Ở Hà Nội tôi có biết tên nhà văn Hoàng Văn Bổn (1930-2006) nhưng chưa hề giáp mặt ông. Mãi đến năm 1979 tôi mới được gặp ông. Ông mặc quân phục, gầy và cao, dáng vẻ từ tốn, giọng nói chậm rãi. Lúc đó ông vừa đi mặt trận K trở về, ghé thăm quê hương và ngỏ ý xin về Đồng Nai. Trở về - như một bài viết của ông sau này - do tình cảm thiết tha của ông với quê hương.
Nhà văn Hoàng Văn Bổn. Ảnh: Vĩnh Huy |
Ở Hà Nội tôi có biết tên nhà văn Hoàng Văn Bổn (1930-2006) nhưng chưa hề giáp mặt ông. Mãi đến năm 1979 tôi mới được gặp ông. Ông mặc quân phục, gầy và cao, dáng vẻ từ tốn, giọng nói chậm rãi. Lúc đó ông vừa đi mặt trận K trở về, ghé thăm quê hương và ngỏ ý xin về Đồng Nai. Trở về - như một bài viết của ông sau này - do tình cảm thiết tha của ông với quê hương.
Năm 1980 nhà văn Hoàng Văn Bổn thay bộ quân phục sĩ quan bằng bộ thường phục giản dị, ông làm cấp phó cho nhà văn Lý Văn Sâm ở Hội Văn nghệ Đồng Nai. Sau khi nhà văn Lý Văn Sâm nghỉ, ông thay thế làm chủ tịch Hội. Ông kiêm luôn Tổng biên tập báo Văn nghệ Đồng Nai. Báo Văn nghệ Đồng Nai những năm 1980 in khổ lớn, đăng tải khá nhiều sáng tác của anh em hội viên, cộng tác viên.
Thời bao cấp khó khăn là thế mà anh em vẫn ham viết. Tấm lòng ưu ái với anh em viết trẻ, kinh nghiệm sáng tác lâu năm đã giúp ông phát hiện, nâng đỡ cho nhiều cây bút, giới thiệu họ trên báo. Ông còn tổ chức được nhiều trại sáng tác mời các nhà văn, nhà thơ ở TP. Hồ Chí Minh về trao đổi kinh nghiệm. Hồi ấy phong trào Hội khá rôm rả, anh em thích đến Hội để trò chuyện về sáng tác và tán gẫu. Nhà văn Hoàng Văn Bổn đã tập hợp được lực lượng xung quanh mình để làm cho văn nghệ Đồng Nai mạnh lên, phong phú hơn. Sau đó, do yêu cầu nhiệm vụ, nhà văn Hoàng Văn Bổn chuyển sang làm Giám đốc Nhà xuất bản Đồng Nai. Ở Nhà xuất bản Đồng Nai, ông cũng đã tổ chức ra mắt được nhiều đầu sách có giá trị.
Nhà văn Hoàng Văn Bổn có một sức làm việc phi thường. Với một chiếc máy chữ cổ lỗ, ông đã viết hết tác phẩm này đến tác phẩm khác. Trước khi về Đồng Nai ông đã có vài chục kịch bản phim và tiểu thuyết, ký sự, truyện thiếu nhi. Riêng về tiểu thuyết và ký sự ông có “Trên mảnh đất này”, “Tướng quân Lâm Kỳ Đạt”, “Sóng bạc đầu”, “Bầu trời và mặt đất”, “Ký sự Hàm Rồng”… là những tác phẩm viết ở miền Bắc. Trước đó nữa, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ, ông có “Vỡ đất”, “Bông hường bông cúc”.
Trở về quê hương trong khung cảnh hòa bình, hàng ngày ông gặp gỡ bao cảnh vật, bao bạn bè, đồng chí, học trò, người thân gợi cho ông những liên tưởng đến quá khứ, ông đã kết nối những người những việc tưởng như rời rạc thành một chuỗi có hệ thống và làm bật lên chủ đề của tác phẩm. Đó là cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với bao hy sinh mất mát và kỳ tích anh hùng. Kể từ năm 1980 đến ngày ông qua đời, hàng loạt đầu sách của ông đã ra mắt bạn đọc: “Gặp lại một dòng sông”, “Lũ chúng tôi”, “Khắc nghiệt”, “Nước mắt giã biệt”… Mỏng thì hai trăm trang, dày thì năm sáu trăm trang, thậm chí lên đến bảy tám trăm trang. Hoàng Văn Bổn là nhà văn đau đáu với nghề viết, viết để trả món nợ với hai cuộc kháng chiến của dân tộc, viết để trả món nợ với quê hương.
Một số tác phẩm của nhà văn Hoàng Văn Bổn. Ảnh: Vĩnh Huy |
Hoàng Văn Bổn là nhà văn sống đạm bạc, chân thật và giản dị. Ông am hiểu sự đời nhưng ông sống theo kiểu của ông. Lúc về quê ông được cấp một cái nhà sát bờ sông Đồng Nai, tối om om, hầu như lúc nào cũng phải mở đèn. Căn nhà có một cái gác xép là nơi ông làm việc. Về sau căn nhà kế bờ sông bị giải tỏa, ông chuyển về khu quy hoạch sau lưng Tỉnh đội Đồng Nai. Cuối đời nhà cửa đã đàng hoàng khang trang hơn, nhưng vẫn là một căn nhà ống.
Nhà văn Hoàng Văn Bổn là người có lòng tốt luôn luôn thường trực. Ai cần giúp mà nằm trong tầm tay của ông, ông sẵn sàng, miễn là được phong trào, được việc, giúp được người đó.
Năm 1992, giáo sư Lê Trí Viễn, thầy Nguyễn Sĩ Bá và tôi được Sở GD-ĐT Đồng Nai giao cho nhiệm vụ biên soạn cuốn “Văn thơ Đồng Nai trong nhà trường”. Bộ GD-ĐT quy định trong chương trình văn học phổ thông có 8 tiết phần văn học địa phương. Chỉ có 8 tiết thôi mà chúng tôi phải làm ròng rã hai năm trời. Đi điền dã các địa phương, những nơi có tác phẩm nói đến, đi sưu tầm các tác phẩm văn học Đồng Nai từ dân gian, cổ, cận, hiện đại. Phải chọn lọc tác phẩm, tác giả, biên soạn câu hỏi cho học sinh, biên soạn tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên. Rồi chúng tôi phải báo cáo, nghiệm thu từng phần. Được tin nhà văn Hoàng Văn Bổn rất mừng, ông viết thư động viên chúng tôi hoàn thành công trình quan trọng này. Năm 1993, Nhà xuất bản Đồng Nai do ông làm giám đốc đã in cuốn sách này.
Nhìn vào nhà văn Hoàng Văn Bổn, chúng ta dễ dàng nhận ra phẩm chất tốt đẹp, tâm huyết của ông và những đóng góp quý báu của ông cho văn học Đồng Nai và văn học nước nhà. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và gần đây là Huân chương Lao động hạng hai dành cho ông là hoàn toàn xứng đáng. Giờ đây nhớ tới ông, tôi cứ mường tượng ra cuộc họp của các nhà văn Đồng Nai đã trở thành người thiên cổ: Nhà văn Lý Văn Sâm người nhỏ nhắn, giọng nói nhỏ nhẹ, tình cảm; nhà văn Hoàng Văn Bổn cao dong dỏng, giọng từ tốn, chân tình; nhà văn trẻ Nguyễn Đức Thọ, người đậm đà, giọng băm bổ, hay kể chuyện tếu; nhà thơ khách mời Thu Bồn cao to, giọng Quảng Nam đặc sệt, tính cách mạnh mẽ. Họ là những người góp phần làm cho văn hóa đất nước, văn hóa Đồng Nai thêm phong phú...