Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai lần thứ I - năm 2013 (vừa kết thúc chiều ngày 18-4) đã thu hút 948 thí sinh tham gia tranh tài ở nhiều nội dung, như: thi đấu bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố…
Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai lần thứ I - năm 2013 (vừa kết thúc chiều ngày 18-4) đã thu hút 948 thí sinh tham gia tranh tài ở nhiều nội dung, như: thi đấu bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố… Trong đó, nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả nhiều hơn cả chính là phần thi ẩm thực và chương trình văn nghệ với những tiết mục thể hiện bản sắc của từng dân tộc.
Ông Điểu Tám (35 tuổi, dân tộc Chơro, đoàn Thống Nhất) cho biết đến với ngày hội lần này, đoàn diễn viên quần chúng, nghệ nhân của huyện đã giới thiệu đến khán giả những lời ca tiếng hát thể hiện được những nét độc đáo, rất riêng của dân tộc mình.
* Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa
Đó là những động tác múa uyển chuyển, khi nhịp nhàng thanh thoát, khi sôi động mãnh liệt như thác đổ trong bài ca múa Đêm chiều Sayangva; là âm vang của đại ngàn réo gọi trong tiếng cồng chiêng khi mạnh mẽ dứt khoát, lúc dập dìu trầm bổng trong bài Múa cồng chiêng được sử dụng trong các nghi lễ chào mừng năm mới và đón những sự kiện vui của đồng bào dân tộc Chơro. Hay đó là những tiết mục ca múa mang đậm bản sắc Chăm với những bài hát đã trở nên quen thuộc với mọi người, như: Apsara, Tình làng gốm... được khán giả có mặt tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh theo dõi hết sức chăm chú, để rồi sau đó là những tràng pháo tay tán thưởng không ngớt.
Một tiết mục trong đêm thi văn nghệ. Ảnh: S. Thao |
Ông Ngư Triều Huy (32 tuổi, dân tộc Chăm, đoàn Vĩnh Cửu) chia sẻ, ngoài việc mang đến ngày hội những tiết mục văn nghệ đặc sắc của dân tộc mình, các thành viên dân tộc Chăm còn muốn giới thiệu đến người dân trong tỉnh những trang phục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Chăm. Trong đó, người nam mặc áo cánh xẻ cổ màu sáng, đầu quấn khăn trắng (loại khăn trắng có thêu dệt hoa văn ở các mép vải và 2 bên đầu khăn cũng như các tua vải) theo hình chữ nhân; nữ mặc váy phủ kín chân cùng với chiếc khăn dài quấn từ đầu phủ kín xuống vai.
Ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc, Trưởng ban Tổ chức cho biết: “Đến với Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai lần thứ I - 2013 này, mỗi đoàn còn mang đến những món ẩm thực đặc trưng của dân tộc mình để giới thiệu với đông đảo công chúng có mặt trong ngày hội”. Đó là vị thơm ngọt của món canh bồi - đọt mây; là vị thơm béo của món cơm lam - nước cốt dừa và là mùi thịt thơm nồng của món thịt nướng với mè - 3 món ăn truyền thống chính của cộng đồng dân tộc Chơro huyện Định Quán. Hay là vị cay và thơm nồng của món cà ri Ấn Độ, một món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Chăm tại huyện Long Thành; hoặc như mùi vị béo ngậy của món khâu nhục - cơm lá sen của cộng đồng người Hoa; và là hương vị đặc trưng trong món canh Sim Lo với nhiều nguyên vật liệu được gia công chế biến tạo thành một món ăn đặc trưng của người dân tộc Khmer tại TX. Long Khánh…
* Góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống
Ông Điểu Bảo chia sẻ, thông qua ngày hội, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được giới thiệu rộng rãi và nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía công chúng. Điều này sẽ góp phần rất lớn trong việc tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và khôi phục lại một cách rất tự nhiên các giá trị truyền thống trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
Em Ka Thị Ngọc Diệu (17 tuổi, dân tộc Châu Mạ) hiện đang theo học tại Trường phổ thông năng khiếu thể thao Đồng Nai nói, lần đầu tiên em được nhìn thấy nhiều tiết mục ca múa hết sức sinh động của đồng bào các dân tộc, trong đó có những điệu múa của dân tộc Châu Mạ của mình.
“Lần đầu tiên tổ chức, nhưng với số lượng các đoàn cùng các vận động viên tham gia, ngày hội thực sự là một hoạt động văn hóa - thể thao lớn của toàn thể các dân tộc trong tỉnh. Qua đó cũng cho thấy sự cần thiết của một sân chơi, một ngày hội bổ ích dành cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Một số khó khăn, thiếu sót còn tồn tại trong ngày hội này sẽ được ban tổ chức đánh giá và rút kinh nghiệm để những ngày hội sau này ngày càng hoàn thiện hơn” - ông Điểu Bảo nhận định.
Sông Thao