Từ ngày 26-4 tại Bảo tàng tỉnh, triển lãm ảnh tư liệu, kỷ vật, di vật, chuyên đề “Những kỷ vật vượt thời gian” đã mở cửa cho khách vào tham quan, tìm hiểu.
Từ ngày 26-4 tại Bảo tàng tỉnh, triển lãm ảnh tư liệu, kỷ vật, di vật, chuyên đề “Những kỷ vật vượt thời gian” đã mở cửa cho khách vào tham quan, tìm hiểu.
Ông Lưu Văn Du, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết triển lãm hiện trưng bày hơn 200 kỷ vật, di vật do các cựu tù chính trị làm ra và sử dụng trong thời gian bị giam cầm tại 6 nhà tù lớn của địch ở miền Nam, gồm: Phú Quốc, Côn Đảo, Thủ Đức, Tân Hiệp, Phú Lợi và Chí Hòa. Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu nhiều di vật của 391 liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, được tìm thấy tại phường Tam Hòa (TP.Biên Hòa) năm 1997.
* Kỷ vật của một thời...
Đến với triển lãm, khách tham quan đã bị cuốn hút bởi nhiều hiện vật do các cựu tù chính trị làm ra trong thời gian bị địch giam cầm tại các nhà tù lớn ở miền Nam. Đó là chiếc khăn len của bà Nguyễn Thị Thoại (cán bộ cách mạng, ngụ huyện Xuân Lộc, bị địch bắt giam tại Nhà lao Tân Hiệp từ năm 1961); chiếc khăn thêu của bà Lưu Thị Na (cán bộ cách mạng, ngụ TP.Biên Hòa), được bà làm ra và dùng trong Nhà lao Tân Hiệp năm 1970. Hay chiếc áo len được làm và dùng trong thời gian bị địch giam cầm tại Nhà tù Bình Đại (tỉnh Bến Tre) năm 1968 của cựu tù chính trị Nguyễn Thị Vĩnh (ngụ huyện Tân Phú). Là con dao găm tự tạo từ mảnh bom của ông Lê Cơ (ngụ huyện Định Quán) cựu tù chính trị Côn Đảo…
Người dân đến tham quan triển lãm. Ảnh: V. Truyên |
Anh Bùi Hữu Chí (25 tuổi, đoàn viên thanh niên TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Trong hoàn cảnh bị địch giam cầm với nhiều thủ đoạn đàn áp, tra tấn dã man tại nhiều nhà tù chính trị lớn ở miền Nam nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống, vào sự đấu tranh chính nghĩa của dân tộc, vào sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao tinh thần yêu nước, ra sức học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng. Đó chính là điều mà các bạn thanh niên hiện nay cần phải học tập, noi theo tấm gương của các thế hệ cha anh đi trước”.
* Tìm chủ nhân của kỷ vật
Bên cạnh các kỷ vật đã tìm được chủ nhân, tại tầng trệt của bảo tàng, trong chiếc tủ kính nhỏ được đặt trang trọng tại khu vực trưng bày, vẫn còn nhiều hiện vật chưa tìm ra được gốc tích. Đó là những di vật của 391 liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại Biên Hòa.
Một số kỷ vật của các cựu tù chính trị được trưng bày tại triển lãm. |
Trong số này, mọi người đặc biệt chú ý đến cuốn nhật ký - ký họa của một chiến sĩ giải phóng quân được tìm thấy ở khu vực ven phía Nam sân bay quân sự Biên Hòa. Cuốn nhật ký - ký họa có nhiều bức tranh ký họa chân dung hình ảnh người chiến sĩ, những giờ phút nghỉ ngơi trên đường hành quân. Bên cạnh đó, còn có những di vật là các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, như: chiếc ống nhòm, đôi dép râu, tăng võng, sổ nhật ký…
Bà Trần Thị Diêm, Trưởng phòng Trưng bày tuyên truyền Bảo tàng tỉnh, cho hay tính từ ngày khai mạc đến nay đã có trên 2 ngàn lượt người đến tham quan, tìm hiểu hiện vật tại triển lãm. Ngoài ra, hàng ngày Bảo tàng còn tiếp nhận hàng chục cuộc điện thoại của người dân tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước hỏi về các kỷ vật được trưng bày. Triển lãm dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 7-2013. |
“Khi tổ chức triển lãm, ban tổ chức rất hy vọng từ những người đến tham quan, sẽ có một ai đó có thể cung cấp thông tin về các kỷ vật này để giúp xác định chủ nhân của chúng. Tuy nhiên, dù có rất đông khách đến xem và đưa ra nhiều suy đoán khi nhìn thấy các hiện vật này, nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn thông tin nào có thể giúp ban tổ chức xác định được chủ nhân thực sự của các kỷ vật, di vật” - ông Trần Quang Toại, Phó giám đốc Sở văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh, cho biết.
Văn Truyên