Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của công nhân, những năm qua, Đồng Nai đã có nhiều chương trình nhằm mang các hoạt động này đến gần hơn với người lao động.
Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của công nhân, những năm qua, Đồng Nai đã có nhiều chương trình nhằm mang các hoạt động này đến gần hơn với người lao động.
Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh, cho biết ngày càng có nhiều các hoạt động văn hóa được tổ chức cho người lao động, như: chiếu phim, giao lưu văn nghệ, thi hát karaoke, tư vấn pháp luật kết hợp các trò chơi có thưởng, thư viện sách dành cho công nhân hay tổ chức hội chợ đưa hàng Việt đến với công nhân có lồng ghép các chương trình ca nhạc hàng đêm…
* Đa dạng về hình thức
Có mặt tại những buổi chiếu phim do Đội chiếu phim lưu động số 8 thực hiện (đội chuyên chiếu phim phục vụ cho công nhân tại các khu công nghiệp thuộc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh) mới thấy hết được sự háo hức và mong chờ của công nhân khi được tham gia vào các hoạt động giải trí sau giờ tan ca. Anh Huỳnh Công Tài, Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Cự Thành (huyện Long Thành), cho biết người lao động ít khi tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ở bên ngoài do thu nhập còn hạn chế. Vì thế, khi được hát karaoke miễn phí, rồi được xem phim màn ảnh rộng có chỗ ngồi sạch sẽ, lại được phục vụ nước uống nên các buổi chiếu phim hay xem biểu diễn văn nghệ đều thu hút rất đông người tham gia.
Một tiết mục văn nghệ do Đoàn ca múa nhạc Đồng Nai biểu diễn phục vụ thanh niên công nhân tại phiên chợ thanh niên công nhân được tổ chức tại huyện Nhơn Trạch. |
Tại các chương trình giao lưu văn nghệ kết hợp tư vấn pháp luật cho thanh niên công nhân do Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Tư pháp và Tỉnh đoàn cùng phối hợp thực hiện luôn thu hút rất đông công nhân. Chị Nguyễn Thị Xuân Đào, công nhân Công ty TNHH SanLim (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Tham gia tìm hiểu pháp luật thông qua các trò chơi vừa vui, tăng sự hiểu biết, lại vừa có thể mang những phần quà hấp dẫn về nhà nên chúng tôi rất háo hức”.
Không chỉ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ bên ngoài hàng rào khu công nghiệp, các phòng văn hóa thông tin, 2 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cùng hệ thống thư viện trong tỉnh còn chủ động liên hệ với các công ty, chủ các khu vực nhà trọ tổ chức các buổi diễn - hội thi văn nghệ phục vụ công nhân.
* Cần thêm nguồn lực xã hội
Việc tạo ra các sân chơi, các hoạt động văn hóa, thể thao tập thể luôn thu hút được sự quan tâm rất lớn của công nhân. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tìm kiếm kinh phí cho việc tổ chức các hoạt động này hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu các thiết chế văn hóa dành cho công nhân.
“Công đoàn công ty đã kết hợp với nhiều đơn vị trong tỉnh tổ chức hoạt động văn nghệ, cải lương, chiếu phim để công nhân có điều kiện vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, vì hầu hết công nhân đều là những người trẻ, nên việc tổ chức chương trình cần tính toán chọn loại hình phù hợp. Bởi đã có nhiều chương trình chỉ tổ chức được vài lần, do không có công nhân đến tham gia nên đành phải ngừng thực hiện” - chị Lê Thị Anh Đào, Công nhân Công ty Pouchen |
Th.S Trần Quang Toại, Phó giám đốc thường trực Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh, cho rằng muốn đưa các hoạt động văn hóa tinh thần đến gần hơn với đời sống công nhân, trước hết cần có các thiết chế văn hóa phục vụ cho nhu cầu của đội ngũ công nhân ở các khu công nghiệp. Lãnh đạo các cấp cần quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí, thể thao dành cho công nhân sau giờ lao động tại khu nhà ở công nhân hoặc các khu vực có đông công nhân sinh sống. Đồng thời, phải tạo được một cơ chế thuận lợi để kêu gọi nhiều thành phần kinh tế, các nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia trong việc tạo sân chơi, nơi giải trí lành mạnh cho công nhân.
Văn Truyên