Dù khá muộn màng so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, nhưng sáng 8-10, Hội Sinh vật cảnh (SVC) Đồng Nai cũng chính thức ra đời và tổ chức Đại hội lần thứ 1...
Dù khá muộn màng so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, nhưng sáng 8-10, Hội Sinh vật cảnh (SVC) Đồng Nai cũng chính thức ra đời và tổ chức Đại hội lần thứ 1...
Một mái tam quan thuần Việt cổ kính, hai nếp nhà cổ đậm nét đặc trưng Nam bộ, dọc theo lối đi là vô vàn những cây kiểng, bon sai, đá được trưng bày xen kẽ nhau. Điểm xuyết đây đó là những gốc gỗ lũa được chế tác thành hình rồng, xe ngựa thật công phu. Đệm cho khung cảnh nên thơ đó là tiếng hót véo von thánh thót của những chú chích chòe lửa ẩn mình dưới vòm cây râm mát khiến người lạc vào phải ngơ ngẩn không muốn rời xa. Đó là không gian của Hội quán Hội SVC Đồng Nai (tọa lạc bên hông Bảo tàng Đồng Nai trong khuôn viên Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh). Ông Vũ Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH cây xanh Biên Hòa, thành viên của Hội cho biết, chỉ riêng kinh phí tạo dựng các kiến trúc trong hội quán đã lên đến gần 4 tỷ đồng, đều do các hội viên tự nguyện góp tay để hình thành sân chơi cho mình và bè bạn.
Một tác phẩm nghệ thuật chế tác từ gỗ lũa trưng bày trong khuôn viên Hội quán Hội Sinh vật cảnh Đồng Nai |
THÚ ĐAM MÊ CỦA NHữNG “NÔNG DÂN CAO CẤP”
Theo ông Hà Duy Thiện (chủ nhân Hội quán Cội Nguồn), người tự nhận là nghiệp dư nhưng lại rất say mê SVC, ngành này có 4 bộ môn chính được gọi là tứ kỳ môn, gồm: chim, cá, đá, cây. Mỗi bộ môn lại bao gồm nhiều nhánh khác nhau, như bộ môn cây có bon sai, phong lan, kiểng đại thụ; đá có đá mỹ nghệ, hóa thạch, lũa; trong bộ môn chim, ngoài chim cảnh, chim hót lại có cả gà kiểng, công, trĩ…
Tuy nhiên, theo xu hướng chơi SVC chung hiện nay, mỗi bộ môn có thể không còn đứng tách biệt riêng lẻ, mà người chơi thường phối hợp với nhau để tạo thành tiểu cảnh. Một tiểu cảnh có thể nói là một thắng cảnh thiên nhiên thu nhỏ, có đá tạo thành những thế núi đẹp, kỳ vĩ, có cỏ cây tạo thành cảnh vật, có những thác, suối nước và thậm chí có cả những kiến trúc điểm xuyết để khung cảnh thêm hoàn mỹ.
Nhưng dù là cây, đá, cá, chim hay “bốn môn phối hợp”, thì người chơi SVC phải đều là những người có máu mê, có tâm huyết, bởi nghề chơi này đòi hỏi phải dụng nhiều công phu, ngoài năng khiếu thẩm mỹ còn phải có tính kiên trì, nhẫn nại. Từ một phôi cây ban đầu, người chơi không chỉ phải biết tạo dáng cho cây thành những thế đẹp, “độc” theo cái gu của riêng mình, mà còn phải chăm chút nâng niu, kiên nhẫn uốn từng ngọn cây, và chuyện mất cả chục năm trời mới tạo được một cây bonsai đẹp là điều bình thường của người trong nghề. Với đá cũng vậy, phải say mê vẻ đẹp của từng đường vân đá, thế đá thì mới có thể trăm phương ngàn cách biến phiến đá vô tri thành tác phẩm nghệ thuật để mọi người có thể cảm nhận được vẻ đẹp. Hay với việc tưởng chừng đơn giản là luyện giọng hót cho chim thì phải “có nghề” mới huấn luyện được một chú chim có giọng hót tuyệt vời mà “không đụng hàng”. “Người có tiền có thể bỏ ra hàng chục triệu, trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để sở hữu một cây bon sai, phiến đá đẹp, nhưng họ sẽ không thể biết đến niềm đam mê, thú vui khi tạo tác sản phẩm, và càng không ai xem họ là nghệ nhân hay “người trong giới” - ông Sang giải thích.
“THÈM” SÂN CHƠI CHO NGƯỜI TRONG NGHỀ
Ông Huỳnh Phước Thành, một nghệ nhân bon sai có tiếng ở Biên Hòa kể, cách đây mấy năm, ông có một cây sam núi rất đẹp. Trong giới bon sai đồn đãi nhau về cây sam núi của ông, thế là có người đến “nghía” và đưa giá 400 triệu đồng. Ông Thành gật đầu, không ngờ cây sam núi vừa đẩy ra khỏi cổng đã được hét giá lên gấp đôi, sau cùng nghe nói đã về tay một đại gia với giá trên một tỷ đồng. “Nếu như mình có Hội, có sự trao đổi thông tin, giao lưu rộng rãi thì đã không bị ép giá tới vậy” - ông Thành tiếc rẻ.
Cũng theo ông Thành, ở Đồng Nai hiện có ông Châu Chí Hùng (chủ nhân An Phát quán ở Tân Vạn) là nghệ nhân có tiếng về đá. Nhiều lần dự Hội Hoa xuân ở công viên Tao Đàn (TP. Hồ Chí Minh) và các hội thi trong khu vực, các tiểu cảnh do ông Hùng thiết kế đều đoạt giải cao, nhưng đều lấy danh nghĩa cá nhân chứ không thể tự hào trưng thương hiệu Đồng Nai. Có lần “nóng mặt” với các tỉnh, thành khác quá, anh em bàn nhau treo “lụi” tấm biển Hội SVC Đồng Nai lên tác phẩm được giải của mình mà trong lòng “thèm” có được tổ chức riêng của giới mình, không phải lủi thủi chơi một mình hoặc “chơi ké” với hội của các tỉnh, thành bạn.
Ông Vũ Văn Sang cho biết, so với khu vực miền Nam thì Đồng Nai hiện rất mạnh về tiềm năng, nhân lực và thành tích trong ngành SVC. Nói về bon sai, người trong nghề không ai không biết đến các nghệ nhân: Trần Đình Thành (đã từng xuất bản tập sách giới thiệu về bon sai, đoạt giải thưởng Sách đẹp Việt Nam), Huỳnh Phước Thành... Về đá thì phải “ngả nón” trước nghệ nhân Châu Chí Hùng với vô số giải thưởng khu vực và quốc gia. Về chim thì các anh: Tiếng, Quang (Tân Mai), Nghĩa (Long Bình Tân)… lừng danh tại các hội thi chim hót khu vực phía Nam. Hay nhóm các anh: Hải, Phú, Mẫn thì nổi tiếng về gà kiểng, thường được mọi người tham vấn ý kiến qua trang web gatrevietnam.com. Còn về cá cảnh, vùng Tân Mai hiện là nguồn cung cấp rất lớn cho TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ. Thế nhưng, có một thiệt thòi là các bộ môn này từ trước đến nay hoạt động riêng lẻ, chưa có sự nối kết để tạo thành thương hiệu mạnh. Vì thế, sau nhiều nỗ lực, đến nay Hội SVC Đồng Nai đã được ra đời trong niềm kỳ vọng của người trong giới, với mong mỏi Hội sẽ tập hợp được những tiềm năng riêng lẻ trước đây trở thành sức mạnh chung đưa ngành SVC địa phương vươn lên, khẳng định đẳng cấp của mình trong cả nước.