Nhà văn Nguyễn Một vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết có tựa Ngược mặt trời. Ông gọi tác phẩm của mình dưới hình thức thể loại: tiểu thuyết rời rạc. Kỳ lạ! Rồi ông đề từ: “Cuốn sách này có thể làm phiền bạn vì câu chuyện hoang đường và những mảnh chắp vá rời rạc của cuộc đời, như giấc mơ buồn mà sau khi tỉnh dậy bạn không thể kể lại một cách trọn vẹn”.
Nhà văn Nguyễn Một vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết có tựa Ngược mặt trời. Ông gọi tác phẩm của mình dưới hình thức thể loại: tiểu thuyết rời rạc. Kỳ lạ! Rồi ông đề từ: “Cuốn sách này có thể làm phiền bạn vì câu chuyện hoang đường và những mảnh chắp vá rời rạc của cuộc đời, như giấc mơ buồn mà sau khi tỉnh dậy bạn không thể kể lại một cách trọn vẹn”.
Đi Ngược mặt trời, Nguyễn Một hành trình về quá khứ của đất nước. Cùng một ý tưởng vùi mình vào bóng đêm để khám phá, để nhận ra các điều khuất lấp, Nguyễn Một thay đổi thời gian nghệ thuật bằng cách lật nhanh về thời hiện đại, mở rộng không gian nghệ thuật sang nước láng giềng phương Bắc, dựng lên chân dung Chú Khách chủ tiệm Chạp phô “say mê kiếm tiền” bỗng dưng “trở thành ẩn sĩ”.
Bóng đêm thời đại và lịch sử đổ xuống dân tộc và tất nhiên nó cũng đổ bóng xuống số phận con người. Con người cụ thể ở đây là nhân vật nhà nhiếp ảnh Nguyễn Chạc luôn luôn dằn vặt, thao thức đi tìm ký ức đã mất, đi tìm cái làng Chạc Chìu một thời hiển hiện thân thương, bỗng nhiên bị biến mất tăm tích khỏi núi rừng mà không tài nào lý giải được. Hành trình đi tìm lại cái làng xưa Chạc Chìu, nghi ngờ biến mất hoặc do chiến tranh, hoặc do xoáy lốc, hoặc do dòng bùn sa khoáng vùi lấp…, thực ra là những day dứt đi tìm lại kỷ niệm, tình yêu, tìm hình ảnh bố mẹ, và cô gái Chìu, tìm ngôi nấm đất người tình an nghỉ có cây chuối trồng ở trên mộ… để vá víu, san lấp khoảng trống tâm hồn cô độc thời hiện đại.
Nguyễn Một đã sử dụng thi pháp gì trong tiểu thuyết Ngược mặt trời? Thật khó nói! Quả thật, dù người đọc có năng lực khái quát, tổng hợp bỏ công đọc tiểu thuyết Ngược mặt trời nhiều lần, cũng không thể kể lại một cách rõ ràng, rành mạch và đầy đủ. Không phải loại tiểu thuyết chương hồi Minh - Thanh, cũng chẳng phải thuật viết đang “thời thượng” liền tù tì từ bắt đầu đến chấm hết, Nguyễn Một khai triển 22 tiểu mục lớn nhỏ làm cái khung sườn Ngược mặt trời. Có cảm giác các mục ấy rời ra, với các câu chuyện lộn xộn tản mát, với các nhân vật khác nhau về thời đại, không liên hệ với nhau, hoặc ràng buộc lỏng lẻo; nhưng thực ra chúng kết nối với nhau thật chặt chẽ trong một không gian huyền sử và thấm đẫm tôn giáo.
Đọc tiểu thuyết Ngược mặt trời không cảm thấy tẻ nhạt, uể oải, chán nản, bởi “ngôn ngữ” tiểu thuyết biến hóa liên tục: nhanh, chậm, chói gắt, dịu dàng, da diết. Nguyễn Một phức tạp hóa tiểu thuyết để vượt thoát giản đơn cũ mòn cũng có hiệu quả nghệ thuật đáng trân trọng. Thi pháp Ngược mặt trời biến hóa sinh động còn thể hiện ở sức dung nạp, chứa đựng nhiều thể loại nghệ thuật trong một cơ thể tiểu thuyết: Ở tiểu mục này giống một truyện ngắn thì tiểu mục kia là kịch bản sân khấu huyền sử trọn vẹn “Pho tượng đồng đen” với những Kha Ly, Đa Ra… mang linh hồn tháp hoang, kia nữa là kịch bản phim Sự cuồng nộ của thần núi Chúa, và thảng hoặc bắt gặp Ký ức dòng sông như một tản văn. Thời gian nghệ thuật luôn đảo lộn, không gian nghệ thuật luôn cơi nới, mở rộng và thay đổi, người đọc bị ngợp trước các cánh đồng hiện thực và chân trời kỳ ảo với các nhân vật cũ - mới, hoặc nhân vật “liêu trai chí dị”.
Giọng văn Nguyễn Một da diết, sâu lắng, có sức vang ngân. Dường như trong mỗi đoạn văn, câu văn đều trĩu nặng cái tình người viết. Và tôi thấy một nỗi buồn cao thượng, chứ không phải nỗi buồn thê lương, ủy mị trong tiểu thuyết Ngược mặt trời. Chạm đến nỗi buồn, đi tận cùng nỗi buồn - nỗi buồn của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Chạc cũng là nỗi buồn của nhân tình thế thái. Là nhà văn, mấy ai viết được nỗi buồn?! Đi Ngược mặt trời là một thử thách mới, tôi nghĩ nhà văn Nguyễn Một đã vượt qua sau những ngày nhọc nhằn vắt óc ra từng con chữ. Còn bây giờ là đến lượt bạn đọc, đi hết hành trình Ngược mặt trời hay không cũng là một thử thách không nhỏ.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh