Ở tuổi 80, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình bắt đầu viết cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước”. Và, nhân dịp sinh nhật lần thứ 85 của bà, cuốn sách đã được Nhà xuất bản Tri Thức xuất bản, gây tiếng vang lớn.
Ở tuổi 80, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình bắt đầu viết cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước”. Và, nhân dịp sinh nhật lần thứ 85 của bà, cuốn sách đã được Nhà xuất bản Tri Thức xuất bản, gây tiếng vang lớn.
Cuốn hồi ký dày 303 trang viết và hàng trăm tấm ảnh tư liệu được chia thành 2 phần, phần hồi ký bao gồm 14 nội dung và phần phụ lục ảnh hàng trăm trang với 170 tấm ảnh tư liệu vô cùng quý giá.
Bằng ngôn ngữ giản dị, chân thành, không triết lý cao siêu, bà đến với bạn đọc bằng tấm lòng của “trái tim đến với trái tim”. Cuốn hồi ký của bà đã thật sự chiếm được cảm tình của người đọc từ những trang viết đầu tiên, đến trang viết cuối cùng. Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà văn Nguyên Ngọc đã viết: “Có thể nói không quá rằng có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới, từ những người dân thường cho đến các nguyên thủ quốc gia nổi tiếng và thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau”. Cuốn sách không chỉ là câu chuyện kể về cuộc đời bà, mà qua đó, người đọc sẽ bắt gặp ở đây nhiều tư liệu sống động, bổ ích gắn liền với từng bước chuyển mình của đất nước.
Sinh ra trong một gia đình công chức trí thức, sau này cả gia đình đi theo cách mạng, là cháu ngoại của chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, bà đã sớm giác ngộ và đến với cách mạng một cách tự nhiên giống như bao lớp thanh niên trí thức đương thời; để rồi trải qua hoạt động cách mạng, Đảng và nhân dân đã đào tạo, bồi dưỡng nên một nhà lãnh đạo tài năng, tâm huyết, một nhà ngoại giao nhân dân, một Phó chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một con người như nhà văn Nguyên Ngọc đã viết: “Hầu như trên tất cả các mũi nhọn nhất và sâu nhất của đời sống xã hội và con người hiện tại đều có mặt bà, ở hàng đầu, miệt mài, không mệt mỏi…”. Cũng qua hoạt động cách mạng và cống hiến sôi nổi, hết mình, bà đã tìm được hạnh phúc riêng của cuộc đời mình - hạnh phúc riêng gắn liền với hạnh phúc chung của đất nước, của dân tộc.
Lịch sử Việt Nam hôm nay, ngày mai và mãi mãi về sau sẽ không bao giờ quên “Hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng” qua hình ảnh nhà ngoại giao nhân dân - Nguyễn Thị Bình. Những người nghiên cứu lịch sử, tất cả những ai quan tâm đến lịch sử nước nhà, đến vận mệnh, tương lai và tiền đồ của dân tộc Việt Nam sẽ tìm thấy trong cuốn hồi ký của bà ngồn ngộn những câu chuyện bổ ích, những tư liệu phong phú và cả những bài học sâu sắc về nhiều mặt.
Vũ Trung Kiên