Việc tập trung nhiều đoàn cải lương trong cả nước đến Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc không chỉ mang đến niềm vui cho khán giả yêu cải lương, mà còn mở ra cơ hội học hỏi và giao lưu rất lớn cho những người làm nghề…
Việc tập trung nhiều đoàn cải lương trong cả nước đến Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc không chỉ mang đến niềm vui cho khán giả yêu cải lương, mà còn mở ra cơ hội học hỏi và giao lưu rất lớn cho những người làm nghề…
Liên hoan quy tụ 22 đoàn cải lương với gần 1.300 nghệ sĩ, trong đó có những đoàn đến từ cái nôi của cải lương, như: Bạc Liêu, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau cho đến các đoàn phía Bắc, như: Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Đến với liên hoan, có những đoàn thuộc “chiếu trên”, như: Nhà hát cải lương Việt Nam, Hà Nội, Trần Hữu Trang nhưng cũng có những đoàn “em út”, như: Câu lạc bộ (CLB) sân khấu Sen Việt, CLB cải lương thể nghiệm... Liên hoan còn có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú mà tên tuổi gần như đã trở thành “huyền thoại” của cải lương. Vì vậy, mỗi vở diễn đều là một cơ hội lớn để học hỏi và giao lưu.
* Học từ đồng nghiệp
Nghệ sĩ Khưu Minh Chiến, Trưởng đoàn cải lương Cao Văn Lầu (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, các đoàn nghệ thuật tỉnh thường quẩn quanh ở địa phương mình, ít có cơ hội học hỏi. Vì vậy, mỗi dịp liên hoan, các đoàn tỉnh rất vui, vì đây là cơ hội được giao lưu cùng các đoàn bạn, nhất là các bậc “đàn anh” ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Vở diễn Cội nguồn của Đoàn 2, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: T.THÚY |
Đến với liên hoan, Đoàn cải lương Cao Văn Lầu góp mặt vở Một phút - một đời. Kinh phí hạn hẹp nên lãnh đạo đoàn quyết định không mời các đạo diễn tên tuổi dàn dựng, mà sử dụng tay nghề “cây nhà lá vườn” của phó trưởng đoàn vừa tốt nghiệp khoa đạo diễn Trường sân khấu - điện ảnh. “So với liên hoan trước, lần này do đề tài hiện đại nên cách dàn dựng, biểu diễn cũng khác: tiết tấu vở diễn nhanh, diễn xuất của diễn viên cũng phải bớt phần cường điệu để “đời” hơn. Liên hoan này đã giúp chúng tôi mở mang tầm nhìn lên rất nhiều”, nghệ sĩ Khưu Minh Chiến phấn khởi cho biết.
Không chỉ các đoàn tỉnh, mà ngay cả những “đàn anh” cũng thu lượm được nhiều kinh nghiệm từ liên hoan. Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang Phan Quốc Hùng cho biết, tham dự liên hoan, nhà hát đầu tư đến 3 vở, trong đó Tiếng vạc sành được khán giả và giới chuyên môn đánh giá cao lại là vở đầu tư kinh phí ít nhất, chỉ khoảng 200 triệu đồng. Nhờ vậy, đoàn rút ra được bài học về công tác đầu tư, trong đó cần chú trọng đến khâu kịch bản ngay từ đầu.
* Mừng cho cải lương
Theo nhận xét của Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam Bùi Xuân Tiến - đơn vị có 2 vở diễn được đánh giá cao là Vú cát và Mê cung, 27 vở diễn mà các đoàn mang đến liên hoan đều có nội dung phong phú, phản ánh được nhiều mặt của xã hội hiện nay cũng như các tác động của yếu tố bên ngoài. So với các liên hoan trước, nhìn chung các vở diễn đều có sự “lên tay” từ đề tài, kịch bản cho đến thủ pháp dàn dựng, khoảng cách về ca, diễn xuất của các nghệ sĩ cũng ngày càng rút ngắn lại. Quan trọng hơn, các đoàn đều giữ được nguyên vẹn sắc thái, truyền thống của cải lương, đó là điều đáng mừng đối với bộ môn nghệ thuật dân tộc như cải lương. Tuy phong cách diễn có khác nhau làm nên sắc thái riêng của mỗi đoàn, nhưng thông qua liên hoan, mỗi đơn vị có dịp “nhìn ngắm” các đoàn bạn, từ đó nhận biết mình đang ở chỗ nào, điều nào chưa được, chưa hoàn thiện để bổ sung.
Đến với liên hoan lần này, hầu hết các đoàn đều ấn tượng với cách tổ chức chuyên nghiệp, tận tâm của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cùng tấm lòng hiếu khách của người Đồng Nai. Công tác quảng bá cũng được thực hiện tốt, nên đêm diễn nào cũng đông khán giả, thậm chí người xem phải đứng theo dõi qua màn hình bên ngoài cũng vẫn vui vẻ. Đây là một trong những điểm khích lệ tinh thần rất lớn, giúp các nghệ sĩ thăng hoa hơn trong diễn xuất, góp phần thành công cho vở diễn và liên hoan. |
Một trong những điều khiến những ai tâm huyết với nghệ thuật cải lương lấy làm vui mừng là bên cạnh các nghệ sĩ đã thành danh, góp mặt tại nhiều sân chơi lớn của nghề, đã xuất hiện một thế hệ nghệ sĩ trẻ nhiều tiềm năng, không những ca hay, diễn tốt lại còn có sắc vóc sáng sân khấu, như: Lê Thanh Thảo, Tô Tấn Loan (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang); Như Quỳnh, Mạnh Hải (Nhà hát cải lương Việt Nam); Kim Oanh, Văn Lâm (Đoàn cải lương Hải Phòng); Trúc Ly (Đoàn cải lương Hương Tràm Cà Mau)… Nhiều đoàn đã mạnh dạn giao vai chính cho các nghệ sĩ trẻ nhằm tạo cơ hội cho thế hệ trẻ có dịp thể hiện, cọ xát, khẳng định tài năng.
Nam Hà