Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực làm mới cải lương…

09:11, 04/11/2012

Lễ bế mạc vào tối 3-11 đã khép lại Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 tại Đồng Nai. Từ liên hoan, đã mở ra một hướng đi mới cho cải lương với đề tài hiện đại.

Lễ bế mạc vào tối 3-11 đã khép lại Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 tại Đồng Nai. Từ liên hoan, đã mở ra một hướng đi mới cho cải lương với đề tài hiện đại.

NSƯT Đỗ Kỷ, Phó trưởng phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TTDL) nhận xét, 27 vở diễn với đề tài hiện đại đã chứng minh sự cần thiết viết về đề tài này nếu muốn cải lương thay đổi, thích nghi với cái mới. Đây còn là dịp để các tác giả, nghệ sĩ, đạo diễn theo sát được hiện thực cuộc sống, bằng ngôn ngữ nghệ thuật đưa cải lương đổi mới theo đúng như tên gọi của mình.

* Dung nạp và thích nghi

Theo đánh giá của NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc, các vở diễn tham gia liên hoan khá đa dạng về đề tài. Có những vở khai thác các chủ đề mang tính thời đại (Cội nguồn, Biển và bờ, Vượt qua tâm bão), tình yêu với những ngang trái éo le (Mê cung, Dòng nhớ, Nỗi đau sợi tơ đồng), hoặc những mâu thuẫn, xung đột đời thường, phản ánh những bức xúc của cuộc sống (Mong gió đừng đổi chiều, Giậu mồng tơi gẫy rập, Tiếng vạc sành, Một phút - một đời). Một số vở đã đụng đến được các vấn đề “nóng” của xã hội. Điều này cho thấy sân khấu cải lương hiện đại đã theo kịp bước tiến của cuộc sống. Các tác giả đã không tránh né sự thật, mạnh dạn đưa lên sàn diễn những mặt trái của cuộc sống, những hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo lý, những trò lọc lừa man trá, háo danh thực dụng, chạy theo vật chất, đồng tiền. Nhưng không chỉ bày ra mảng tối, chủ đích của các đề tài vẫn là đề cao tính chân, thiện, mỹ, hướng khán giả đến với cái đúng, điều tốt đẹp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí trao huy chương cho các nghệ sĩ tại liên hoan.     Ảnh: H.NAM
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí trao huy chương cho các nghệ sĩ tại liên hoan. Ảnh: H.NAM

Các đạo diễn cũng góp phần “làm mới” cho cải lương rất nhiều. Các thủ pháp xử lý thời gian, không gian, dàn kịch, minh họa bằng múa, hình thể đám đông đã được nhiều đạo diễn sử dụng, đem lại cái nhìn mới mẻ cho khán giả. Bên cạnh những đạo diễn tên tuổi, như: NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Giang Mạnh Hà, NSƯT Hoa Hạ, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai, đã xuất hiện những gương mặt trẻ, như: Kiều Mỹ Dung, Dương Bảo Hoàng, Trung Tín với những sự phá cách, mạnh mẽ và sáng tạo đã tạo được dấu ấn riêng, hứa hẹn một lực lượng kế thừa cho sân khấu cải lương.

Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai thắng lớn

Vượt qua nhiều vở diễn khác, Vượt qua tâm bão của Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai là một trong ba vở diễn đoạt HCV tại liên hoan. Bên cạnh đó, 4 nghệ sĩ của đoàn cũng đoạt 2 HCV và 2 HCB, gồm: NSƯT Quế Anh, NSƯT Ngân Vương (HCV), nghệ sĩ Chiêu Hùng, nghệ sĩ Lê Thanh (HCB). Một vở diễn khác do NSND Giang Mạnh Hà làm đạo diễn cũng đoạt HCB, đó là Biển và bờ của Đoàn nghệ thuật cải lương Hải Phòng.

Góp mặt ở liên hoan lần này, hầu như đoàn nào cũng xuất hiện nghệ sĩ ca hay, diễn tốt, biết diễn trong ca và ngược lại, bớt được lối diễn ủy mị, sướt mướt của kiểu cũ. Không gian sân khấu cũng được khéo léo kết hợp cả hai phong cách tả thực và ước lệ, vừa phục vụ được ý đồ đạo diễn mà vẫn có tính mỹ thuật. “Có thể nói, ở liên hoan này, cải lương đã được làm mới mà vẫn giữ được truyền thống, giữ được chất cốt lõi của cải lương không rơi vào kịch hóa. Đây là điều rất đáng mừng”, NSƯT đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận xét.

* Không có vở diễn “xếp kho”

Một nét mới khác ở liên hoan là hầu hết vở diễn tham gia liên hoan đều được các đoàn lên lịch biểu diễn sau khi trở về. Ông Khưu Minh Chiến, Trưởng đoàn cải lương Cao Văn Lầu (tỉnh Bạc Liêu) vui vẻ cho biết, đoàn đã có lịch đưa vở diễn Một phút - một đời đi lưu diễn tại các địa phương. Với sự đón nhận của khán giả Biên Hòa trong buổi công diễn vào sáng 30-10, ông Chiến tin tưởng vở cũng sẽ thành công đối với khán giả tỉnh nhà.

Tại Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc lần này, một số giám khảo đồng thời là tác giả kịch bản, đạo diễn cho một số đoàn tham gia liên hoan, như: tác giả Lê Duy Hạnh (vở Cội nguồn, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), NSND đạo diễn Giang Mạnh Hà (vở Vượt qua tâm bão Đoàn cải lương Đồng Nai, vở Biển và bờ Đoàn cải lương Hải Phòng), NSƯT đạo diễn Trần Minh Ngọc (vở Giọng hò Đồng Tháp Đoàn văn công Đồng Tháp). Để đảm bảo công bằng trong việc chấm giải, Ban tổ chức liên hoan đã quy định những giám khảo trên sẽ không tham gia chấm vở diễn mình tham gia.

Với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - đơn vị được đánh giá là thắng lớn khi có 2/3 vở đều đoạt giải, bà Quỳnh Mai, Phó giám đốc nhà hát cho biết Tiếng vạc sành (đoạt HCB) và Cội nguồn (đoạt HCV) tiếp tục được xếp lịch biểu diễn tại rạp Thủ Đô. Tương tự, vở diễn được xếp vào loại “độc, lạ” là Cơn hồng thủy (Câu lạc bộ sân khấu Sen Việt, Trường đại học sân khấu - điện ảnh TP. Hồ Chí Minh) với sự tham gia của NSƯT Quế Trân, NSƯT Hữu Quốc (đều đoạt HCV tại liên hoan) sẽ bắt đầu được công diễn tại sân khấu Thế giới trẻ. Ở Đoàn cải lương Đồng Nai, NSƯT Quế Anh (đoạt HCV tại liên hoan) phấn khởi cho biết, đoàn đã mất đến 3,5 tháng để tập luyện Vượt qua tâm bão, nay được giải rồi phải đi diễn cho bà con, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa thưởng thức mới không phụ lòng khán giả. “Qua liên hoan, đã khẳng định được giá trị của nghệ thuật truyền thống. Điều hạnh phúc nhất, là liên hoan đã mang được cải lương đến với khán giả”, Thứ trưởng Bộ VH-TTDL Vương Duy Biên nhận xét.

Hà Nam

 

 

 

Tin xem nhiều