Trong số 48 giải thưởng Văn học - nghệ thuật (VHNT) Trịnh Hoài Đức lần thứ 3 (2008-2010), nhiếp ảnh đoạt 11 giải. Đây đều là tác phẩm của những nhiếp ảnh gia say nghề, luôn muốn sáng tác nên những tác phẩm ca ngợi cuộc sống, con người và sự phát triển, đổi mới của đất nước.
Trong số 48 giải thưởng Văn học - nghệ thuật (VHNT) Trịnh Hoài Đức lần thứ 3 (2008-2010), nhiếp ảnh đoạt 11 giải. Đây đều là tác phẩm của những nhiếp ảnh gia say nghề, luôn muốn sáng tác nên những tác phẩm ca ngợi cuộc sống, con người và sự phát triển, đổi mới của đất nước.
Trẻ vùng cao. Ảnh: Nguyễn Long |
Tác giả Trần Văn Kỷ (sinh năm 1939) bắt đầu cầm máy ảnh sau khi nghỉ hưu. Ông vốn là kỹ sư chế tạo máy từng được tu nghiệp tại Liên bang Nga, là hiệu trưởng Trường công nhân kỹ thuật Đồng Nai. Bằng vốn sống dày dặn và niềm đam mê nghệ thuật tạo hình, ông đã sáng tác nên nhiều ảnh đẹp về đời sống người công nhân trên quê hương Đồng Nai. Trên 70 tuổi, ông vẫn hăng hái rong ruổi để tìm chất liệu sáng tác. Với tư cách là Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNẢ) Việt Nam tại Đồng Nai, ông còn góp rất nhiều công sức để xây dựng đội ngũ và tổ chức hoạt động cho anh em hội viên.
Bức ảnh Chuyện lạ có thật của NSNẢ Trần Văn Kỷ đã được chụp từ năm 2005, nhưng đến nay, tác giả vẫn hết sức xúc động khi nói về nó. Bằng những dụng cụ thô sơ và điều kiện bảo hộ tối thiểu, những người công nhân sơn những tòa nhà cao tầng, góp phần làm cho cuộc sống nở hoa. Trần Văn Kỷ cho biết, ông rất thấm thía khi hoàn cảnh đất nước còn nghèo, nhưng chính những người công nhân đang thực hiện những ước mơ lớn lao của cả xã hội bằng lòng nhiệt tình không thể nói hết bằng lời. Bức ảnh đã được giải nhì cuộc thi “Việt Nam chuyển động” (2006), được trao huy chương vàng FIAP năm 2009 và triển lãm tại Đại hội FIAP lần thứ 30 tại Hà Nội… Và sự ghi nhận quý báu là tác phẩm đã được giải A giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần 3 của UBND tỉnh Đồng Nai.
Vượt khó. Ảnh: Lưu Thuận Thời |
Lưu Thuận Thời, tác giả của Vượt khó, cũng là một thầy giáo mẫu mực tại Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Biên Hòa. Ông là một trong số ít những NSNẢ không hành nghề nhiếp ảnh ở Đồng Nai, song vẫn dành trọn tình yêu cho ảnh nghệ thuật qua nhiều bức ảnh phong cảnh và chân dung xuất sắc. Trong định hướng sáng tác cho các bạn trẻ, ông luôn trăn trở cách thể hiện con người sao cho đẹp và tự nhiên nhất. Bởi vẻ đẹp tự nhiên, bình dị chính là chuẩn mực cao nhất của cái đẹp, của khát vọng tự do. Bức ảnh Vượt khó được chụp tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai đã đạt được mong muốn ấy của tác giả. Điều ông tâm đắc là tuy lấy đề tài người khuyết tật, song ở đó là ý chí vươn lên, sự khỏe khoắn từ thể chất cho đến tâm hồn, và trên hết là niềm vui sống chân thành, đầy nghị lực được truyền từ người thầy sang người trò. Bức ảnh đã đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước (huy chương vàng khu vực miền Đông và giải C của Hội NSNẢ Việt Nam năm 2010, giải nhì cuộc thi Ảnh về người khuyết tật khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giải B giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần 3).
Riêng với Nguyễn Long, anh đại diện cho lớp tác giả trẻ luôn xông xáo, dấn thân và thay đổi các góc nhìn sáng tác. Để đến được với ảnh nghệ thuật, anh phải giải quyết “bài toán mưu sinh” khi chỉ có một mình lo cho hai con còn nhỏ. Tuy hàng ngày phải đi quay phim, chụp ảnh vất vả, song anh vẫn dành cho mình những thời khắc tự do hiếm hoi để sáng tác. Khi ghi lại được khoảnh khắc hạnh phúc của những em bé giữa nhà sàn đơn sơ, anh không nghĩ mình đã thành công. Bức ảnh Trẻ vùng cao được trao huy chương bạc triển lãm quốc tế tại Việt Nam năm 2007, đồng giải B giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức bộ môn ảnh nghệ thuật. Đó là phần thưởng đầy ý nghĩa cho một tình yêu nghệ thuật, niềm mong ước mang cái đẹp và tình yêu trẻ thơ đi thật xa, bay thật cao…
Chuyện lạ có thật. Ảnh: Trần Văn Kỷ |
Không chỉ đối với các tác giả đoạt giải kỳ này, như: Hoàng Thế Phúc, Nguyễn Đình Quốc Văn, Vũ Duy Thông, Nguyễn Đức Tường, Huỳnh Như Lưu, Trần Hữu Cường, Lâm Cón, Phạm Lê Dũng, mà còn đối với tập thể Ban ảnh nghệ thuật của Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai, ảnh nghệ thuật luôn là cánh cửa rộng mở cho tình yêu cuộc sống được chạm vào nhau, gặp gỡ và lớn mạnh thêm. Với lực lượng mạnh và sự đoàn kết, cầu tiến (hơn 40 hội viên, trong đó có 20 NSNẢ Việt Nam), với triết lý sáng tạo nên những giá trị nghệ thuật thiết thực, làm đẹp cho đời, hy vọng bộ môn ảnh nghệ thuật ở Đồng Nai sẽ còn có nhiều thành tựu hơn nữa.
Tiểu Mai