Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng cùng những thư tịch cổ còn sót lại đến ngày nay, đình Cẩm Vinh (ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình) và đình Tân Huệ (ấp 7, xã Thạnh Phú) cùng nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu là 2 ngôi đình có tuổi thọ thuộc hàng lâu đời của huyện.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng cùng những thư tịch cổ còn sót lại đến ngày nay, đình Cẩm Vinh (ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình) và đình Tân Huệ (ấp 7, xã Thạnh Phú) cùng nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu là 2 ngôi đình có tuổi thọ thuộc hàng lâu đời của huyện.
Trải qua biến động của lịch sử, đến nay, 2 đình Cẩm Vinh và Tân Huệ là nơi tổ chức các nghi lễ thờ cúng tín ngưỡng dân gian trong truyền thống của người Việt.
* Gắn liền với dấu tích của người Việt xưa
Ông Lê Văn Nam (83 tuổi), thành viên Ban quý tế đình Cẩm Vinh, cho biết từ nhỏ ông đã được ông nội dẫn đến đình và kể cho nghe rằng, đình được xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII, gắn liền với công cuộc khai hoang lập ấp trên con đường Nam tiến của người Việt. Quy mô ban đầu của đình chỉ là một ngôi miếu nhỏ do nhân dân thôn Cẩm Vinh lập nên. Đến giữa thế kỷ XVIII, do nhận thấy đình thường xuyên bị ngập mỗi khi nước sông Đồng Nai dâng cao, nhân dân địa phương quyết định di dời đình vào giữa thôn (nay là ấp Vĩnh Hiệp). Giữa thế kỷ XIX, đình lại được dời về xây dựng trên khu đất cũ cho đến ngày nay. Năm 1852, vua Tự Đức phong sắc thần cho đình Cẩm Vinh là Thành hoàng bổn cảnh.
Tượng Bác Hồ được thờ phụng bên trong đình Cẩm Vinh (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: V. Truyên |
Ông Lê Thanh Phương, thành viên Ban quý tế cho biết, hiện đình tọa lạc trên diện tích 4.900m2, có nhiều cây cổ thụ và còn lưu được nhiều hiện vật quý, trong đó tờ sắc phong cho Thành hoàng thôn Cẩm Vinh của vua Tự Đức vào năm 1852 là vật có niên đại lâu nhất còn được bảo quản cho đến ngày nay.
Theo ông Trần Văn Trí (83 tuổi, ngụ ấp Tân Huệ, xã Thạnh Phú), thì cho biết: Các cụ đời trước truyền lại, vào giữa thế kỷ thứ XIX, đình Tân Huệ được xây dựng trên khu đất rộng 3.000m2 do ông Nguyễn Văn Ba, một người dân địa phương hiến cúng. Thời gian đình Tân Huệ được xây dựng chênh lệch với thời gian xây dựng đình Cẩm Vinh không bao lâu. Năm 1852, đình Tân Huệ cũng được vua Tự Đức ban sắc phong cho Thành hoàng làng cùng thời gian ban sắc với đình Cẩm Vinh. Và đây cũng là di vật có niên đại lâu đời nhất còn sót lại của ngôi đình. Hàng năm, đình tổ chức lễ cầu an vào 2 ngày 15 và 16-3 âm lịch, lễ xuống giống vào đầu mùa mưa và lễ mừng lúa mới diễn ra cuối mùa mưa.
Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh, nói: “Qua nghiên cứu, khảo sát cùng những bằng chứng lịch sử thu thập được là 2 bản sắc phong Thành hoàng của vua Tự Đức ban năm 1852 cho Thành hoàng tại 2 thôn Cẩm Vinh và Tân Huệ đã chứng minh được sự có mặt của người Việt cùng văn hóa thờ cúng dân gian của người Việt Nam xuất hiện tại đây từ rất sớm. Những ngôi đình này, tự bản thân nó đã gắn liền và trở thành một chốn linh thiêng trong đời sống tâm linh người Việt đến khai phá tại vùng đất hoang sơ này để mở rộng biên giới Tổ quốc”. |
Theo ghi chép của ông Đỗ Hữu An (nguyên du kích xã Bình Thạnh những năm 1948-1950), trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình Tân Huệ đã trở thành nơi ghi dấu những hoạt động cách mạng của Đội Thanh niên tiền phong Tân Huệ cùng dân quân, du kích xã Tân Phú và xã Bình Thạnh…Thời gian này, đình còn là nơi tập kết lương thực, thuốc men, đạn dược của cơ sở cách mạng địa phương ủng hộ cho cách mạng
* Mong sớm được công nhận di tích cấp tỉnh
Đây là mong muốn của hầu hết các hộ dân sinh sống trên địa bàn xung quanh 2 đình Cẩm Vinh và Tân Huệ. Theo ông Lê Thanh Phương (64 tuổi, nguyên Phó ban quý tế đình Cẩm Vinh) và ông Đỗ Hữu Trị (62 tuổi, thành viên Ban quý tế đình Tân Huệ), từ khi mới thành lập cho đến ngày nay, đình làng Cẩm Vinh và Tân Huệ vẫn còn giữ nguyên được giá trị trong tâm thức của người dân nơi đây. Đó là nơi nhân dân gửi gắm niềm tin tâm linh của mình với mong muốn được thần linh phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, do trải qua một thời gian dài tồn tại mà ít được quan tâm tu bổ, nên tình trạng xuống cấp ở cả 2 đình đã và đang diễn ra ngày một nghiêm trọng.
Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh, cho hay: “Thời gian qua, Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh đã thực hiện nhiều đợt khảo sát, nghiên cứu và lập hồ sơ xếp hạng 2 di tích này là di tích lịch sử cấp tỉnh. Chỉ khi 2 di tích này trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh thì mới có cơ chế hỗ trợ hoặc kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ kinh phí tu bổ từ nhiều nguồn trong xã hội để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của 2 ngôi đình này”.
Văn Truyên