Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn TP. Biên Hòa: Chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân

09:11, 23/11/2012

 

TP. Biên Hòa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng cao, nhưng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động này lại đang trong tình trạng xuống cấp.

 

 

TP. Biên Hòa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng cao, nhưng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động này lại đang trong tình trạng xuống cấp.

TP. Biên Hòa có 30 phường, xã, nhưng theo số liệu thống kê của Phòng Văn hóa - thông tin, trên địa bàn hiện chỉ có 1 trung tâm văn hóa - thể thao cấp thành phố, 7 trung tâm văn hóa, thông tin - học tâp cộng đồng cấp phường, xã và 4 nhà văn hóa cấp phường. Theo ông Nguyễn Văn Bông, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP. Biên Hòa, hầu hết các thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến phường, xã được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển nhiều loại hình văn hóa - thể thao phục vụ nhân dân.

* Vừa xuống cấp, vừa bất hợp lý

Trong đó, Rạp hát Nam Hà (nay là Trung tâm Văn hóa - thể thao TP. Biên Hòa) là một ví dụ điển hình. Nằm ở vị trí trung tâm của TP.Biên Hòa nhưng hiện rạp hát đang trong tình trạng gần như không hoạt động do cơ sở vật chất xuống cấp. Hiện địa điểm này một năm chỉ tổ chức một vài hội thi, hội diễn, nơi hoạt động của một vài câu lạc bộ.


Trung tâm Văn hóa - thể thao TP.Biên Hòa hiện đang trong tình trạng xuống cấp.          Ảnh: N.Sơn
Trung tâm Văn hóa - thể thao TP.Biên Hòa hiện đang trong tình trạng xuống cấp. Ảnh: N.Sơn

 

Tương tự là trường hợp Nhà văn hóa phường Trung Dũng. Nằm ngay trên đường 30-4 nhưng người đi đường phải khó khăn lắm mới nhìn thấy tên nhà văn hóa phường. Ông Lê Thanh Đăng, Phó chủ tịch UBND phường cho biết, nhà văn hóa hoạt động phụ thuộc vào thời tiết, trời mưa là không tổ chức gì được vì nước ngập lênh láng, cột kèo đã mục. “Địa điểm này đã được quy hoạch để xây dựng trụ sở dịch vụ hành chính công từ nhiều năm nay nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có động tĩnh gì. Trong thời gian chờ đợi, phường chỉ dám sửa chữa nhỏ để làm nơi tổ chức các hoạt động”- ông Đăng nói.

Trong khi đó, tại một số phường có trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng nhưng lại được xây dựng ở địa điểm không hợp lý, như: xã Tam Phước, Phước Tân, Tân Phong... Ông Trần Hoàng Huân, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng phường Tân Phong cho biết, trung tâm được bố trí xây dựng sâu trong hẻm, chỉ phục vụ được một bộ phận người dân ở các khu phố 1, 2, 3 và 4; các khu phố còn lại người đến rất hạn chế. Vì vậy, trung tâm cũng gặp không ít khó khăn trong việc mở lớp mà không có người học.

* Khuyến khích xã hội hóa thiết chế văn hóa

Theo ông Nguyễn Văn Bông, khó khăn lớn nhất hiện nay để xây dựng các thiết chế văn hóa là vấn đề quỹ đất - điều kiện để kêu gọi đầu tư do vướng khu dân cư gây khó khăn cho công tác đền bù giải tỏa; nguồn kinh phí ngân sách đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa nói chung còn hạn chế; phương tiện trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động văn hóa - thông tin còn nghèo nàn, lạc hậu chưa theo kịp với phát triển chung. Thêm vào đó, các văn phòng khu phố, ấp do tận dụng cơ sở cũ nên rất chật hẹp, trang thiết bị nghèo nàn việc chuyển đổi sang nhà văn hóa khu phố, ấp gặp khó khăn...

Trước thực trạng xuống cấp của các thiết chế, ngành văn hóa TP. Biên Hòa đã có kế hoạch về việc xây dựng các thiết chế văn hóa từ nay đến năm 2015. Trong đó, thành phố sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất hiện có để phục vụ đến năm 2015; quy hoạch quỹ đất xây dựng thành phố theo hướng lâu dài tại trung tâm đô thị mới phường Thống Nhất; xây dựng mới 10 trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng cấp phường, xã; chuyển đổi 115/189 văn phòng khu phố, ấp có diện tích từ 100m2 trở lên thành nhà văn hóa khu phố, ấp...

Ông Phạm Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa cho biết, từ trước đến nay, nguồn kinh phí Nhà nước chi cho hoạt động văn hóa có hạn, hoạt động của các thiết chế văn hóa chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Trên cơ sở này, để hoàn thành kế hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa từ nay đến năm 2015, trước mắt, các hoạt động văn hóa ở khu phố, ấp, xã, phường vẫn được triển khai thực hiện tùy vào điều kiện của địa phương, lồng ghép với các hoạt động thông tin, tuyên truyền. Về lâu dài, thành phố sẽ tiếp tục khuyến khích xã hội hóa cơ sở vật chất cũng như hoạt động của các thiết chế văn hóa phục vụ chính nhu cầu người dân.

Nga Sơn

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều