Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngắm tranh thêu trên giấy dó

10:05, 03/05/2013

Vẽ trên giấy dó từng có rất nhiều người làm và thành công, nhưng thêu trên giấy dó thì không phải ai cũng thực hiện được.

Vẽ trên giấy dó từng có rất nhiều người làm và thành công, nhưng thêu trên giấy dó thì không phải ai cũng thực hiện được. 

Ngắm những bức tranh trên giấy dó do bà Nguyễn Thị Hải (52 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) thêu đặt trong các khung kính, ít ai có thể tin rằng chúng được tạo thành từ đường kim mũi chỉ.

* Tỉ mỉ từng mũi kim  

Để hoàn thành một bức tranh thêu trên giấy dó, bà Hải cho biết phải trải qua 4 công đoạn đòi hỏi sự tập trung cao độ. Trước tiên là khâu chọn giấy và vẽ phác thảo. Chọn giấy dó phải phù hợp với kích thước của bức tranh cần thực hiện, sau đó phác thảo hình vẽ khách yêu cầu lên giấy. Khi nét vẽ phác thảo đã hoàn thành, bà tiếp tục đem giấy đặt lên khung và thêu toàn bộ theo phác thảo.

Bà Nguyễn Thị Hải đang phác thảo bức tranh trên giấy dó trước khi thêu. Ảnh: V. Truyên
Bà Nguyễn Thị Hải đang phác thảo bức tranh trên giấy dó trước khi thêu. Ảnh: V. Truyên

“Giấy nói chung và giấy dó nói riêng thường không có được tính đàn hồi và liên kết chặt chẽ như vải nên đôi khi chỉ cần vô tình kéo chỉ mạnh tay một chút là sẽ làm rách giấy, phải thực hiện lại từ đầu. Để tạo màu sắc cho bức tranh, người họa sĩ chỉ cần thực hiện những động tác phớt màu lên cho bức tranh. Còn đối với thêu trên giấy dó, công đoạn này đòi hỏi ở người thực hiện phải có một sự kiên trì và nhẫn nại hơn gấp nhiều lần” - bà Hải cho biết.

Họa sĩ Nguyễn Kha Luân (Công ty Lan Anh, TP.Hồ Chí Minh) nhận xét, thêu tranh trên giấy dó do bà Hải thực hiện là một ý tưởng sáng tạo. Hy vọng với sự sáng tạo và cách làm mới này, tranh thêu nói chung và tranh thêu trên giấy dó nói riêng sẽ tạo nên được sự lôi cuốn đối với khán giả yêu nghệ thuật trong và ngoài nước.

Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong nghề thêu tranh giấy dó, bà Hải cho rằng ngoài năng khiếu, để theo đuổi và thực hiện thành công được với nghề này thì đòi hỏi người thêu tranh phải tuân thủ nguyên tắc tỉ mỉ, chính xác, giàu lòng đam mê bởi chỉ cần mũi kim đâm lệch vị trí là coi như hỏng cả một tác phẩm.

* Mang nghề mới đến với mọi người

Tính đến nay, bà Hải đã có trên 20 năm gắn bó với nghề thêu tranh và gần 2 năm trong nghề thêu tranh giấy dó.

Bà Hải yêu việc thêu thùa, vẽ tranh từ nhỏ. Năm 1982, khi trúng tuyển vào Trường đại học văn hóa TP.Hồ Chí Minh, ngày rời xa quê hương vào Nam học tập, ngoài những vật dụng cá nhân và tập sách, hành trang của bà còn có những cây bút vẽ, những hộp màu, kim chỉ và khung thêu. Đến năm 1986, sau khi tốt nghiệp bà được phân công về làm việc tại Trường đại học tổng hợp

Bức tranh Hoa cúc, một tác phẩm thêu trên giấy dó được khách hàng đánh giá cao.
Bức tranh Hoa cúc, một tác phẩm thêu trên giấy dó được khách hàng đánh giá cao.

TP. Hồ Chí Minh. Một thời gian sau, để thỏa mãn sự đam mê với nghệ thuật và tăng thu nhập cho gia đình, bà quyết định mở một phòng tranh tại TP.Hồ Chí Minh mang tên Vân Lan. Tại đây, ngoài việc tự mình sáng tác những bức tranh, khăn thêu theo yêu cầu của khách hàng, bà còn tham gia hướng dẫn và chỉ dạy cho hơn 100 người có nhu cầu theo học với các môn, như: hội họa, thêu tranh trên vải và nặn hoa đất sét.

Năm 2010, gia đình bà Hải từ TP. Hồ Chí Minh về vùng đất Nhơn Trạch để bắt đầu một cuộc sống mới. Tại nơi ở mới, phòng tranh Vân Lan đã thu hút rất đông người dân trong xã Vĩnh Thanh đến xem và tìm hiểu.

Với mong muốn nhân rộng và truyền đạt kinh nghiệm thực hiện những tác phẩm thêu trên giấy dó đến với đông đảo công chúng, bà Hải đã liên hệ với chính quyền xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) để trong tháng 6 này có thể mở một lớp dạy vẽ và thêu trên giấy dó cho người dân nơi đây, giúp họ có thêm một nghề mới để tăng thu nhập.

Cách đây gần 2 năm, có một khách hàng tại TP.Hồ Chí Minh tìm đến phòng tranh để tham quan, sau khi xem hết lượt các tác phẩm được trưng bày tại đây, người khách gợi ý bà nên sáng tạo tranh trên nền những chất liệu mới. Từ ý tưởng này, bà bắt đầu nghĩ đến việc lựa chọn chất liệu mới, với mong muốn thử tạo nên những tác phẩm độc đáo hơn. Sau nhiều lần thử sức với các vật liệu khác, như: đá, tre, gỗ…, bà đã tìm được chất liệu phù hợp cho những bức tranh thêu của mình, đó là giấy dó. Ngày báo tin cho người khách kia về việc tìm ra cách thêu tranh trên giấy dó, cũng là ngày bà nhận được đơn đặt hàng đầu tiên với 20 bức tranh thêu.

Hiện nay, sản phẩm tranh thêu trên giấy dó của bà Hải luôn trong tình trạng “cháy” hàng vì lượng khách đặt đông mà để hoàn thành một bức tranh, phải mất ít nhất là từ 5-7 ngày miệt mài.

Văn Truyên

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều