Báo Đồng Nai điện tử
En

Chương trình tham gia hội thi Tài năng trẻ toàn quốc năm 2012

08:06, 23/06/2012

Học sinh Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai đã có buổi diễn báo cáo các tiết mục chuẩn bị tham gia hội thi Tài năng trẻ toàn quốc năm 2012.

Học sinh Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai đã có buổi diễn báo cáo các tiết mục chuẩn bị tham gia hội thi Tài năng trẻ toàn quốc năm 2012.

Toàn chương trình có 6 tiết mục, gồm: hòa tấu dàn nhạc dân tộc, 2 tiết mục múa, đơn ca nữ, độc tấu đàn tỳ bà và sáo trúc. Thời gian biểu diễn chưa đến 60 phút, trong đó tham gia chủ yếu là học sinh khoa âm nhạc truyền thống và múa.

* Nhiều cố gắng

Là tiết mục mở đầu chương trình, hòa tấu dàn nhạc dân tộc Trống hội đầu xuân của khoảng 24 học sinh khoa âm nhạc truyền thống do giảng viên Phùng Ngọc Long dàn dựng và chỉ huy diễn ra khá hùng hậu. Hầu hết những loại nhạc cụ truyền thống, như: sáo trúc, đàn tỳ bà, đàn bầu, đàn t’rưng, trống đều được các học sinh biểu diễn khá thuần thục. Trong tiếng réo rắt, nhẹ nhàng đặc trưng của các loại nhạc cụ dân tộc, thỉnh thoảng lại dội lên tiếng trống hội rộn ràng mà tiết tấu vẫn hài hòa khiến tiết mục thêm sinh động. 2 tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc kế tiếp là đàn tỳ bà và sáo trúc do các học sinh Nông Thị Trầm và Vy Văn Hiếu biểu diễn cũng cho thấy được sự khổ công rèn luyện của các em.

Đặc sắc nhất trong chương trình vẫn là các tiết mục múa. Ở Lửa rừng (NSND Lê Ngọc Canh biên đạo), các vũ công - học sinh rất sáng sân khấu, vũ đạo khỏe khoắn đã phần nào thể hiện được ngôn ngữ mà biên đạo múa muốn gửi gắm về sức sống mãnh liệt của các dân tộc gắn bó với rừng, với thiên nhiên. Những bàn tay của các em như những búp măng, những mầm xanh của rừng luôn vươn lên, tràn đầy nhựa sống. Ở tiết mục múa Cây cầu nối nhịp tương lai (NS Công Minh biên đạo), vũ đạo lại vui nhộn, trẻ trung, nhí nhảnh, toát lên được nét tươi trẻ của những cô gái, chàng trai tuổi đôi mươi trong chiến dịch Mùa hè xanh tình nguyện.

* Cần được đầu tư

Ngoại trừ một vài khuyết điểm do thiếu kinh nghiệm, như Vy Văn Hiếu trong phần biểu diễn sáo trúc lúc đầu đã kê quá sát micro, để lộ cách lấy hơi còn “non” và lẫn nhiều tạp âm, hay các em vì thiếu tự tin nên đã bộc lộ vẻ căng thẳng, “gồng” quá mức, mất đi vẻ tự nhiên và tươi tắn cần thiết khi biểu diễn trên sân khấu, nhìn chung với đối tượng biểu diễn là học sinh thì đây là một chương trình tương đối “sạch” và tròn trịa. Tuy nhiên, nếu để tham dự một sân chơi lớn như Tài năng trẻ toàn quốc thì các tiết mục của Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật vẫn còn “nhạt”, chưa cho người xem nhìn thấy được tài năng, chưa tạo sự nổi bật hay đột phá đáng chú ý. Ngay cả phần nổi trội là các tiết mục múa thì vẫn chủ yếu là các động tác múa cơ bản, truyền thống, chưa thấy được bóng dáng, đường nét của múa hiện đại. Vũ đạo của Lửa rừng cũng mang phong cách của các dân tộc Tây Nguyên từ cách lắc tay, vai cho đến cách di chuyển chân, chưa thấy được vũ đạo của người dân tộc bản địa Chơro nên chưa tạo được nét riêng của Đồng Nai.

Hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao và du lịch” lần thứ 1 được Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch tổ chức tại TP. Đà Nẵng từ ngày 23 đến 29-6-2012. Tham gia hội thi có tất cả trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao và du lịch trên toàn quốc, với khoảng 1 ngàn học sinh, sinh viên tham dự. Hội thi nhằm giúp các giảng viên, học sinh, sinh viên được giao lưu, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, khả năng thi đấu, kỹ năng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp.

Hội thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa - nghệ thuật là dịp giúp các em học sinh lẫn giảng viên có dịp cọ xát với môi trường lớn để hoàn thiện và chuyên nghiệp hơn, vì thế khán giả vẫn mong mỏi vào sự đột phá để những tài năng còn đang tiềm ẩn có dịp bộc lộ và tỏa sáng trong tương lai sau này.

Hà Lam

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều