Sáng nay 25-11, hội thảo khoa học quốc tế về "Vai trò của di sản văn hóa trong giáo dục và phát triển hòa bình" chính thức khai mạc tại Đồng Nai. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Giang Hải, Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó trưởng ban tổ chức hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Giang Hải. |
Sáng nay 25-11, hội thảo khoa học quốc tế về “Vai trò của di sản văn hóa trong giáo dục và phát triển hòa bình” chính thức khai mạc tại Đồng Nai. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Giang Hải, Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó trưởng ban tổ chức hội thảo. PGS.TS Nguyễn Giang Hải cho biết:
- Hội thảo quốc tế với chủ đề “Vai trò của di sản văn hóa trong giáo dục và phát triển hòa bình” có sự tham gia của 150 nhà quản lý, nhà khoa học cùng các chuyên gia nghiên cứu về di sản không chỉ trong nước mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chủ đề của hội thảo cũng mang ý nghĩa rất lớn, bởi phản ánh được thực trạng về việc bảo tồn, phát triển di sản của Việt Nam lẫn nhiều quốc gia trên thế giới.
* Ông có thể nói rõ hơn về chủ đề của hội thảo?
- Thời gian qua, chưa bao giờ vấn đề di sản lại thu hút được sự quan tâm, theo dõi của dư luận đến vậy. Điều này thể hiện nhận thức ngày càng cao của con người đối với những giá trị di sản. Nhưng qua các câu chuyện được dư luận quan tâm, báo chí phản ánh đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến bảo tồn và giữ gìn di sản. Đó là các di sản văn hóa đang bị xâm phạm nghiêm trọng, việc dung hòa giữa phát triển cuộc sống của con người và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản truyền thống đang gặp phải mâu thuẫn gay gắt. Do vậy, để dung hòa những mâu thuẫn, đồng thời hướng đến mục đích cùng phát triển thì vấn đề giáo dục di sản là việc làm cấp thiết và cần được các địa phương sớm đưa vào chương trình giảng dạy cho thế hệ trẻ.
* Vậy việc giảng dạy này đã được áp dụng ở địa phương nào chưa, thưa ông ?
- Chương trình đã được tiến hành từ vài năm nay, nhưng mới có 2 địa phương đưa mô hình này vào giảng dạy là Huế và Quảng Ninh. Đây là một con số còn quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế.
Đàn bò tót ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: T.L |
* Ông đánh giá như thế nào về công tác bảo tồn di sản đang được thực hiện ở Đồng Nai?
- Đồng Nai là một địa phương có mật độ di sản văn hóa nhiều nhất tại khu vực phía Nam với 47 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp quốc gia, 20 di tích cấp tỉnh thuộc các loại hình: tự nhiên, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử kháng chiến, danh lam thắng cảnh... cùng hàng ngàn di tích phổ thông khác. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản được tỉnh rất quan tâm, do đó việc phát huy các giá trị di sản của Đồng Nai được chú trọng. Tôi nghĩ rằng Đồng Nai sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong công tác này thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Vì sao Đồng Nai lại được chọn để đăng cai tổ chức một hội thảo lớn, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học tên tuổi trong và ngoài nước đến như vậy, thưa ông? - Đồng Nai là địa phương có mật độ di sản văn hóa nhiều nhất tại khu vực phía Nam. Nền văn hóa Đồng Nai phát triển mạnh trong quá trình hình thành và phát triển vùng đất này. Các nhà nghiên cứu, khoa học đã dùng địa danh Đồng Nai để đặt tên cho một khu vực văn hóa phía Nam, đó là nền văn hóa Đồng Nai. Đặc biệt, thời gian qua dư luận trong nước cũng như quốc tế rất quan tâm đến việc 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đe dọa đến sự tồn tại của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới tại Đồng Nai; 2 dự án này cuối cùng đã bị loại bỏ. Đây là một tin vui không chỉ với giới di sản mà còn là của nhân dân trong và ngoài nước. Thêm vào đó, vừa qua lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã ký kết quy chế phối hợp trong các hoạt động. Do vậy, Đồng Nai là địa phương được lựa chọn hàng đầu trong việc tổ chức hội thảo. |
Văn Truyên (thực hiện)
[links()]