viên Ban quý tế của đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Theo như lời kể của ông cha truyền lại cũng như một số tài liệu còn ghi chép, thì trước đây vị trí của ngôi đền nằm ở sát sông Đồng Nai nên thường xuyên bị xói lở và có nguy cơ bị hủy hoại. Năm Tự Đức thứ tư (1851), quan tỉnh Biên Hòa lập sớ báo về triều đình đề nghị cấp 400 quan tiền và xin dời ngôi đình lùi về phía sau khoảng 400m, do vậy đền mới có vị trí như hiện tại. Vì thế, việc di dời một số công trình bên trong đền là việc làm phù hợp và không phải là lần đầu tiên tiến hành thực hiện. |
Bà Nguyễn Thị Kim Huê, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa, cho hay khi dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh được công bố, nhân dân trong xã rất hoan nghênh và phấn khởi. Bởi đây không chỉ là địa chỉ tâm linh thiêng liêng mà còn thể hiện được lòng tôn kính và quý trọng của nhân dân đối với những bậc tiền hiền.
Bà Lưu Thị Nga (77 tuổi, ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa) nói: “Người dân sống quanh khu đền như gia đình chúng tôi rất hoan nghênh quyết định mở rộng, trùng tu đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Bởi, tuy phải rời xa căn nhà ở hiện nay với phần diện tích 449 m2 nhưng có như vậy di tích lịch sử cấp quốc gia này mới có thêm điều kiện phát huy các giá trị tinh thần và tâm linh vốn có. Qua đó cũng góp phần làm cho nhân dân ở nhiều nơi trong cả nước biết đến tham quan, tìm hiểu địa danh này”.
Sông Thao