Xuất hiện như một sản phẩm phái sinh của chương trình Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids) bất ngờ thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Trong sự thích thú với những giọng ca mới mẻ, cũng có không ít ý kiến lo ngại về sự phù hợp giữa chủ thể cuộc thi là những ca sĩ nhí với tính chất của chương trình thể hiện qua các ca khúc.
Xuất hiện như một sản phẩm phái sinh của chương trình Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids) bất ngờ thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Trong sự thích thú với những giọng ca mới mẻ, cũng có không ít ý kiến lo ngại về sự phù hợp giữa chủ thể cuộc thi là những ca sĩ nhí với tính chất của chương trình thể hiện qua các ca khúc.
Giám khảo Hiền Thục (phải) và một thí sinh trong chương trình. |
Đêm thi đầu tiên của vòng giấu mặt, thí sinh Vũ Song Vũ (cách đây 2 năm còn là cậu bé lọt top 4 chương trình Vietnam’s got talents) đã chọn ca khúc Biển nhớ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Giọng hát vẫn cao vút, trong veo, dù được 2 huấn luyện viên (HLV) xoay ghế, vẫn làm nổ ra nhiều tranh cãi trên các trang mạng xã hội. Nhiều người cho rằng chọn một bài tình ca như vậy là già dặn so với một cậu bé 14 tuổi. Nhưng cũng không ít người tỏ ra “thoáng” hơn với lập luận: tuổi thiếu niên đã bắt đầu biết rung cảm với tình yêu khác giới, đâu còn là trẻ con nữa. Không chỉ Vũ Song Vũ, rất nhiều ca sĩ nhí chọn hát những ca khúc người lớn, chẳng hạn Thu Hà (11 tuổi) hát I will always love you, Lê Dương Quỳnh Anh (12 tuổi) hát Wannabe…
“Format” (định dạng) của The Voice kids không khác so với The Voice, nhưng dành cho những thí sinh trong độ tuổi từ 9 - 15. Đây có lẽ là mấu chốt phát sinh tranh cãi bởi độ tuổi này khá “lỡ cỡ”, không còn là trẻ con nhưng cũng không hẳn đã trưởng thành. Sự trưởng thành về thể chất và tâm lý của các em biến đổi qua từng năm. Ngay cả đứng ở góc độ người lớn, khán giả cũng dễ dàng nhận ra sự lúng túng của dàn HLV trong việc xưng hô với thí sinh của mình. Họ lúc thì xưng anh/chị - em, lúc thì cô/chú - con, thậm chí cả chú - em! Điều đó cho thấy bản thân các HLV cũng khó xác định thí sinh của mình là những đứa trẻ hay có thể xếp ngang hàng với mình.
Khó có thể nói được ai sai ai đúng trong số những luồng ý kiến trái chiều này. Là do các em “già trước tuổi” hay vì người lớn đã duy ý chí mà cập nhật rằng tốc độ phát triển chóng mặt của xã hội ngày nay khiến các em lớn nhanh hơn so với thế hệ của họ trước đây? Vấn đề có thể được giải đáp nếu có một cuộc điều tra xã hội học nghiêm túc về tâm sinh lý của mỗi độ tuổi, để từ đó đề xuất những nội dung nghệ thuật phù hợp với các em. Và quan trọng hơn hết, đã đến lúc các nhạc sĩ cần quan tâm viết cho các em nhiều hơn nữa. Vì rõ ràng không thể bắt các em hát tới lui chừng ấy bài hát thiếu nhi đã rất cũ và phân bố không đều cho các độ tuổi.
Minh Hà