Báo Đồng Nai điện tử
En

Xem vở cải lương “Lời ru hai người mẹ”: Mua vui cũng được một vài trống canh…

08:01, 13/01/2012

Sau thành công của vở diễn “Dời đô”, tối 11-1 Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai vừa công diễn “Lời ru của hai người mẹ”, vở cải lương mới được dàn dựng và sẽ được chính thức biểu diễn trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012 sắp tới.

Sau thành công của vở diễn “Dời đô”, tối 11-1 Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai vừa công diễn “Lời ru của hai người mẹ”, vở cải lương mới được dàn dựng và sẽ được chính thức biểu diễn trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012 sắp tới.

Kịch bản “Lời ru hai người mẹ” xoay quanh việc tranh giành quyền lực chốn triều đình giữa hai vị hoàng tử là Vương Tùng (con của Hoàng hậu) và Vương Thảo (con của Thứ phi). Với âm mưu đoạt ngai vàng, Thứ phi cùng con trai đã tìm cách hãm hại hoàng tử Vương Tùng, sau đó soán đoạt luôn ngôi vua trước sự bất lực của vị hoàng đế nhu nhược. Nhưng được sự phò trợ, hậu thuẫn của các vị trung thần, hoàng tử Vương Tùng đã thoát khỏi âm mưu gian xảo của mẹ con Thứ phi, đoạt lại ngôi báu và trừng trị kẻ ác.

* Vở hay nhờ nghệ sĩ

Nội dung đơn giản, không nhiều kịch tính nhưng với nỗ lực ca, diễn của các nghệ sĩ Đoàn cải lương Đồng Nai, “Lời ru hai người mẹ” vẫn thu hút được người xem. Giàn nghệ sĩ của vở từ vai chính cho đến các vai phụ, vai nhỏ cũng diễn khá đều tay đủ sức giữ chân khán giả suốt gần 2 giờ biểu diễn. Nổi bật nhất vẫn là NSƯT Quế Anh. Vai Hoàng hậu của Quế Anh không nhiều đất diễn, dường như Quế Anh đang dần lùi về sau để nhường chỗ cho các gương mặt trẻ, nhưng mỗi lần xuất hiện là sân khấu như bị hút hết về cô bởi giọng hát ngọt ngào, đằm thắm và sâu lắng, bởi cách diễn xuất nội tâm nhuần nhuyễn, tinh tế, nhất là ở đoạn Quế Anh độc diễn nỗi nhớ thương con của người mẹ.

Cảnh trong vở “Lời ru hai người mẹ”.
Cảnh trong vở “Lời ru hai người mẹ”.

Với vai Thứ phi, nghệ sĩ trẻ Kim Thoa đã có dịp “tung hoành” bởi dù là vai phản diện, nhưng đây là nhân vật xuất hiện trong hầu hết các lớp diễn với nhiều cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố. Sắc vóc đẹp, sáng sân khấu, giọng hát trong trẻo, đài từ rõ ràng, có thể nói Kim Thoa có cơ hội trở thành “thế hệ tiếp nối” của Đoàn cải lương Đồng Nai sau NSƯT Quế Anh nếu chịu khó học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm diễn xuất. Thứ phi của Kim Thoa lột tả được cái lẳng, cái ác của nhân vật, nhưng thể hiện của cô vẫn còn đơn điệu trong cách đi đứng, phất tay áo cũng như chưa đi sâu vào lột tả tâm lý nhân vật.

Một gương mặt mới đáng chú ý khác là nghệ sĩ Vũ Thành. Vai hoàng tử Vương Thảo qua diễn xuất của Vũ Thành trở nên sinh động hơn nhân vật hoàng tử Vương Tùng của nghệ sĩ đàn anh Chiêu Hùng. Hai nghệ sĩ Điền Linh và Xuân Vương từ khi “lột xác” qua vở “Dời đô” cũng đã thể hiện rất tốt các vai tể tướng và đao phủ.

“Lời ru hai người mẹ” cũng được chăm chút rất nhiều về phục trang, vũ đạo và thiết kế sân khấu. Ở đoạn hoàng hậu nhớ thương con khi bị giam trong ngục tối, phông nền sân khấu đã được cách điệu khá hay thể hiện trái tim người mẹ đau khổ với những giọt nước mắt. Nhà hát mới được xây dựng với khán phòng đẹp, hiện đại cũng là một trong những yếu tố góp phần vào thành công của vở diễn.

* Lỗ hổng từ kịch bản

Như phần lớn các kịch bản khác, “Lời ru hai người mẹ” vẫn theo lối chung “mượn chuyện xưa nói chuyện nay”. Thế nhưng, ý nghĩa giáo dục từ câu chuyện dạy con của hai người mẹ là Hoàng hậu và Thứ phi trong “Lời ru hai người mẹ” vẫn còn quá nhạt, chưa đủ sức thuyết phục dù vấn đề giáo dục con trong các gia đình hiện nay vẫn là câu chuyện nóng. Mới vào đầu vở nghe hai bà mẹ cất tiếng ru con, khán giả gần như đã đoán được hết nội dung và tình tiết bởi vì mô-típ của vở quá cũ, không có gì mới từ âm mưu vu oan giá họa của mẹ con Thứ phi cho đến tình tiết “tráo con cứu chủ” của người đao phủ vì đã được sử dụng quá nhiều. Một ý nghĩa mang tính “thời sự” khác cũng được lồng vào kịch bản, đó là vai trò người lãnh đạo. Nếu người đứng đầu mà không sáng suốt, không tạo ra được kỷ cương nghiêm minh, luật lệ không được tôn trọng thì sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước. Thế nhưng, ý đồ dù hay lại thể hiện rất mờ nhạt bởi các tình tiết thiếu chiều sâu, chưa đủ logic để dẫn dắt người xem.

Trong vở diễn, hai hoạn quan được xem như vai hề. Theo ước lệ của sân khấu tuồng, nếu có hai vai hề thì thường sẽ đối nghịch nhau về tính cách để vừa bổ sung, vừa tạo tình huống. Thế nhưng ở đây, hai hoạn quan với tính cách, vai trò y như nhau nên hóa thừa, giống như để chia nhau câu thoại. Lời thoại trong vở cũng đơn điệu, không có gì đặc sắc, thậm chí một đôi chỗ còn “phô”, nhất là đoạn hai quan thái giám theo rình vua và thứ phi. Một vài chi tiết tác giả cũng bộc lộ sơ sót về kiến thức lịch sử, như quan Ngự sử là chức quan giám sát, can gián vua chứ không phải là người dạy học cho các hoàng tử; hoặc hai hoạn quan thì một người được gọi là Thái giám, người kia được gọi là… công công.

Sẽ là khập khiễng nếu đem các vở mà đoàn từng dàn dựng trước đó như “Dời đô”, “Những ngôi sao biển” để so sánh. Không bột thì không thể gột nên hồ, trong thời điểm ngành sân khấu đang quá thiếu những kịch bản hay thì khó thể đòi hỏi có những vở diễn để đời. Nhìn chung, “Lời ru hai người mẹ” vẫn là một vở diễn “sạch”, có tính giáo dục, ít chạy theo những yếu tố câu khách rẻ tiền nhưng vẫn thu hút được công chúng. Nhìn cảnh người dân ở phường Bửu Long hồ hởi rủ nhau đi xem, thậm chí có người xem đi xem lại vẫn cười thích thú, đó đã là thành công lớn của vở diễn.  

Thanh Thúy

 

 

 

Tin xem nhiều