Đến mùa xuân này, nếu ông Tạo công bằng, luật sư Hồ Văn Lưu - nhà thơ Hồ Triều chạm ngõ sáu hai. Anh ra đi đã bảy năm, lúc mới chớm năm mươi lăm tuổi. Đến giờ, nhiều người ở Biên Hòa vẫn nhớ đến anh, một người từng đóng vai “thủ lĩnh” thanh niên ở Biên Hòa những năm sau giải phóng, một luật sư đĩnh đạc, một tấm lòng trải rộng với anh em, bè bạn… Nhưng Hồ Văn Lưu còn là nhà thơ, với bút danh Hồ Triều.
Đến mùa xuân này, nếu ông Tạo công bằng, luật sư Hồ Văn Lưu - nhà thơ Hồ Triều chạm ngõ sáu hai. Anh ra đi đã bảy năm, lúc mới chớm năm mươi lăm tuổi. Đến giờ, nhiều người ở Biên Hòa vẫn nhớ đến anh, một người từng đóng vai “thủ lĩnh” thanh niên ở Biên Hòa những năm sau giải phóng, một luật sư đĩnh đạc, một tấm lòng trải rộng với anh em, bè bạn… Nhưng Hồ Văn Lưu còn là nhà thơ, với bút danh Hồ Triều.
Năm 1998, anh xuất bản tập Thơ Hồ Triều; hai năm sau là tập Em, mặt trời và dòng sông. Trước ngày làm thân hạc trắng bay về trời xanh, Hồ Triều đã kịp tự vẽ bìa, trình bày, vẽ phụ bản và “tự xuất bản đọc chơi và tặng bạn bè, người thân” tập Bay chơi lạ lùng.
Thực ra, Hồ Triều làm thơ khá sớm và đã đăng trên nhiều tờ báo, tạp chí từ trước năm bảy lăm, như: Tuổi Ngọc, Mây Hồng, Trình Bày,… Bài thơ đầu tiên được in báo và còn lưu lại đến giờ là Huyền thoại, anh viết năm 1970. Nếu không rõ năm sáng tác, người ta sẽ tưởng đây là bài thơ của một nhà thơ đã thành danh, thật chững chạc:
…Em về như con nước
Đổ qua sông muộn phiền
Tim ta trăn trở trối
Trên dốc mòn nhân duyên.
Vâng, đấy là tiếng lòng của một người còn rất trẻ, mới 19 tuổi. Bây giờ, mọi người băn khoăn: Sao lại già thế? Không. Thơ chẳng bao giờ già, chỉ vì thời cuộc khiến cho người làm thơ trưởng thành sớm hơn thôi. Bước sang năm 1971, Hồ Triều tròn hai mươi. Đấy là năm thơ anh đăng báo khá nhiều, trên mười bài. Tất cả đều nhuốm một màu “tranh đấu”, sục sôi và quyết liệt:
- Ôi! có dân nào
bằng dân ta mang lửa thiêng
từ xa xăm chưa hề vụt tắt
thắp soi đường là xương máu
trải đầy vơi…
(Ôi! có dân nào)
- Xin hãy nắm tay kết đoàn
Cho âm mưu, hận thù phải gục
Cho mặt trời bừng sáng trên cao
(Xin hãy cùng nhau)
Hồ Triều đa tài lại đa mang. Lòng tươi trẻ của anh trong những tháng năm đất nước chiến tranh sớm dằn xé bao nỗi niềm: đau thương và căm giận, xót xa và hoài vọng, tủi hờn và náo nức,… bởi Hồ Triều không chỉ thấy mà đã ở:
Giữa đồng bào nghèo đói
Chạy gạo nuôi từng bữa
Trẻ Việt Nam mầm non máu lửa
Thoi thóp từng cơn trong cơm cặn cá thừa
Trong đói nát, đảo điên, bệnh tật…
(Ta đi với ta)
Hồ Triều đa tình lại đa đoan. Như muôn ngàn người - thơ khác, chữ tình ám vào, làm lụy anh không ít.
Buổi tưởng niệm nhà thơ Hồ Triều - luật sư Hồ Văn Lưu được bạn bè tổ chức vào lúc 16 giờ ngày 5-1-2012 tại Hội quán Cội Nguồn (TP.Biên Hòa), với sự góp mặt của các văn nghệ sĩ, luật sư, nhà báo: Lê Cung Bắc, Lưu Đình Triều, Khôi Vũ, Nguyễn Văn Tất, Bùi Quang Huy, Hồ Văn Giáo, Mai Sông Bé, Trương Tiến Dũng, Nguyễn Thiện Nhựt… |
Anh thú nhận mình là “kẻ si mê”, người có “những hẹn hò luống cuống”, giữa phố đông lại “dáo dác” kiếm tìm. Trong tình yêu chân thật, có ai hay, ai dở bao giờ. Hồ Triều giỏi giang ở đâu không biết, nhưng trong tình yêu, anh là “kẻ si tình”, được, rủi, mất, may đều không có chỗ cho sự khôn ngoan. Tuổi bất hoặc, anh nghiệm ra: “Có phải tình yêu/ Là liền lạc với khổ đau/ Nên hạnh phúc là những gì đã mất” (Tản mạn tình yêu).
Cho hay, đã đa tình thì suốt đời đa đoan, bởi lòng thi sĩ chữ tình thiên hình vạn trạng. Trước năm 2000, khi bóng đêm của bệnh tật chưa là nỗi ám ảnh, có hôm Hồ Triều đã viết:
Ngồi đây nhìn xuống cuộc đời
Thấy trong bệnh viện như chơi ngoài đường…
Ngồi đây nhìn xuống à ơi
Thấy ai, ai thấy ngồi chơi một mình.
(Một mình)
Những ngày, trước khi cánh hạc bay xa, trong di cảo của anh, tôi tìm thấy những dòng này:
Đêm qua đứng khóc một mình
Mái hiên xưa đợi, bóng hình người qua
Khóc ai mà mắt lệ nhòa
Yêu thương chưa hết, đã xa nhau rồi…
Bây giờ, Hồ Triều đã ở rất xa. Anh như con hạc trắng đã bay chơi lạ lùng ở chốn trần gian này. Trên miền xanh thẳm, người - thơ đa tài, đa mang, đa tình ấy biết đâu vẫn còn đa đoan!
Cuối đông Tân Mão
Bùi Quang Huy