Từ rất lâu, lễ giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày giỗ trọng đại của cả dân tộc. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ và hướng về vùng đất Tổ thuộc xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Từ rất lâu, lễ giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày giỗ trọng đại của cả dân tộc. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ và hướng về vùng đất Tổ thuộc xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Tuy là năm lẻ, nhưng không khí tổ chức lễ hội năm nay rộn ràng và phấn khởi hơn bao giờ hết. Bởi ngoài hát xoan - một loại hình nghệ thuật tại tỉnh Phú Thọ đã được công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại năm 2011, ngày 13-4, tại đêm khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2013, UNESCO chính thức trao bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
* Giỗ Tổ trong tiến trình lịch sử
Theo sách Hùng Vương và lễ hội đền Hùng của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn: “Xưa kia, việc cúng Tổ được cử hành vào ngày 12-3 âm lịch hàng năm. Thường khi con cháu ở xa về làm giỗ trước một ngày (ngày 11-3 âm lịch). Đến đời nhà Nguyễn định lệ 5 năm mở hội một lần, có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và người chủ tế địa phương cúng vào ngày 10-3 âm lịch. Do đó, ngày giỗ Tổ sau này mới là ngày 10-3 âm lịch hàng năm”. Và “Lễ giỗ Tổ được chia làm 2 phần: lễ và hội. Trong đó, phần lễ bao gồm phần tế lễ của triều đình được thực hiện trước, sau đó đến phần lễ của dân. Có 41 làng được rước kiệu từ đình làng mình đến đền Hùng. Đó là những cuộc hành lễ thể hiện tính tâm linh và nhân văn sâu sắc…Phần hội gồm các trò chơi dân gian, như: đánh vật, đu tiên, ném cờ, cờ người, bắn cung nỏ và đặc biệt là các đêm hát xoan, hát ghẹo - hai làn điệu dân ca độc đáo của vùng đất Phú Thọ”.
Người dân Đồng Nai dâng lễ vật giỗ Tổ Hùng Vương tại phường Bình Đa, TP. Biên Hòa vào lễ giỗ năm 2012. Ảnh: Phương Liễu |
Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (năm 1945), kế tục truyền thống của cha ông, đạo đức uống nước nhớ nguồn của dân tộc, tại lễ giỗ Tổ năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng, lúc bấy giờ là Phó chủ tịch nước, đã thay mặt Chính phủ lên làm lễ dâng hương tại đền Hùng. Kháng chiến chống Pháp nổ ra, do chiến tranh ác liệt nên việc đèn hương nơi mộ Tổ được nhân dân vùng quanh đền Hùng đảm nhận. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, ngày 19-9 năm đó, tại đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
* Đồng Nai cùng cả nước hướng về đất Tổ
Theo số liệu thống kê từ Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, cả nước có 1.417 cơ sở thờ tự Quốc Tổ Hùng Vương. Riêng Đồng Nai có 4 điểm thờ tự, gồm: 2 đền thờ Hùng Vương, 1 đền thờ Lạc Long Quân và 1 đền thờ Âu Cơ. Trong số này, đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương thuộc phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) là có quy mô lớn hơn cả. Đền được xây dựng từ năm 1968, đến năm 1971 thì hoàn thành, do 14 vị trưởng lão xã Tam Hiệp vận động nhân dân trong vùng đóng góp lập ra. Ngoài việc thờ vọng Quốc Tổ Hùng Vương, đền còn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Trưởng đoàn Đồng Nai tham dự lễ giỗ Tổ tại tỉnh Phú Thọ, cho biết: “Lễ giỗ Tổ năm nay, Đồng Nai vinh dự là một trong 8 tỉnh, thành trong cả nước (bao gồm: Lạng Sơn, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Bình Định, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) được chọn để tiến hành dâng lễ vật về đất Tổ. Đây là một vinh dự rất lớn, qua đó thể hiện được tấm lòng của người dân Đồng Nai đối với vùng đất Tổ thiêng liêng của dân tộc. |
“Mỗi năm, đến ngày giỗ Tổ, người dân trong thành phố lại nô nức về đây dự hội và dâng lễ vật lên các Vua Hùng với không khí hết sức linh thiêng và trang trọng. Đây là phương pháp giáo dục truyền thống mang lại hiệu quả thiết thực. Bởi cho dù ở miền đất phương Nam cách xa quê hương đất Tổ linh thiêng nhưng đi đến đâu, làm bất cứ việc gì, mỗi người dân Việt Nam nói chung, TP. Biên Hòa và Đồng Nai nói riêng đều có chung một cội nguồn, một ngày giỗ Tổ thiêng liêng” - ông Phạm Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết.
Sông Thao