Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Ngân Vương là một trong những nghệ sĩ cải lương của Đồng Nai được đánh giá có phong cách diễn xuất mang dấu ấn riêng, thu hút khán giả.
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Ngân Vương là một trong những nghệ sĩ cải lương của Đồng Nai được đánh giá có phong cách diễn xuất mang dấu ấn riêng, thu hút khán giả.
NSƯT Ngân Vương quan niệm, ngoài tài năng và sắc vóc, mỗi người nghệ sĩ cần có ý chí ham học hỏi và nhất là phải có lòng yêu nghề, hy sinh cái riêng để cống hiến cho nghệ thuật.
* Yêu nghề
10 tuổi, cậu bé Ngân Vương đã được làm quen với những câu hát, giai điệu của môn nghệ thuật cải lương trên sóng phát thanh, những buổi giao lưu văn nghệ do các nhóm đờn ca tài tử trong xóm tổ chức. “Lúc đó, không hiểu sao niềm đam mê với cải lương trong tôi lớn lắm. Hễ ở đâu có đám hát thì dù đường có xa cách mấy tôi cũng gắng tìm đến ngồi nghe. Có khi thích quá thì bạo gan xin được ca thử một bản” - NSƯT Ngân Vương kể.
NSƯT Ngân Vương vai ông Đức (người nằm) - một vai phụ trong vở cải lương Vượt qua tâm bão. |
Sau một thời gian được các “thầy giáo làng” lở quê hướng dẫn, cộng với năng khiếu, lòng ham học hỏi và sự yêu mến đối với môn nghệ thuật này, năm 19 tuổi, Ngân Vương bước vào con đường hoạt động nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp ở Đoàn văn công tỉnh An Giang.
Nhưng bước khởi đầu chẳng bao giờ dễ dàng. Công việc Ngân Vương được giao không phải diễn viên mà là trang trí sân khấu. Chán nản vì công việc không phù hợp với niềm đam mê, nhiều lần nghệ sĩ muốn buông tay, từ bỏ ước mơ. Nhưng lòng quyết tâm cùng sự yêu nghề đã giúp nghệ sĩ có đủ kiên nhẫn để trụ vững với những thử thách. Sau nhiều cố gắng và tâm huyết, Ngân Vương cũng được nhìn nhận là một nghệ sĩ thực thụ chứ không còn là kẻ chạy hậu trường.
Năm 1983, nghệ sĩ Ngân Vương gia nhập Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai. Nhưng chỉ sau 5 năm gắn bó, anh lại rời đoàn để tìm cho mình một bến đỗ mới. Tuy nhiên, duyên nợ đã một lần nữa đưa Ngân Vương trở lại với Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai.
Bằng kinh nghiệm, khả năng diễn xuất, Ngân Vương liên tục được lãnh đạo đoàn, đạo diễn tin tưởng giao vai chính trong các vở diễn, như: Dời đô, Dòng sông đỏ... Tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp cải lương toàn quốc năm 2012, với vai ông Đức - một vai phụ trong vở cải lương Vượt qua tâm bão của đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà, NSƯT Ngân Vương đã giành huy chương vàng ở giải thưởng dành cho nghệ sĩ xuất sắc nhất.
* Nặng lòng với nghề
Hiện tại, ngoài tham gia luyện tập và diễn xuất theo lịch diễn của đoàn, NSƯT Ngân Vương còn đảm nhận vai trò hướng dẫn, truyền thụ kinh nghiệm cho các nghệ sĩ trẻ. NSƯT Đồng Thị Quế Anh, Phó đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai và cũng là một bạn diễn lâu năm của NSƯT Ngân Vương, cho biết: “Những kiến thức, kinh nghiệm sân khấu của nghệ sĩ Ngân Vương giúp ích rất nhiều cho những diễn viên trẻ trong đoàn”.
NSƯT Ngân Vương tên thật là Nguyễn Hữu Nghĩa, sinh năm 1958 trong một gia đình thuần nông ở tỉnh An Giang. Ngày 21-4-2007, anh được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2012, tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp cải lương toàn quốc, NSƯT Ngân Vương đã giành huy chương vàng ở giải thưởng dành cho nghệ sĩ xuất sắc nhất với vai ông Đức - một vai phụ trong vở cải lương Vượt qua tâm bão của đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà. |
Tuy hết mực yêu mến bộ môn nghệ thuật mà mình đang theo đuổi, nhưng người nghệ sĩ có 36 năm đứng trên sân khấu cũng không tránh khỏi lo lắng cho tương lai của cải lương nước nhà. “Từ năm 1990 trở về trước là thời gian hoàng kim của nghệ thuật cải lương. Thời đó, già trẻ, trai gái đều mê cải lương lắm. Mỗi khi có suất diễn là khán giả chen chân mua vé vào trong rạp từ sớm vì sợ để lỡ những màn diễn đầu. Rồi sau khi kết thúc vở diễn, họ còn gắng nán lại để được xem mặt thật của diễn viên. Còn bây giờ, khán giả yêu thích môn nghệ thuật này đã giảm sút nhiều rồi” - nghệ sĩ Ngân Vương bày tỏ.
Văn Truyên