Báo Đồng Nai điện tử
En

Vở diễn mở màn liên hoan: “Vượt qua tâm bão”…

09:10, 21/10/2012

Đêm khai mạc Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012, khán giả yêu cải lương đã có dịp thưởng thức một vở diễn mới của Đoàn cải lương Đồng Nai.

Đêm khai mạc Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012, khán giả yêu cải lương đã có dịp thưởng thức một vở diễn mới của Đoàn cải lương Đồng Nai.

Vượt qua tâm bão có bối cảnh xảy ra tại một nhà máy sản xuất phân đạm. Tổng giám đốc nhà máy Phạm Đống cấu kết với Phó giám đốc Trần Thường nâng khống giá trị, nhập về giàn máy cũ không hoạt động được, sản xuất bị đình đốn, công nhân nhiều tháng liền không có lương. Trước tình thế ấy, Phạm Đống “bỏ của chạy lấy người”, xin chuyển ra bộ, người về “thế mạng” là Minh Quang (Chiêu Hùng) vừa ở nước ngoài về. Hoài Thu, con gái thứ trưởng, người yêu của Minh Quang không muốn anh đâm đầu vào nơi khó khăn, sẵn sàng lo cho anh một vị trí ở Hà Nội. Nhưng Minh Quang vì nặng tình với mảnh đất miền Đông Nam bộ, nơi chôn nhau cắt rốn nên từ chối, tình yêu vì thế tan vỡ. Từ đó, những “cơn bão” đã liên tiếp ập đến với Tổng giám đốc Minh Quang lẫn tập thể công nhân nhà máy, và họ đã đoàn kết một lòng cùng nhau vượt qua.

Mang hơi thở nhịp sống hiện đại

Ở Vượt qua tâm bão, mâu thuẫn - yếu tố tạo kịch tính cho vở diễn không chỉ nằm ở tuyến nhân vật chính diện - phản diện thông qua cuộc đối đầu giữa 2 tổng giám đốc Phạm Đống - Minh Quang, mà còn nằm trong chính mỗi nhân vật. Minh Quang với trăn trở giữa tình yêu và trách nhiệm với nhà máy, Hoài Thu băn khoăn giữa tình vợ chồng với sự thật cần được làm sáng tỏ, công lý cần được bảo vệ, ông Vinh thứ trưởng giằng xé giữa chức vụ, địa vị và tinh thần trách nhiệm… Những mối mâu thuẫn nội tại này có thể bắt gặp ở bất kỳ ai trong mỗi người chúng ta, ứng xử ra sao cũng thuộc về ý thức của mỗi người. Ở đây, vở diễn đã đứng về cái thiện, cái đúng, đề cao cái đẹp và các giá trị nhân văn, cũng là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh mọi người trước những toan tính vụ lợi.

Cảnh trong vở diễn Vượt qua tâm bão. Ảnh: T.THÚY
Cảnh trong vở diễn Vượt qua tâm bão. Ảnh: T.THÚY

Đặc biệt, một trong những đoạn hay của vở diễn, đó là mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới thông qua mâu thuẫn giữa cha con Minh Quang. Ông Đức - ba của Minh Quang là một công nhân già, một người tốt đã dám cùng tập thể công nhân đấu tranh với sai trái của ban lãnh đạo. Nhưng trước những đổi mới táo bạo của con trai, đồng thời là cấp trên của mình (đem tài sản công ty thế chấp ngân hàng, vay tiền thiết kế giàn máy mới), ông cũng đã phản đối, không đứng về phía Minh Quang. Trong đời sống thực tế, tình huống này cũng thường xảy ra, những người tốt, điều đúng đôi khi cũng không thể liên kết với nhau. Cuộc đấu tranh giữa truyền thống và hiện đại, phá vỡ cái cũ để xây dựng cái mới luôn tạo ra những mối xung đột gay gắt, đau đớn và đôi khi khó vượt qua nhất.

Vượt qua tâm bão còn gắn với nhiều vấn đề thời sự đang “nóng” trong xã hội hiện nay. Việc kê khống giá trị, nhập thiết bị cũ không thể sử dụng, gây thất thoát tài sản Nhà nước của Phạm Đống gợi người xem nhớ đến các vụ việc ở Vinashin, Vinalines. Rồi cấu kết giữa Phạm Đống với Trần Thường, Phạm Đống mua chuộc, lợi dụng lòng tin của thứ trưởng để về bộ, đã vạch ra sự suy thoái trong “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, cấu kết của “nhóm lợi ích”, vấn đề nhân sự, tệ nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền… là những vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” đã đề cập đến. Đặc biệt, sự tự vấn trách nhiệm của nhân vật thứ trưởng trong sai phạm của Phạm Đống chính là hình thức tự phê bình - vũ khí để làm trong sạch Đảng, và tình huống thứ trưởng từ chức đã được vở diễn nêu ra như một giải pháp, dù hình thức này vẫn còn xa lạ với văn hóa Việt Nam hiện nay.

Cái kết của vở diễn cũng là một điểm nhấn hay, dù là cái kết phi truyền thống. Ở đây, kẻ xấu chưa thấy bị xử lý, cái ác chưa bị triệt tiêu mà vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, đây mới là cái kết gần với “đời”, nhắc nhở mọi người rằng cuộc đấu tranh sẽ vẫn còn tiếp diễn, dai dẳng.

Thủ pháp sân khấu mới mẻ

Không chỉ hiện đại trong xử lý kịch bản, các thủ pháp sân khấu cũng được xử lý tinh tế ở nhiều chi tiết. Trong đó, ý tưởng dùng nhóm múa với vũ đạo kết hợp với ánh sáng để diễn đạt hình ảnh các thiết bị máy móc trong hoạt động sản xuất là một sáng kiến hay, lạ và mới mẻ của NSND, đạo diễn Giang Mạnh Hà. Sáng kiến này không chỉ tạo ra hiệu ứng sân khấu cao, mà còn thể hiện được tư tưởng gắn bó giữa máy móc và con người trong sản xuất hiện đại. Thiết kế sân khấu cũng đã góp phần “nói” thay ý đồ đạo diễn, như hình ảnh đầu bò tót và biểu trưng đồng tiền treo ở nhà của Phạm Đống đã giúp khán giả hình dung tính cách của nhân vật. Dòng chảy của những hạt phân đạm ở cuối vở diễn cũng là một sáng tạo nghệ thuật.

Từ trước đến nay, đề tài về công nhân, công nghiệp hóa - hiện đại hóa vẫn luôn là mảng khó thể hiện đối với các bộ môn nghệ thuật, nhất là cải lương, bởi khó tìm ra hướng dung hòa giữa nhịp điệu nhanh của đời sống công nghiệp với tiết tấu chậm của các làn điệu cải lương. Nhưng Vượt qua tâm bão đã vượt qua được thử thách, trở thành một trong những vở diễn hiếm hoi về đề tài này trong liên hoan.

Ở Vượt qua tâm bão, NSƯT Quế Anh (vai Hoài Thu) ngày càng ngọt ngào, đằm thắm, thể hiện được sự sâu lắng không chỉ trong diễn xuất mà cả ở giọng hát. NSƯT Ngân Vương (vai ông Đức) cũng thể hiện được tính cách của người công nhân kỹ thuật nhiệt tình, hết lòng gắn bó với nhà máy. Ngay cả nhân vật phụ là phó giám đốc Trần Thường, nghệ sĩ Linh Khánh cũng diễn rất đạt tính cách bất tài, hám lợi, khi gặp khó khăn thì hèn nhát, hoảng loạn. Tuy nhiên, vẫn tiếc cho phần kết ở đoạn ông Đức hy sinh khi bảo vệ nhà máy, đạo diễn vẫn chưa tìm được thủ pháp nào xử lý mới hơn, cứ để cho ông Đức lên gân ca mấy câu vọng cổ rồi… chết đứng, làm giảm đi sự xúc động trước tấm gương hy sinh của người cựu chiến binh.

Thanh Thúy

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều