Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích - danh thắng ở Đồng Nai đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích - danh thắng ở Đồng Nai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hàng loạt di tích, hiện vật có giá trị về văn hóa, lịch sử của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai được phát hiện và phục dựng đã gây chú ý cho dư luận và giới chuyên môn cả nước, như: Mộ cự thạch Hàng Gòn, đình Phú Mỹ...
Theo thống kê của Ban Quản lý di tích danh thắng, tính đến tháng 6-2013, toàn tỉnh có 47 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp quốc gia và 20 di tích cấp tỉnh cùng hàng chục bộ sưu tập hiện có giá trị văn hóa, lịch sử.
* Đẩy mạnh xã hội hóa
Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh, cho hay do tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội nên hầu hết các di tích, danh thắng trong tỉnh đã xuống cấp, có nơi mức độ hư hại rất nghiêm trọng. Chính vì thế, việc tôn tạo, trùng tu di tích là rất cần thiết. Tuy nhiên, kinh phí để tôn tạo, trùng tu di tích không hề nhỏ. “Để tìm nguồn kinh phí bổ sung kịp thời vào việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích, đồng thời nâng cao vai trò của nhân dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh đã tổ chức đối thoại với người dân sống quanh khu vực có di tích hiện hữu để lắng nghe ý kiến cũng như tâm tư của nhân dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thẳng thắn nêu lên khó khăn đang gặp phải về kinh phí để vận động nhân dân tham gia đóng góp” - ông Dũng nói.
Khu mộ lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh (ấp Đất Mới, xã Long Phước, huyện Nhơn Trạch) được trùng tu, tôn tạo từ nguồn xã hội hóa. |
Ông Lê Văn Nam (83 tuổi), thành viên Ban quý tế đình Cẩm Vinh (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), cho biết thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào làm nông là chính. Thế nhưng, khi được Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh phân tích trách nhiệm của cộng đồng đối với việc bổ sung kinh phí dùng vào việc lập hồ sơ xếp hạng, tiến tới tu sửa đình thì ai cũng hăng hái đóng góp. Chính nhờ cách làm tạo sự đồng thuận này, không riêng gì người dân ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), mà thời gian qua hàng chục tỷ đồng đã được nhân dân đóng góp để tu sửa, tôn tạo tại các di tích, danh thắng, trong đó phải kể đến các công trình, như: chùa Ông (trên 9 tỷ đồng), mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh chống Pháp (trên 15 tỷ đồng), chùa Đại Giác (2,5 tỷ đồng), miếu Tổ Sư (1 tỷ đồng), chùa Bửu Hưng (1 tỷ đồng)…
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh, thì cho biết ngoài đóng góp kinh phí vào các hoạt động trùng tu tôn tạo, thông qua nguồn tin do người dân thông báo, nhiều hiện vật mang giá trị văn hóa, lịch sử to lớn đã được tìm thấy, được giữ gìn và phát huy.
* Nhiều việc cần làm
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, mặc dù đã có Luật Di sản nhưng ý thức giữ gìn, bảo quản di tích, danh thắng không phải lúc nào, ở đâu cũng được coi trọng. Có nhiều trường hợp, vì quyền lợi riêng mà một số tổ chức, cá nhân sẵn sàng xâm phạm nghiêm trọng đến di tích. Đơn cử là vụ việc xảy ra vào giữa tháng 7 vừa qua, khi nhà thầu thi công con đường 768 tại khu vực ấp 3, xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) đã ngang nhiên bốc dỡ một ngôi mộ cổ (đang được Bảo tàng tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu) mà không thông báo cho cơ quan chức năng. Đến khi nhận được phản ánh của người dân, cán bộ bảo tàng đến nơi thì mọi chuyện đã quá muộn: ngôi mộ bị san phẳng, chỉ còn giữ lại được tấm bia đá.
Trong hai năm 2013 - 2014, bằng nguồn vốn Trung ương, ngân sách tỉnh và xã hội hóa, Đồng Nai sẽ tiếp tục trùng tu, tôn tạo các di tích: Nhà lao Tân Hiệp, Thành Biên Hòa, mộ Đoàn Văn Cự, đình Hưng Lộc... Đồng Nai cũng sẽ trình hồ sơ xin công nhận Thành Biên Hòa là di tích lịch sử cấp quốc gia; xin công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với các đình, gồm: Cẩm Vinh, Tân Huệ (huyện Vĩnh Cửu), Dầu Giây (huyện Thống Nhất) và địa điểm diễn ra sự kiện vượt nhà ngục Tà Lài (huyện Tân Phú). |
Một vấn đề khó khăn nữa là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn làm công tác bảo tồn di tích ở cấp xã, huyện hiện nay còn rất yếu và chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm. Do đó, việc thu hút và đào tạo nguồn cán bộ có năng lực chuyên môn đáp ứng cho ngành đang ngày càng bức thiết, bởi trong toàn tỉnh hiện còn hơn 1.500 di tích phổ thông, cùng hàng trăm ngôi nhà cổ đang chờ được nghiên cứu, xem xét và tiến tới công nhận.
Ông Lê Trí Dũng cũng cho rằng, hiện tại công tác xã hội hóa hoạt động di tích đang gặp rất nhiều khó khăn, từ ý thức của người dân đến những bất cập trong công tác quản lý và chủ trương, chính sách. Các đơn vị quản lý di tích muốn thực hiện xã hội hóa phải chờ xin chủ trương, qua nhiều thủ tục phức tạp nên công tác này đôi khi chưa phát huy hết hiệu quả. “ Do đó, để đẩy mạnh việc xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, danh thắng, các cấp có thẩm quyền nên xem xét, tạo điều kiện thuận lợi hơn việc huy động các nguồn lực xã hội. Có như vậy, công tác này mới thật sự có ý nghĩa sâu rộng, góp phần nâng cao vai trò và trách nhiệm của người dân đối với những gì mà các bậc tiền nhân để lại” - ông Lê Trí Dũng nói.
Văn Truyên