Để cải thiện “bữa ăn” tinh thần cho khán giả, ngoài việc nỗ lực có thêm vở diễn mới, Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai đã thêm “món” xiếc ảo thuật trong các buổi biểu diễn và đang nhận được sự hưởng ứng từ khán giả.
Để cải thiện “bữa ăn” tinh thần cho khán giả, ngoài việc nỗ lực có thêm vở diễn mới, Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai đã thêm “món” xiếc ảo thuật trong các buổi biểu diễn và đang nhận được sự hưởng ứng từ khán giả.
Sau khi xem xong chập cải lương Bác sĩ tâm thần chữa bệnh được Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai “pha” nghệ thuật cải lương với xiếc ảo thuật, chị Nguyễn Lan Thanh, công nhân Nông trường cao su Thái Hiệp Thành (xã Bàu Cạn, huyện Long Thành), cho biết: “Đây thực sự là một “món ăn lạ” mà các nghệ sĩ cải lương mang đến cho chúng tôi. Tôi thích nhất là tình huống bác sĩ trong vở diễn cầm cưa máy “cưa” đôi bệnh nhân ra, rồi ghép lại chỉ trong tích tắc”.
* “2 trong 1”
Theo đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân, Trưởng đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai Giang Mạnh Hà, nghệ thuật cải lương luôn đứng trước yêu cầu phải tự làm mới mình. Chính vì thế, để thu hút khán giả, ngoài việc nỗ lực xây dựng các vở diễn mới, đoàn đã lồng ghép nghệ thuật xiếc ảo thuật với các câu chuyện có nội dung, có xung đột kịch tính hòa theo dòng chảy chung nội dung vở diễn cải lương. Điều đặc biệt là các tiết mục đều do chính các nghệ sĩ cải lương của đoàn biểu diễn.
Tiết mục xiếc, ảo thuật “Bác sĩ tâm thần chữa bệnh” do Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai biểu diễn phục vụ khán giả tại Nông trường Thái Hiệp Thành (xã Bàu Cạn, huyện Long Thành). |
Cũng theo ông Giang Mạnh Hà, tính đến thời điểm này, đoàn đã thực hiện biểu diễn được hơn 70 buổi với 7 tiết mục xiếc ảo thuật mới, như: Người bay trên không, Phù thủy cưa người làm sáu khúc, Sắc màu mùa xuân… Qua các buổi biểu diễn, tín hiệu vui với anh em nghệ sĩ trong đoàn là công chúng đón nhận khá hồ hởi và đầy ngạc nhiên. Sự thành công bước đầu của đoàn trong việc đưa nghệ thuật xiếc ảo thuật xen lẫn với nghệ thuật cải lương được cho là hướng đi mới trên con đường chinh phục khán giả.
* Tự làm mới mình
Các sân khấu nghệ thuật truyền thống, như: tuồng, chèo, cải lương… đã và đang có xu hướng ngày càng ít đi lượng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Đăng Hoan, một khán giả của TP.Biên Hòa thì “Khán giả chúng tôi bây giờ như những “thực khách”, không phải “ăn” cho no mà “ăn” là phải ngon. Nếu nghệ thuật cải lương có “món mới” chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền ra “ăn” thử”.
Đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân, Trưởng đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai Giang Mạnh Hà: “Để cho ra đời những tiết mục mới đòi hỏi nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn phải nỗ lực rất lớn, từ sự sáng tạo sáng tác kịch bản, luyện tập, chuẩn bị đạo cụ... Rất mừng là chúng tôi đã có một nhà hát của riêng mình và các tiết mục biểu diễn kết hợp bước đầu đã tạo hiệu ứng tốt cho khán giả. Dù biết là khó khăn nhưng chúng tôi xác định phải làm mới mình để thường xuyên đưa các tiết mục mới đến với công chúng”. |
Theo Phó đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai Đoàn Văn Hùng, tập thể cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của đoàn luôn xác định rằng, nghệ thuật phải có sự sáng tạo. “Chúng tôi đã và đang quyết tâm ban ngày ráng luyện tập, ban đêm nỗ lực cống hiến cho khán giả thêm những “món ăn” mới thực sự hấp dẫn” - ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, đoàn quyết định “kết duyên” cùng nghệ thuật xiếc như một sự thử sức đầy táo bạo, bởi “chúng tôi không chỉ muốn lấy xiếc như một chiêu để thu hút khán giả đến với các buổi diễn, mà còn muốn sự kết hợp này như một sự đổi mới tích cực, làm tăng tính nghệ thuật cho cải lương, cũng là phù hợp với nhu cầu thực tế của công chúng hiện nay”.
Nghệ sĩ ưu tú Ngân Vương, một trong những nghệ sĩ gắn bó lâu năm với Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai, chia sẻ: “Dù cải lương và xiếc là sự kết hợp mới, nhưng được lãnh đạo đoàn xác định là một hướng đi rất cần thiết hiện nay nên anh em nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn đã và đang cố gắng tập luyện một cách rất nghiêm túc. Chúng tôi chỉ mong sao sân khấu cải lương có một hơi thở mới, một luồng gió mới, có thể đáp ứng những nhu cầu của khán giả”.
Văn Chính