Hội thảo khoa học quốc tế "Vai trò của di sản văn hóa trong giáo dục và phát triển hòa bình" do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Quỹ Nguồn lực châu Á và UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức trong hai ngày 25 và 26-11 được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa hiện nay. Báo Đồng Nai xin lược ghi ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo.
Hội thảo khoa học quốc tế “Vai trò của di sản văn hóa trong giáo dục và phát triển hòa bình” do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Quỹ Nguồn lực châu Á và UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức trong hai ngày 25 và 26-11 được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa hiện nay. Báo Đồng Nai xin lược ghi ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo.
Đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm. Ảnh: V.TRUYÊN |
* GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam: Di sản truyền cảm hứng cho công chúng
Chúng ta đang đứng trước những thách thức lớn khi tình hình thế giới có nhiều thay đổi nhanh, mạnh và rất đa dạng, nhất là các thay đổi về môi trường, các thảm họa thiên tai khó lường và cả những bất ổn khu vực kéo dài. Tình hình trên cùng với sự gia tăng “quyền lực mềm”, kể cả quyền lực công nghệ, văn hóa ở các nước lớn đang tạo ra nhiều áp lực cho các nước nhỏ, các nước đi sau. Việc bảo tồn các giá trị, bản sắc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đang là thử thách đối với tất cả các quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh đó, văn hóa và di sản văn hóa sẽ trở nên rất quan trọng nếu nguồn lực của nó được khai thác và sử dụng cho phát triển hòa bình.[links(right)]
Giá trị của di sản văn hóa là hết sức rõ ràng. Các địa điểm di sản văn hóa truyền cảm hứng cho mọi người học hỏi tài năng, sự sáng tạo của tổ tiên. Tuy nhiên, trong thế giới của chúng ta, nhiều di sản đã bị biến mất. Sẽ thật khó để cho các thế hệ sau này hiểu được quy luật tự nhiên và sự sáng tạo của nền văn minh nếu tất cả mọi cái cũ đều không còn tồn tại. Và do vậy, vai trò của các nhà khoa học xã hội, nhà tuyên truyền về văn hóa là hết sức quan trọng, giống như vai trò của những người mở đường, những người tạo lập và xây dựng hòa bình.
* Đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai: Di sản văn hóa là tài sản quý
Trong định hướng phát triển, tỉnh Đồng Nai vươn đến mục tiêu phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột: tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hóa nhân văn. Trong đó, di sản văn hóa được xem là tài sản quý, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển.
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1.800 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật. Nhiều di tích, danh thắng được lập hồ sơ quản lý, trong đó xếp hạng: 1 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, các di tích khảo cổ học thời tiền sử ở Đồng Nai được khai quật và hệ thống các giá trị văn hóa phi vật thể đã thể hiện rõ dấu ấn của văn hóa tiền sử, văn hóa thời khai hoang, văn hóa lịch sử cách mạng, văn hóa thời hội nhập và phát triển. Đặc điểm của giá trị di sản văn hóa ở Đồng Nai là sự hội nhập, giao thoa, hỗn dung của nhiều hệ văn hóa, nhiều nguồn văn hóa, nhiều sắc thái văn hóa, cùng hướng tới mục tiêu chung vì hòa bình, phát triển bền vững. Tất cả những giá trị ấy đã làm nên bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng trong thống nhất của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn Đồng Nai trong quá trình hội nhập và phát triển.
* Đồng chí Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch: Di sản trong kỷ nguyên số
Ngày nay, công nghệ số làm biến đổi thế giới, trong đó có di sản văn hóa, giáo dục và cả hòa bình, đặc biệt nó tác động toàn diện đến nghiên cứu, học tập, quản lý, bảo tồn, phát huy, trải nghiệm di sản văn hóa với các phương thức riêng có. Điều này, vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với di sản văn hóa, giáo dục, từ di sản và bởi di sản.
Di sản không chỉ là quá khứ. Chính những gì chúng ta đang tạo lập ngày hôm nay có thể là di sản cho các thế hệ mai sau. Với sự chân thành, trái tim và bầu nhiệt huyết cống hiến cho di sản văn hóa, vì di sản văn hóa và trách nhiệm với các thế hệ trước và mai sau, chúng ta cần đề cao tính dự báo, khả năng thích ứng của di sản, phương thức giáo dục phù hợp và mối quan tâm chung về hòa bình trong kỷ nguyên số, toàn cầu hóa.
PGS. TS Rasmi Shoocongdej (Khoa Khảo cổ học Trường đại học Silpakorn, Thái Lan): Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị khảo cổ học nhất thiết phải gắn liền với sự phát triển của cộng đồng nơi mà di sản, di tích văn hóa đó hiện hữu. Bởi nếu việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa mang lại lợi ích cho cộng đồng thì sẽ đạt được sự ủng hộ cũng như chung tay hợp tác từ phía người dân. Có rất nhiều phương pháp để đạt được mục tiêu này, nhưng quan trọng hơn hết là phải đặt và xem trọng ý kiến đóng góp, sự đồng thuận của người dân lên hàng đầu. PGS.TS Phạm Đức Mạnh (Trưởng bộ môn khảo cổ học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh): Với mật độ di sản văn hóa dày đặc, nền văn hóa phát triển lâu đời và phong phú, Đồng Nai là vùng đất hứa cho công cuộc khảo cổ học lẫn đào tạo con người cho ngành khảo cổ học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các di tích, di sản văn hóa được tiến hành khai quật đến nay vẫn còn tương đối ít so với tiềm năng của tỉnh. Vì vậy, việc đẩy mạnh khai quật, tìm kiếm di vật, di sản văn hóa cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. PGS. TS Bùi Chí Hoàng (Phó viện trưởng Viện Khoa học - xã hội vùng Nam bộ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam): Các di tích tại Vườn quốc gia Cát Tiên của Đồng Nai rất có giá trị. Tuy nhiên, nó vẫn chưa được khai quật, tìm kiếm một cách đầy đủ và kịp thời dẫn đến tình trạng là thời gian qua, nhiều di tích tại địa danh này đã xuống cấp và hư hỏng nặng. Do đó, việc khẩn trương khai quật, tìm kiếm là việc làm trước mắt cần được thực hiện nhanh chóng và có sự chung tay của toàn xã hội. TS. Nizamuddin Katawazi (Giám đốc điều hành Tổ chức Hòa bình và quyền con người (PHRO) Afghanistan): Di sản văn hóa là cầu nối đưa các quốc gia xích lại gần nhau, cuốn hút con người ở quốc gia này tìm đến với quốc gia khác. Ngoài ra, thông qua sự quan tâm của công chúng đối với di sản, mọi người cũng sẽ hiểu biết hơn về quốc gia, vùng lãnh thổ mà di sản văn hóa đó đang tồn tại. Nhưng hiện nay, tình trạng bất ổn, chiến tranh tại nhiều đất nước trên thế giới đã đẩy các di tích vào con đường hư hại, thậm chí có nguy cơ biến mất. Do đó, vấn đề quan trọng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích là phải đảm bảo được sự hòa bình, ổn định trong nước. TS. Im Sokrithy (Tổ chức Apsara, Campuchia): Ở Việt Nam nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng đang áp dụng phương thức di dân ra khỏi Vườn quốc gia Cát Tiên để bảo vệ rừng. Việc làm này vừa tốn kém, lại làm nảy sinh mâu thuẫn giữa người dân sống trong khu vực với chính quyền địa phương và cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ di tích. Với đất nước Campuchia, ở những khu bảo tồn thiên nhiên, chính phủ không tiến hành biện pháp di dân ra khỏi khu vực sinh sống hiện tại của họ, mà ngược lại vẫn tiếp tục cho họ khai thác các nguồn lợi từ rừng để họ đảm bảo cuộc sống. Khi các khu bảo tồn mang lại lợi ích cho họ, thì những cư dân này cũng trở thành những người cùng với chính quyền chung tay bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Văn Truyên (thực hiện) |
Minh Ngọc (ghi)