Trăn trở hoài, không chợp mắt ngủ trưa được, tui cầm tờ báo sang nhà anh Tư Bốn. Thấy anh cũng đang đọc báo, tui “khai cuộc” liền, bỏ qua chào hỏi xã giao:
Trăn trở hoài, không chợp mắt ngủ trưa được, tui cầm tờ báo sang nhà anh Tư Bốn. Thấy anh cũng đang đọc báo, tui “khai cuộc” liền, bỏ qua chào hỏi xã giao:
- Tui qua anh cũng vì mấy bài báo. Thấy nêu cái vụ cảng Kê Gà liên quan đến dự án nhôm nhiếc Nhân Cơ, Tân Rai gì đó, chuyện này động nhân tâm, nói hoài sao không thấy có cách nào êm đẹp. Các cấp thẩm quyền liệu có nghe, có thấy không hả anh Tư?
Tư Bốn tháo kính, rời khỏi võng, đủng đỉnh ngồi vào bàn, tay rót nước, mắt nhìn tui như có gai có móc:
- Uống miếng nước đi. Anh hỏi chuyện NGHE và THẤY lúc này để làm gì? Anh còn nhớ các vị Thuận Phong Nhĩ và Thiên Lý Nhãn trong truyện Phong thần không?
- Nghe được nghìn dặm, nhìn thấy nghìn dặm chứ gì? Sau tết, đi đền chùa, thằng cháu tui thấy có hai vị thần, một vị che tai để lắng nghe, một vị che mắt để nhìn rõ, nó hỏi, tui có giải thích đó là hai vị linh thần “tai mắt” của trời phật, thành hoàng. Nhưng, điều này có liên quan gì đến câu hỏi của tui?
Tư Bốn giở bài triết lý, giọng chậm rãi, khều khào thấy ghét:
- Thì anh nghĩ đi! NGHE và THẤY là vấn đề cơ bản của con người. Trời ban cho mỗi người có “cửu khiếu” (chín lỗ), trong đó các bộ phận để ăn uống, xả thải, sinh sản, xức dầu cù là... chỉ có một, nhưng mắt phải có hai để nhìn cho rõ, tai cũng có hai để nghe cho thấu, thậm chí hai lỗ tai ở hai hướng khác nhau để nghe cho được nhiều chiều. Các bậc thánh nhân cũng nhờ nghe thấu, thấy rõ mà chinh phục thiên hạ. Các bậc thần tiên được con người tôn kính thường ở kỹ năng nghe - nhìn khác thường. Tôn Ngộ Không có tai mắt thần thông, Bồ tát Quan thế âm được phụng thờ nhiều nhất. Trường hợp thờ cúng ở các đền miếu, chùa chiền, thường có Thiên Lý Nhĩ, Thiên Lý Nhãn ở chính điện để chuyên trách việc nghe thấu - nhìn rõ thế gian của phúc thần. Cho nên, trong tâm thức của ông bà mình, kỹ năng NGHE - NHÌN được xem là phẩm chất quan trọng của thường nhân cũng như vĩ nhân để tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Bực mình vì lý lẽ dài dòng của Tư Bốn, nhưng tui thấy cũng có lý. Thấy có lý nhưng vẫn chưa hiểu anh ta muốn nói gì:
- Tui đang hỏi chuyện dưới đất, sao anh nói chuyện trên trời vậy? Rốt cuộc, có ai nghe - nhìn thấy được sự việc tui hỏi không?
- Việc trời không rời việc đất. Vấn đề không phải là “có nghe - thấy được không” Mà là: “Có muốn nghe - thấy không” Thời xưa, cá thể vĩ nhân khó thể tự nghe thấu - nhìn rõ chuyện nhân gian nên phải nhờ đến linh thần Thuận Phong Nhĩ, Thiên Lý Nhãn. Bây giờ, các cấp thẩm quyền không có hai vị linh thần ấy vì đã có đủ thứ phương tiện nghe - nhìn hiện đại, có cả hệ thống cơ quan, tổ chức, đoàn thể đủ chức năng truyền thông, báo cáo, kiểm tra, giám sát; thông tin đến tận giường ngủ của mọi người nhanh hơn làn gió. Vấn đề là ở chỗ: Cách nghe, cách nhìn và thái độ sau nghe - nhìn.
Tui bứt tóc muốn sói trán vẫn chưa hiểu nổi ý Tư Bốn muốn nói gì? Anh đổi giọng như để nén điều gì sắp trào ra khỏi lồng ngực:
- Thần thoại Hy Lạp có chuyện kể rằng: Vua Ơ Đip vì muốn nghe, muốn hiểu rõ sự thật: Ai giết cha mình? mẹ mình là ai mà phải chịu khổ đau bởi bi kịch “Ơ Đip làm vua”? Đó là bi kịch của nhận thức. Bây giờ, người ta khôn hơn, biết rút kinh nghiệm: Nhiều việc nhỡn tiền vẫn cứ vờ như không nghe, không thấy. Có người gọi đó là “Chủ nghĩa mặc kệ nó”, viết tắt là MAKENO.
- Tui hổng hiểu nổi, vì sao vậy hả anh Tư?
Tư Bốn không trả lời, khe khẽ đọc một đoạn cuối trong bài hát của Hoàng Châu: “Đừng để tôi nhìn thấy anh cùng ai chung vai. Quả tim không ai bóp nhưng lại đau. Đừng để tôi được nghe, nghe miệng đời thế gian. Vì nhân gian hay có câu: tai không nghe, mắt không thấy, tim sẽ không đau”.
Tui muốn nổi khùng:
- Anh Tư! Tui hỏi anh về cái việc cảng Kê Gà, anh cà kê dê ngỗng dẫn chuyện Phong thần, Thuận Nhĩ, Thiên Nhãn đến Hoàng Châu. Vậy nghĩa là sao hả anh Tư?
Tư Bốn quay mặt đi, lẩm bẩm, không biết đó có phải là câu trả lời không?
- Không nghe, không thấy, tim sẽ không đau!
Tui tức điên lên. Nhưng điên mà làm gì được cái anh Tư Bốn này. Chỉ có thể chửi một câu rồi lầm lũi ra “dzìa”:
- Thằng cha Tư Bốn mắc dịch! Cái đồ... vi rút MAKENO gặm!
Ong Mật