Thạc sĩ Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Nghiên cứu - sưu tầm (Bảo tàng Đồng Nai) vui vẻ khi nhắc đến những ngày đi học ngành bảo tồn - bảo tàng của mình. Hồn nhiên, vô tư bước chân vào đại học, chị và một số người bạn nghĩ rằng mình chuẩn bị trở thành… nhà báo.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Nghiên cứu - sưu tầm (Bảo tàng Đồng Nai) vui vẻ khi nhắc đến những ngày đi học ngành bảo tồn - bảo tàng của mình. Hồn nhiên, vô tư bước chân vào đại học, chị và một số người bạn nghĩ rằng mình chuẩn bị trở thành… nhà báo. Nhưng đây là một cơ duyên đã đưa chị trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa “khai quật” được nhiều di sản vật thể và phi vật thể trên quê hương Đồng Nai.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3. |
Chị cho biết, thời đại học đã cho chị niềm tin và nghị lực vào bản thân, cũng như cho chị hiểu giá trị của văn nghệ dân gian (VNDG) nói chung và của vùng đất Đồng Nai nói riêng. Để có thể gắn bó với nghề, tìm được những cứ liệu chính xác và đưa được nó đến với nhân dân - người thụ hưởng các giá trị văn hóa, lịch sử ấy - người nghiên cứu luôn phải sát cánh cùng đồng nghiệp và luôn phải học hỏi, trau dồi kiến thức. Trong lĩnh vực VNDG, nhà nghiên cứu cũng là một nghệ sĩ, để hiểu được cái hay cái đẹp trong đời sống văn hóa của con người ở biên độ rộng nhất, sâu nhất.
Say mê học tập, nghiên cứu và giảng dạy, chị hầu như “quên” hạnh phúc của riêng mình để làm việc. Bên cạnh những công trình chung ở Bảo tàng Đồng Nai, năm 2010, chị đã công bố cuốn sách đầu tiên của mình với tựa đề “Văn hóa - Văn vật Đồng Nai” (Nhà xuất bản tổng hợp Đồng Nai). Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, với 7 chương sách, tập hợp 50 bài viết và ảnh tư liệu, cuốn sách đã “tái hiện được diện mạo tổng quan và các hệ giá trị văn hóa - văn vật của Đồng Nai theo lịch đại, đồng đại và chủ thể”. Công trình thể hiện các góc nhìn tổng hợp về văn hóa học, khảo cổ học, dân tộc học và bảo tàng học. Chính vì vậy, trong đợt xét giải thưởng văn học - nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần 3, công trình này được nhận giải B và được đánh giá cao.
Hiện nay, thạc sĩ Nguyễn Thị Nguyệt đang nỗ lực thực hiện đề tài nghiên cứu sinh “Tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở Đồng Nai” với nhiều công trình nhánh thú vị, như: “Tín ngưỡng trong cộng đồng người Hoa ở Biên Hòa”, “Sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở Đồng Nai”… Chị cũng đặt ra mục tiêu mỗi năm sẽ tham gia vài cuộc hội thảo khoa học mang tầm khu vực và quốc gia để có thể học hỏi thêm về vốn quý văn hóa, lịch sử nước nhà. Gặp chị sau lễ trao giải thưởng văn học - nghệ thuật Trịnh Hoài Đức, chị vui mừng thông báo đã qua được vòng tuyển chọn để có thể gửi các tham luận chính thức (kèm bản dịch tiếng Anh) cho Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 4 và Hội thảo khoa học quốc tế văn hóa dân gian châu Á lần thứ 13. Chị cũng mơ ước sẽ sớm giới thiệu cuốn sách thứ hai bao gồm những công trình, tham luận tại các hội thảo lớn của mình.
Trong cuộc hành trình tìm về cội nguồn văn hóa quê hương, đối với chị không có điểm dừng, mà chỉ có những cột mốc để cho mình liên tục phấn đấu, trưởng thành.
Tiểu Mai