Báo Đồng Nai điện tử
En

Ký ức phụ nữ miền Đông

10:05, 31/05/2013

30 gương mặt phụ nữ miền Đông góp mặt trong quyển Ký ức phụ nữ miền Đông đều có xuất thân, hoàn cảnh riêng nhưng đều gặp nhau ở một điểm chung: giàu lòng yêu nước, căm thù bọn giặc áp bức, giết hại đồng bào.

30 gương mặt phụ nữ miền Đông góp mặt trong quyển Ký ức phụ nữ miền Đông đều có xuất thân, hoàn cảnh riêng nhưng đều gặp nhau ở một điểm chung: giàu lòng yêu nước, căm thù bọn giặc áp bức, giết hại đồng bào.

Sinh ra trong chế độ phong kiến đè nén, kìm hãm người phụ nữ, trước Cách mạng tháng Tám 1945, thân phận của họ hết sức mờ nhạt, sống lặng lẽ như những chiếc bóng bên lề xã hội, thậm chí ngay trong chính gia đình mình. Hầu hết những người phụ nữ ấy “chữ nghĩa chưa đầy cái lá mít”, có người thất học không biết đọc cả tên mình, nhưng khi cách mạng đem đến cho họ một cái nhìn mới, ý thức mới và vị trí mới, họ đã phấn đấu vượt lên bao gian nan, khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ. Và những gì họ đã học hỏi, trưởng thành từ trường học lớn cách mạng thật quý giá.

Làm sao người đọc quên được hình ảnh người nữ biệt động Lê Thị Hai (tỉnh Tây Ninh) bị sa vào ổ phục kích của địch, vẫn gan dạ chụp nòng súng địch đẩy lên trời, chịu bỏng hai tay khi súng cướp cò nổ hết cả 2 băng đạn, rồi nhân cơ hội chúng còn bàng hoàng đã lẩn ngay vào giữa đội hình của chúng để thoát thân - một câu chuyện ly kỳ không kém phim hành động. Hay hình ảnh của bà Lê Minh Hồng (Bà Rịa), một nách 6 con, chồng hy sinh, vẫn lãnh đạo phong trào đấu tranh công khai của lực lượng quần chúng suốt từ Bà Rịa lên tới Sài Gòn chống lại trò bầu cử độc diễn của chính quyền ngụy, đòi thi hành Hiệp định Paris, chống bắn pháo bừa bãi. Rồi hình ảnh của bà Nguyễn Thị Điệp (TP. Hồ Chí Minh) thành lập, chỉ huy một đường dây tiếp tế lương thực, thuốc men cho cách mạng ngay trong lòng địch. Cả một hệ thống giao liên từ Trung ương Cục miền Nam xuống đến các Tỉnh ủy, Huyện ủy và ngược lại đã được hình thành từ đôi quang gánh của người phụ nữ bán dạo, trong cặp sách cô học trò, trong yên xe cô công nhân... đầy sáng tạo, mưu trí đến không ngờ.

Đọc những dòng hồi ức, để thấy rằng đó là những phụ nữ rất đỗi bình thường, từ làng quê nghèo ra đi theo cách mạng. Họ cũng đau nỗi đau mất chồng khi con chưa đầy tháng, thậm chí con sinh ra không thấy được mặt cha như bà Lưu Thị Hoa (Bình Dương); nén lòng dứt con ra khỏi bầu sữa mẹ để thuận lợi hoạt động như bà Huỳnh Thị Phượng (Bình Sơn), đêm đêm nghe tiếng khóc trẻ thơ mà lòng như đứt từng đoạn ruột. Kiên cường bất khuất trong ngục tù, chấp nhận hy sinh như bà Ngô Thị Bảy Bê (Đồng Nai), Đặng Thị Hiệt (Tây Ninh). Vậy, sức mạnh nào đã đưa những người phụ nữ bình thường ấy trở thành phi thường? Chính là tình yêu thiêng liêng nhất: Tổ quốc, như bà Lê Thị Huệ, nguyên Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc đã khẳng định.

Không chỉ là những chiến công, thành tích anh hùng trong 2 cuộc kháng chiến lớn của đất nước, Ký ức phụ nữ miền Đông còn đưa người đọc đến với những giá trị văn hóa dân tộc thông qua hồi ức mộc mạc mà sâu sắc của từng nhân vật. Đọc, để hiểu nền “văn hóa cau” xứ Phước Long (Nhơn Trạch), nghề tráng bánh ở vùng Trảng Bàng (Tây Ninh), biết thêm về bối cảnh những làng quê miền Đông thuở xa xưa... Những bài viết trong sách, có người tự tay viết lấy, có người chấp bút thông qua lời kể, thậm chí có những liệt sĩ chỉ được vẽ nên chân dung thông qua người thân, đồng đội, nhưng tất cả đều được xây dựng trên nền người thật, việc thật nên giàu tính lịch sử, văn hóa và nhân văn.

Linh Lan

* Ký ức phụ nữ miền Đông do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp thực hiện nhân dịp họp mặt  truyền thống cơ quan Hội Phụ nữ giải phóng khu Đông Nam bộ lần thứ 15 (tháng 5-2013). Sách do Nhà xuất bản Đồng  Nai ấn hành.

 

 

Tin xem nhiều