Đồng Nai hiện là địa phương có nhiều di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng. Tại hội thảo khoa học quốc tế "Vai trò của di sản văn hóa trong giáo dục và phát triển hòa bình" lần này, Đồng Nai có dịp giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước những "đặc sản" di sản ở Đồng Nai. Báo Đồng Nai xin giới thiệu 3 trong số rất nhiều di sản đó.
Đồng Nai hiện là địa phương có nhiều di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng. Tại hội thảo khoa học quốc tế “Vai trò của di sản văn hóa trong giáo dục và phát triển hòa bình” lần này, Đồng Nai có dịp giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước những “đặc sản” di sản ở Đồng Nai. Báo Đồng Nai xin giới thiệu 3 trong số rất nhiều di sản đó.
Lễ dâng hương tại di tích quốc gia mộ cự thạch Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh). |
* Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai
Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai có tổng diện tích 969.993 hécta nằm trên địa bàn 5 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông. Trong đó, vùng lõi có diện tích 172.502 hécta, gồm: Vườn quốc gia Cát Tiên 72.208 hécta, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai 103.294 hécta, là nơi lưu trữ và bảo tồn các nguồn gen động, thực vật rừng quý hiếm của miền Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Với vùng sinh cảnh đa dạng, phong phú, từ kiểu rừng trên đất thấp ven sông đến rừng trên núi cùng các hệ sinh thái đa dạng, phong phú, bao gồm 1.401 loài thực vật, thuộc 623 chi, 156 họ, 92 bộ, 10 lớp, 6 ngành thực vật khác nhau; là môi trường sống lý tưởng cho các loài động vật, nhất là động vật có vú, chim, bò sát và cá... với 1.781 loài thuộc 211 họ, 51 bộ. Ngoài ra, hệ sinh thái rừng còn góp phần trong việc điều hòa khí hậu, ổn định và cung cấp nguồn nước cho hạ lưu sông Đồng Nai.
* Mộ Cự thạch Hàng Gòn
Di tích mộ cự thạch Hàng Gòn (TX.Long Khánh) một trong 10 di tích quan trọng ở Nam bộ. Các nhà khoa học đánh giá đây là một di tích độc đáo cả về nghệ thuật và kỹ thuật của các tộc người cổ Nam Á nói chung và người Việt cổ nói riêng.
Mộ cự thạch Hàng Gòn là một dạng hầm mộ, được cấu tạo bởi những tấm đá hoa cương lớn và những trụ đá dài, nặng khoảng 30-40 tấn. Ngôi mộ có hình chữ nhật dài 4,2m, ngang 2,7m, cao 1,6m được ghép bởi 6 tấm đá hoa cương được bào khá nhẵn ở mặt ngoài, 4 tấm đá thẳng đứng dùng làm vách, 2 tấm nằm ngang dùng làm mặt đáy và nắp đậy, liên kết giữa tấm đá hoa cương nhờ vào hệ thống rãnh dọc chắc chắn. Xung quanh mộ có nhiều trụ đá hoa cương cao 7,5m, tiết diện mặt cắt ngang hình chữ nhật dài 1,1m x 0,3m, phần lớn các đầu trụ được khoét lõm hình yên ngựa.
* Thành cổ Biên Hòa
Theo cuốn Biên Hòa sử lược toàn biên (tác giả Lương Văn Lựu): Thành do dân Lạp Man xây đắp bằng đất với tên gọi “Thành Cựu” vào thế kỷ 14-15. Năm Gia Long thứ 15 (1816), thành được xây dựng tại thôn Bàn Lân, huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa (nay là phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) trên nền thành cũ. Chu vi thành dài 338 trượng, cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng. Hào xung quanh rộng 4 trượng, sâu 6 thước. Thành có 4 cửa và một kỳ đài (phía chánh điện). Đến năm Minh Mạng thứ 18 (tức 1837), Thành Cựu được xây dựng lại bằng đá ong và đổi tên là Thành Biên Hòa.
Khi Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam bộ, Thành Biên Hòa được quân đội Pháp tiến hành xây dựng lại, thu gọn chu vị thành còn 1/8 so với trước. Hào phía Đông được lấp đất lại, xây cất phố xá và một số doanh trại, biệt thự, nhà thương... trong nội thành cho sĩ quan cao cấp và quân đội Pháp ở. Thành cổ Biên Hòa là thành cổ duy nhất còn sót lại ở Đồng Nai nói riêng cũng như toàn bộ khu vực Nam bộ nói chung.
Võ Tuyên