Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành động vì di sản văn hóa

11:11, 25/11/2013

Đó cũng là vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm và cho rằng cần phải có những giải pháp hiệu quả để di sản văn hóa tồn tại và phát triển trong xã hội hiện đại một cách mạnh mẽ hơn nữa.

TS. Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội) trong tham luận trình bày tại hội thảo khoa học quốc tế “Vai trò của di sản văn hóa trong giáo dục hòa bình” được tổ chức tại Đồng Nai ngày 25-11 đã kêu gọi: “Chúng ta phải hành động để giúp người dân hiểu rằng Tháp Chàm không phải là cái lò gạch; di tích Hoàng thành Thăng Long không phải là cái chuồng heo”  khi nói về sự hiểu biết của công chúng đối với các di sản văn hóa  hiện nay.

hội thảo

Quang cảnh hội thảo khoa học quốc tế về di sản văn hóa tại Đồng Nai ngày 25-11-2013.

Đó cũng là vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm và cho rằng cần phải có những giải pháp hiệu quả để di sản văn hóa tồn tại và phát triển trong xã hội hiện đại một cách mạnh mẽ hơn nữa.

Cộng đồng phải được tham gia

GS. Mohammad Abdus Sabur, Tổng thư ký Quỹ Nguồn lực châu Á:

Đối với những nước đang phát triển, những nước nghèo thì cách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả nhất chính là dựa vào sự hợp tác và chung tay của các tầng lớp nhân dân và nguồn kinh phí xã hội hóa trong xã hội. Có như vậy, Nhà nước vừa bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, vừa hạn chế được gánh nặng cho ngân sách quốc gia.

TS. Lê Thị Liên cũng đưa ra một thực tế: Tỉnh nào cũng có bảo tàng nhưng rất ít bảo tàng hoạt động tốt. Phần lớn các bảo tàng đóng cửa im ỉm và rất nhiều giá trị di sản bị lãng quên khi công chúng không có cơ hội tiếp xúc. Ở không ít địa phương có nền văn hóa rất lâu đời, nhưng người dân không biết gì về nguồn gốc, và lẽ tất nhiên những di chỉ khảo cổ học, những di vật lịch sử chỉ có nhà nghiên cứu biết. “Cần đưa môn giáo dục về di sản văn hóa vào nhà trường để học sinh được cùng tham gia bảo tồn, giữ gìn di sản. Có như thế, di sản mới đến gần hơn được với công chúng chứ không chỉ là hiện vật của nhà khoa học hay nhà nghiên cứu lịch sử” - TS. Nguyễn Thị Liên nói.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Rasmi Shoocongdej (khoa khảo cổ học Đại học Silpakorm, Thái Lan), cho biết: “Hiểu biết của cộng đồng về di sản không phải lúc nào, ở đâu cũng giống nhau. Chẳng hạn như khi khai thác di sản của Thái Lan, chúng tôi tiến hành khai thác ở những nhóm dân tộc nhỏ. Đặc điểm của từng nhóm dân tộc này là khác nhau nhưng cần thiết phải làm cho những điều khác biệt ấy trở nên thống nhất trong cùng một chỉnh thể. Và điều quan trọng trong việc phát huy di sản, đó là cộng đồng dân cư nơi di sản ấy tồn tại phải thấy được lợi ích của di sản. Tóm lại, di sản phải vì lợi ích của người dân tại địa phương đó”.

Đồng chí Trần Đình Thành trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo
Đồng chí Trần Đình Thành trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo

[links(left)]Trả lời cho câu hỏi “phải chăng chỉ có nước giàu mới làm tốt công tác bảo tồn di sản”, TS.Ghada Abdel Moniem El-Gemaiey (khoa khảo cổ Đại học Cairo, Ai Cập) cho rằng, di sản không phải là thứ xa xỉ mà là nền tảng của một xã hội văn minh, nguồn gốc của bản sắc và việc xây dựng đất nước. Không có nền văn minh nào có thể phát triển và sinh sôi mà thiếu hòa bình, điều này tác động lên nghệ thuật và kiến trúc vào thời điểm bắt đầu một biểu trưng hay biểu tượng của bất kỳ quốc gia nào. TS. Ghada cũng cho rằng, di sản mang lại cho chúng ta nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là việc duy trì và bảo tồn hòa bình. Di sản văn hóa giúp các tôn giáo xích lại gần nhau hơn và đây không phải là việc làm mất thời gian hay tiền bạc.

Tán thành với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Giang Hải (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nói: “Nghèo có cách làm của nước nghèo. Nếu không thực hiện được các chương trình dài hạn thì hoàn toàn có thể tổ chức từng chương trình cụ thể. Quan trọng là phải kêu gọi được sự tham gia của cộng đồng”.

Các đại biểu quốc tế ký tên vào bảng biểu trưng tại hội thảo
Các đại biểu quốc tế ký tên vào bảng biểu trưng tại hội thảo

Làm gì để bảo tồn di sản?

Thảo luận tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều thống nhất cho rằng, di sản văn hóa là yếu tố rất quan trọng giúp các quốc gia xích lại gần nhau. Muốn bảo vệ được di sản, vai trò cùng chung tay của cộng đồng có ý nghĩa rất lớn. GS.TS.Buddhadeb Chaudhuri (Đại học Calcutta, Ấn Độ) cho hay, là một quốc gia đa tôn giáo, việc bảo tồn các di sản văn hóa ở đây luôn hướng đến mục tiêu hòa bình, tức là có sự đồng nhất và hòa hợp. Con người trong xã hội cùng tôn trọng, đồng thuận để liên kết, bình đẳng với nhau. Muốn di sản được bảo tồn thì con người phải có sự kết nối, hỗ trợ nhau bởi “di sản vượt quá tầm biên giới quốc gia và dân tộc có thể là công cụ cho sự hòa giải. Do đó, di sản văn hóa có thể là một công cụ then chốt cho hòa bình”.

Doanh nghiệp chọn... hoa hậu hơn di sản

 Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng chứng tích chiến tranh khi nói về công tác kêu gọi các nguồn kinh phí đầu tư vào bảo tồn các giá trị văn hóa đã thẳng thắn cho rằng, hiện nay doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền tài trợ cho các cuộc thi hoa hậu nhưng kém mặn mà với di sản. Cụ thể như Bảo tàng chứng tích chiến tranh muốn kêu gọi doanh nghiệp đầu tư kinh phí để tổ chức trưng bày, giới thiệu tranh, ảnh, hiện vật về chứng tích chiến tranh ở các địa phương, nhưng hầu như không có doanh nghiệp nào tham gia. Bên cạnh đó, việc tìm ra các hình thức trưng bày mới, lôi cuốn công chúng cũng là vấn đề đang được bảo tàng hết sức quan tâm để thông điệp về lòng yêu nước, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam đến nhiều hơn với công chúng trong và ngoài nước.

TS. Đặng Thị Hoa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đưa ra một ví dụ khiến nhiều đại biểu có mặt tại hội thảo phải suy nghĩ, đó là khi dự án thủy điện Sơn La thực hiện, người dân sống ở đây di dời đến một địa điểm khác. “Dân di dời nơi mình đã gắn bó lâu đời tức là phải xa những phong tục, tập quán, lễ hội. Vì vậy khi đến nơi ở mới, trách nhiệm của chúng ta là phải làm sao giúp họ phục dựng lại những nét văn hóa nguyên bản để họ thấy được rằng, nơi ở cũ và mới không có sự khác biệt. Phục dựng lại lễ hội, phong tục tập quán không có giải pháp nào tốt bằng việc huy động chính người dân tham gia, người dân làm chủ” - TS. Hoa nói.

Còn TS. Nguyễn Văn Long, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đồng Nai chia sẻ xuất phát từ thực tiễn địa phương, những năm qua công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di sản văn hóa kết hợp cả ba nguồn: Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách Nhà nước và nguồn huy động từ xã hội hóa. Tính đến nay, Đồng Nai đã tiến hành trùng tu, tôn tạo được 30/47 di tích; bảo quản, xử lý mối mọt, nấm mốc cho 25/47 di tích; tu bổ, chống xuống cấp 16/47 di tích đã thể hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước và nhận thức của xã hội với vai trò, vị trí của di sản văn hóa dân tộc.

Những di tích được trùng tu, tôn tạo với mức độ khác nhau cùng với công tác tuyên truyền quảng bá với nhiều hình thức đa dạng đã phát huy tốt các giá trị di tích, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống. Một số di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa có tính đặc thù của địa phương, góp phần phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch; đồng thời đóng góp vào công tác bảo tồn di sản văn hóa mang lại lợi ích lớn về vật chất và tinh thần, như: di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Khu ủy miền Đông, núi Chứa Chan, Vườn quốc gia Cát Tiên...

Nguyễn Phượng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều